Đóng góp tích cực cho kinh tế địa phương

01:11, 29/11/2018

Theo Ban Quản lý Các khu công nghiệp (KCN), với ưu thế về cơ sở hạ tầng các KCN của tỉnh cơ bản đáp ứng được nhu cầu, cùng với môi trường chính trị- xã hội ổn định đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Vĩnh Long. 

Theo Ban Quản lý Các khu công nghiệp (KCN), với ưu thế về cơ sở hạ tầng các KCN của tỉnh cơ bản đáp ứng được nhu cầu, cùng với môi trường chính trị- xã hội ổn định đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Vĩnh Long.

Qua đó, tăng khả năng thu hút, mời gọi đầu tư, giúp giải quyết công ăn việc làm và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Nhà máy GreenFeed Vĩnh Long hiện đại khánh thành đầu năm 2018.
Nhà máy GreenFeed Vĩnh Long hiện đại khánh thành đầu năm 2018.

KCN Bình Minh: tỷ lệ lấp đầy trên 82%

Ngày 8/3/2018, tại KCN Bình Minh, Công ty CP GreenFeed Việt Nam chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm GreenFeed Vĩnh Long.

Đây là nhà máy thứ 2 (sau nhà máy chính đặt tại Bến Lức- Long An) ở khu vực ĐBSCL và là nhà máy thứ 8 trong hệ thống nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của GreenFeed trong cả nước.

Ông Nguyễn Văn Truyền- Phó Tổng giám đốc điều hành khu vực Tây Nam Bộ (GreenFeed Việt Nam), cho biết: “Nhà máy GreenFeed Vĩnh Long được xây dựng trên 5ha, với công suất thiết kế 300.000 tấn thức ăn gia súc, gia cầm/năm, tổng vốn đầu tư 20 triệu USD.

Trước mắt, chúng tôi đã lắp đặt và sẽ đưa vào vận hành giai đoạn 1 dây chuyền sản xuất với công suất 200.000 tấn/năm. Nhà máy Vĩnh Long được trang bị hệ thống máy móc sản xuất hiện đại.

Với nhà máy mới này, cùng những lợi thế có được khi nhà máy GreenFeed Vĩnh Long đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh trong xu thế hội nhập”.

Số liệu của Ban Quản lý Các KCN cho thấy, hiện nay KCN Bình Minh có 26 dự án đầu tư (trong đó có 7 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1.578 tỷ đồng và 147,4 triệu USD, diện tích đất thuê 76,89ha.

Trong năm 2018, KCN này thu hút thêm 1 dự án lớn với tổng vốn đầu tư 70 triệu USD, diện tích đất thuê 18,17ha, suất đầu tư trung bình 3,85 triệu USD/ha.

Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lấp đầy KCN lên 82,77% và dự kiến triển vọng lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp vào năm 2019.

Trong khi đó, hiện KCN Bình Minh giải quyết việc làm cho khoảng 537 người. Đến năm 2019, khi dự án may mặc của Công ty TNHH Tỷ Bách đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho 12.000 người, đóng góp cho ngân sách tỉnh trên 1,5 triệu USD/năm.

KCN Bình Minh có tổng diện tích tự nhiên là 415,93ha, trong đó diện tích đất công nghiệp là 306,9ha đã cơ bản hoàn thiện kết cấu hạ tầng về giao thông, thông tin liên lạc, cấp điện, cấp nước, đặc biệt là hệ thống thu gom và xử lý nước thải đã đi vào hoạt động.

Nhà máy cấp nước trong KCN Bình Minh có công suất hiện hữu là 1.500m3/ngày đêm và trong quy hoạch sử dụng đất xây dựng nhà máy cấp nước công suất 20.000 m3/ngày đêm.

KCN Bình Minh có trạm biến áp khu vực Bình Minh với công suất 40.000KVA (hiện nay mới sử dụng khoảng 25.000KVA). Công ty Điện lực Vĩnh Long đã kéo đường dây trung thế 22KV, đảm bảo cung cấp điện liên tục và ổn định 24 h/ngày phục vụ cho KCN này.

Hiệu quả tích cực từ các khu- tuyến CN

Cùng với hệ thống hạ tầng hoàn thiện đã góp phần tăng hiệu quả thu hút đầu tư cho các KCN của tỉnh. Theo Ban quản lý Các KCN, nếu năm 2005 toàn tỉnh chỉ có 5 doanh nghiệp đầu tư vào các KCN và tuyến CN Cổ Chiên (khu IV),

với số vốn đầu tư đăng ký là 118 tỷ đồng và 10 triệu USD thì đến nay, các khu- tuyến CN đã thu hút được 48 dự án, trong đó có 20 dự án FDI, với vốn đầu tư đăng ký rót vào nền kinh tế trên 4.187 tỷ đồng và 439,41 triệu USD, diện tích đất CN đã cho thuê là 215,06ha.

Song song, giá trị sản xuất CN tăng mạnh từ 267,19 tỷ đồng (năm 2005, giai đoạn đầu KCN bắt đầu hoạt động), đến năm 2017 đã đạt trên 12.223 tỷ đồng.

Theo đó, tính bình quân 1ha đất CN sẽ tạo ra giá trị sản xuất CN đạt khoảng 117,68 tỷ đồng/1 năm; lớn hơn rất nhiều so với giá trị sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh, kim ngạch xuất khẩu năm 2005 đạt 8,03 triệu USD (chiếm 5,09%), thì năm 2017 là 362,90 triệu USD (chiếm 86,26% so toàn tỉnh).

Đáng chú ý, các KCN của tỉnh góp phần tích cực giải quyết việc làm. Nếu năm 2005, có 2.676 lao động vào làm việc trong các doanh nghiệp KCN thì đến nay đã có 31.393 người làm việc tại các KCN.

Trong đó, có khoảng trên 10.000 lao động (lao động nhàn rỗi thời vụ trong nông nghiệp) hợp tác cung ứng nguyên liệu, gia công hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu,... cho doanh nghiệp KCN.

Hơn nữa, đến năm 2017, các KCN đã đóng góp cho ngân sách nhà nước trên 200 tỷ đồng (năm 2005 chỉ đạt 3 tỷ đồng).

Ngoài ra, các khu- tuyến CN cũng đã góp phần tạo ra một hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ, có giá trị lâu dài, góp phần hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh, góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, tạo nên những vùng kinh tế năng động, đời sống, thu nhập một bộ phận dân cư ổn định và phát triển.

Thời gian tới, Vĩnh Long tập trung mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng 3 KCN mới đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào quy hoạch các KCN ưu tiên thành lập đến năm 2020. Đó là, KCN Đông Bình (350ha), KCN Bình Tân (400ha) và KCN An Định (200ha).

Bài, ảnh: LÝ AN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh