Truy xuất sản phẩm bằng điện thoại: hiệu quả, thiết thực

11:01, 04/01/2018

Vĩnh Long đang triển khai truy xuất nguồn gốc nông sản giúp các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh nhờ minh bạch thông tin tới người tiêu dùng. Không chỉ vậy, còn tránh được sự nhập nhèm giữa những sản phẩm sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm với những sản phẩm trôi nổi trên thị trường.

Vĩnh Long đang triển khai truy xuất nguồn gốc nông sản giúp các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh nhờ minh bạch thông tin tới người tiêu dùng. Không chỉ vậy, còn tránh được sự nhập nhèm giữa những sản phẩm sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm với những sản phẩm trôi nổi trên thị trường.

Truy xuất nguồn gốc là hướng đi cần thiết cho nhiều nông sản chủ lực Vĩnh Long hiện nay.
Truy xuất nguồn gốc là hướng đi cần thiết cho nhiều nông sản chủ lực Vĩnh Long hiện nay.

Truy xuất nguồn gốc khoai lang sấy

Trung tâm Thông tin nông nghiệp- nông thôn (Sở Nông nghiệp- PTNT) đang thực hiện dự án: “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh”.

Mục tiêu của dự án, ngoài việc truy xuất nguồn gốc nông sản chủ lực, sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại và mời gọi doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản khi được truy xuất; giữ vững và phát triển thương hiệu sản phẩm chủ lực trên thị trường...

Theo dự án này, tháng 7/2017, Ban quản lý dự án đã hỗ trợ cơ sở sản xuất kẹo mứt Hồng Phúc (xã Thành Lợi- Bình Tân) với sản phẩm khoai lang sấy thực hiện thay đổi mẫu mã, dán tem sản phẩm để hiện nay đã truy xuất nguồn gốc bằng điện thoại thông minh.

Theo Ban quản lý dự án, phần mềm truy xuất được xây dựng tương thích với cả 2 hệ điều hành iOS và Android.

Thông qua hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu sản phẩm của cơ sở, phần mềm tự động hóa mã QR Code thông qua việc sử dụng điện thoại thông tin, tải chương trình ứng dụng với tên “nông sản Vĩnh Long” trên kho ứng dụng Apple store và Google store để xem mọi thông tin về sản phẩm.

Theo ông Huỳnh Quốc Thái- chủ Cơ sở sản xuất kẹo mứt Hồng Phúc, việc dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm là do cơ sở nhận thấy xu thế phát triển của thị trường hiện nay với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng hàng hóa.

“Qua áp dụng, tôi nhận thấy rất nhiều lợi ích, tính cạnh tranh cao hơn sản phẩm cùng loại, truy xuất được nguồn gốc khẳng định được tính minh bạch và uy tín của cơ sở, xây dựng lòng tin với người tiêu dùng.

Đồng thời, về lâu dài tiết kiệm được chi phí, thời gian giải quyết các vấn đề liên quan đến hàng giả”- ông Huỳnh Quốc Thái cũng cho biết thêm, sau khi áp dụng truy xuất, thị trường tiêu thụ của cơ sở đã mở rộng hơn, số lượng hàng hóa sản xuất tăng đáng kể, một số doanh nghiệp đã chủ động liên hệ trao đổi, sản phẩm địa bàn hiện mở rộng khắp cả nước.

Mở rộng truy xuất nguồn gốc nhiều nông sản

Tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm khoai lang sấy Hồng Phúc (Bình Tân).
Tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm khoai lang sấy Hồng Phúc (Bình Tân).

Theo Ban Quản lý dự án: “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh”, việc truy xuất nguồn gốc nông sản mang nhiều hiệu quả về kinh tế, giúp cơ sở sản xuất nâng cao tính cạnh tranh sản phẩm, tăng sức cạnh tranh mua bán.

Ngoài ra, dán tem truy xuất nguồn gốc là “hàng rào” bảo vệ uy tín sản phẩm và doanh nghiệp trước vấn nạn hàng giả, nhái và kém chất lượng. Về mặt xã hội, sản phẩm nguồn gốc rõ ràng giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng.

Sau khoai lang, tới đây Trung tâm Thông tin nông nghiệp- nông thôn sẽ tiếp tục hỗ trợ truy xuất nguồn gốc cho chôm chôm, cam sành và nhiều loại rau củ quả khác.

Dự án sẽ chú trọng đầu tư cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các cơ sở sản xuất mặt hàng nông sản trong vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP.

Đặc biệt, ưu tiên cho những đơn vị có cam kết sản xuất theo tiêu chuẩn hàng hóa sản xuất, cam kết thu mua sản phẩm từ vùng nguyên liệu; các sản phẩm đã và đang thực hiện cung cấp sản phẩm cho hệ thống siêu thị trong và ngoài nước hoặc cửa hàng sản phẩm sạch.

Ông Võ Văn Quốc- Giám đốc Trung tâm Thông tin nông nghiệp- nông thôn cho biết: Trong bối cảnh hội nhập, không chỉ thị trường trong nước và cả thế giới, các cơ sở, tổ chức sản xuất cần đảm bảo niềm tin, minh bạch trong quá trình sản xuất hàng hóa từ đồng ruộng đến bàn ăn.

Vì vậy, truy xuất nguồn gốc là tất yếu để nâng cao tính cạnh tranh. “Các thị trường rất chú trọng đến việc truy xuất nguồn gốc. Chúng ta cần hòa nhập với phát triển chung”- ông Võ Văn Quốc định hướng. 

Với việc đã thực hiện thành công truy xuất nguồn gốc trên khoai lang vừa qua, ông Võ Văn Quốc cho rằng, đó là minh chứng cho sự quyết tâm thực hiện của ngành chuyên môn, nhằm hướng đến kênh mua bán hiện đại, tạo lòng tin cho người tiêu dùng, từng bước đưa nông sản chủ lực của tỉnh phát triển, mở rộng thị trường không chỉ trong nước mà tiến tới xuất khẩu.

Dự án: “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh” thực hiện giai đoạn 2017- 2020, với tổng kinh phí trên 1,2 tỷ đồng, từ nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp. Đơn vị tham gia sẽ được Ban quản lý dự án hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc, đầu tư 100% chi phí thuê đơn vị tư vấn thực hiện xây dựng hệ thống quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc; đầu tư 100% chi phí xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu doanh nghiệp tương thích…

Bài, ảnh: HOÀNG MINH

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh