Vĩnh Long được xác định là vùng công nghiệp (CN) ở ĐBSCL với nhiều lợi thế, tiềm năng. Tuy nhiên, việc phát triển CN thời gian qua còn dàn trải, không đồng đều giữa các vùng cùng với cơ sở sản xuất quy mô vừa và nhỏ nên chưa tạo đột phá.
Vĩnh Long được xác định là vùng công nghiệp (CN) ở ĐBSCL với nhiều lợi thế, tiềm năng. Tuy nhiên, việc phát triển CN thời gian qua còn dàn trải, không đồng đều giữa các vùng cùng với cơ sở sản xuất quy mô vừa và nhỏ nên chưa tạo đột phá.
Trong quy hoạch phát triển CN đến năm 2020, tỉnh sẽ khắc phục điều này bằng việc chia thành 2 vùng CN, tập trung khai thác đúng tiềm năng, thế mạnh từng địa phương một cách bền vững.
Vĩnh Long có quỹ đất sạch, sẵn sàng đón nhà đầu tư. |
Quy hoạch chưa đạt mục tiêu
Theo Sở Công thương, từ thực tiễn xây dựng cụm CN và các ngành CN của tỉnh phát triển thời gian qua cho thấy, trên địa bàn tỉnh có 2 loại hình cụm CN.
Đó là cụm CN tổng hợp đa ngành và cụm CN chuyên ngành. Các doanh nghiệp sản xuất CN và tiểu thủ CN thuộc các thành phần kinh tế ngày càng được khuyến khích phát triển và có xu hướng tăng nhanh.
Tuy nhiên, việc phát triển sản xuất hiện nằm phân tán, xen lẫn trong các khu dân cư, dễ xảy ra các vấn đề ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cảnh quan đô thị, khó thực hiện công tác quản lý và triển khai các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế.
Số liệu thống kê của Sở Công thương cho thấy, hiện việc phát triển CN và tiểu thủ CN tập trung chủ yếu ở huyện Long Hồ (giá trị CN tập trung chiếm 64% tổng giá trị CN toàn tỉnh), TP Vĩnh Long (chiếm khoảng 19%); TX Bình Minh và huyện Mang Thít (khoảng 4%).
Các địa phương còn lại tuy có những tiềm năng nhất định về vị trí địa lý, tài nguyên và nguyên liệu nhưng CN còn chậm phát triển.
Trong “Quy hoạch phát triển CN- tiểu thủ công nghiệp tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2011- 2015 và định hướng đến năm 2020” được UBND tỉnh phê duyệt ngày 28/12/2011, theo Sở Công thương nhìn chung “không đạt như mong đợi” trong mục tiêu thu hút đầu tư và phát triển cụm CN.
Cụ thể, dự kiến giai đoạn 2011- 2015 sẽ triển khai thu hút đầu tư nhưng đến nay chỉ dừng lại công tác quy hoạch chi tiết; đến 2015 dự kiến cần 642,4ha đất phát triển cụm CN nhưng do tốc độ phát triển CN của các địa phương thấp hơn dự báo nên phải điều chỉnh quy hoạch theo hướng giảm diện tích đất, đồng thời ngành nghề thu hút đầu vào cụm CN cũng không đạt như mục tiêu đề ra.
Do đó cần phải tiến hành quy hoạch phát triển các cụm CN theo hướng ổn định, bền vững và đúng định hướng.
Đồng thời, thực hiện việc phân bổ và sắp xếp lại lực lượng sản xuất cũng như mở rộng sản xuất; thu hút đầu tư mới từ các nguồn lực trong và ngoài nước, giảm dần chênh lệch kinh tế giữa các vùng, địa phương…
Trong quy hoạch phát triển cụm CN tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Phó Giám đốc Sở Công thương- Vũ Ngọc Tú, cho biết nhằm hình thành một hệ thống các khu- cụm CN tạo một kết cấu hạ tầng CN có giá trị lâu dài, góp phần hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và tạo tác phong CN cho người lao động; xác định và bố trí quỹ đất hợp lý trong đầu tư phát triển cụm CN, đáp ứng nhu cầu mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật để phát triển sản xuất.
Khai thác thế mạnh địa phương
Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ tập trung thực hiện nhiều nhóm giải pháp như: đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư; chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực;
sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư của Trung ương, địa phương và thu hút các doanh nghiệp, các nguồn vốn tín dụng đầu tư vào hạ tầng các cụm CN.
Trong quy hoạch phát triển CN và tiểu thủ CN đến năm 2020 định hướng sẽ phát triển theo vùng, lãnh thổ. Theo đó, vùng CN 1 khu vực sông Tiền bao gồm:
TP Vĩnh Long, huyện Long Hồ, Mang Thít và Vũng Liêm. Đây là khu vực đông dân cư, cơ sở hạ tầng tương đối phát triển.
Hiện vùng này có 7 cụm CN đã được quy hoạch với diện tích gần 282ha, thuận lợi cho phát triển nhiều nhóm ngành CN chế biến nông sản, thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng… Vùng CN 2 dọc sông Hậu bao gồm:
TX Bình Minh và các huyện Bình Tân, Tam Bình, Trà Ôn. Vùng này có tiềm năng sản xuất lúa đặc sản xuất khẩu, chuyên canh cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản… rất thuận lợi để phát triển kinh tế đa dạng, nhất là sản xuất các ngành CN chế biến thủy sản và thực phẩm.
Sở Công thương sẽ làm đầu mối phối hợp Sở Giao thông- Vận tải huy động các nguồn vốn đầu tư để nâng cấp các tuyến đường đến khu- cụm CN; xây dựng các đầu mối giao thông trong hàng rào khu- cụm CN phù hợp quy hoạch phát triển từng thời kỳ.
Ngoài ra, tỉnh sẽ vận dụng phù hợp các cơ chế, chính sách của Trung ương, cũng thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đầu tư riêng của địa phương như: giúp các nhà đầu tư lựa chọn phương án địa điểm tối ưu của dự án đầu tư nhằm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội và công nghiệp của tỉnh.
Đặc biệt, tạo điều kiện để doanh nghiệp vay vốn tín dụng ưu đãi hoặc nguồn vốn tín dụng có bù lãi suất của Nhà nước để xây dựng cơ sở hạ tầng; miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp…
Thông qua các chính sách ưu đãi nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi và hỗ trợ một phần kinh phí cho các doanh nghiệp khi đến triển khai thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở Công thương, kế hoạch đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ phát triển 9 cụm CN, với tổng diện tích khoảng 492,56ha, nhu cầu vốn đầu tư là 3.730 tỷ đồng; đến năm 2030 phát triển thêm 5 cụm CN, với diện tích khoảng 165,49ha, với nguồn vốn đầu tư trên 4.000 tỷ đồng. |
Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin