Vừa qua, các nhà khoa học ở Viện Lúa ĐBSCL, Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL - Trường Đại học Cần Thơ kết thúc giai đoạn hợp tác nghiên cứu và thực nghiệm canh tác lúa ứng dụng các sản phẩm hữu cơ sinh học trên đất bị ảnh hưởng bởi hạn-mặn với kết quả khả quan.
Vừa qua, các nhà khoa học ở Viện Lúa ĐBSCL, Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL - Trường Đại học Cần Thơ kết thúc giai đoạn hợp tác nghiên cứu và thực nghiệm canh tác lúa ứng dụng các sản phẩm hữu cơ sinh học trên đất bị ảnh hưởng bởi hạn-mặn với kết quả khả quan.
Ảnh hưởng do hạn- mặn
Năm qua, hậu quả do tình trạng khô hạn và nước mặn xâm nhập sớm, lấn sâu vào đất liền đã gây ảnh hưởng tới đời sống của người dân ĐBSCL và gây nhiều thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp.
Trong lĩnh vực trồng trọt, nhiều vùng chuyên canh lúa và cây ăn trái ở các tỉnh ven biển bị ảnh hưởng nặng nề nhất, không chỉ một mùa vụ mà hệ lụy do xâm nhập mặn còn kéo dài nếu nhà nông không có giải pháp xử lý.
Nông dân tìm hiểu sản phẩm hữu cơ sinh học. |
Theo các báo cáo khoa học mới nhất được các nhà khoa học công bố, sử dụng có hiệu quả khi đưa các sản phẩm hữu cơ sinh học trong các điều kiện canh tác lúa trên đất phù sa, đất phèn và nhiễm mặn, đến khả năng phục hồi cây sầu riêng sau hạn-mặn.
Kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy: Mặn ảnh hưởng trực tiếp tới cây trồng, gây ra tình trạng thiếu nước; gây ngộ độc cho cây, cây thiếu dinh dưỡng...
Mặn ảnh hưởng tới môi trường đất, cấu trúc đất thay đổi. Còn ở vùng đất phèn, kích hoạt phèn tiềm tàng trở thành phèn hoạt động. Hệ vi sinh vật thay đổi, giảm mật số vi sinh vật có lợi trong đất lúa, hoạt động hệ vi sinh vật bị yếu. Mặn ảnh hưởng tới môi trường nước và dung dịch đất…
Từ những thiệt hại nghiêm trọng do ảnh hưởng của hạn – mặn trong năm qua cùng với tác động biến đổi khí hậu các nhà khoa học cho rằng sẽ còn gây bất lợi hơn trong sản xuất.
Do đó cơ quan nghiên cứu các viện, trường và ngành Nông nghiệp đã bắt tay ngay vào việc nghiên cứu, khảo nghiệm các sản phẩm hữu cơ, sinh học, xác định hiệu quả trong điều kiện canh tác phù hợp.
Phân hữu cơ- sinh học ở vùng hạn- mặn
Canh tác theo hướng hữu cơ sinh học được các nhà khoa học khẳng định là một trong những giải pháp góp phần sản xuất nông nghiệp bền vững.
Sử dụng các sản phẩm hữu cơ sinh học, ngoài việc góp phần làm giảm thiểu lượng phân thuốc hóa học trên đồng ruộng còn giúp giảm bùng phát dịch hại, đảm bảo hệ sinh thái cây trồng, tạo ra những sản phẩm có chất lượng an toàn với người sử dụng; đem lại hiệu quả kinh tế, giữ và gia tăng độ màu mỡ của đất trồng.
Do đó, trong điều kiện đất và cây trồng bị nhiễm mặn, các loại phân bón vô cơ, hóa học sẽ làm tăng mức độ ngộ độc của cây trồng thì phân hữu cơ sinh học qua sử dụng càng khẳng định vai trò góp phần cải tạo đất, tăng sức chống chịu và hồi phục của cây trồng.
TS. Dương Hoàng Sơn, Viện Lúa ĐBSCL nghiên cứu về ảnh hưởng của sản phẩm DS 80, DS GOLD, URE BLACK và VIAN đến sinh trưởng và phát triển cây lúa trong điều kiện đất phù sa tại Cần Thơ và đất phèn ở Hậu Giang.
Thông qua việc bón kết hợp phân vô cơ và các sản phẩm phân bón lá DS 80, DS GOLD, phân Urea Black, phân hữu cơ VIAN cho thấy đây là các loại phân bón có tính năng ưu việt qua thử nghiệm giúp gia tăng có ý nghĩa các chỉ tiêu nông học và năng suất lúa so với chỉ bón phân vô cơ với lượng cao 140N thông thường.
Vì vậy TS. Dương Hoàng Sơn đề nghị cần bổ sung nghiên cứu xây dựng quy trình kết hợp cả 3 sản phẩm vào trong một mô hình nhằm xây dựng quy trình ứng dụng các sản phẩm này trên cánh đồng lớn đạt hiệu quả cao về kinh tế.
Trong khi đó TS. Vũ Anh Pháp, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ) nghiên cứu về ảnh hưởng của Urea Gold đến sinh trưởng và năng suất lúa tại vùng đất nhiễm phèn và nhiễm mặn.
TS. Vũ Anh Pháp cho biết: "Giá thành phân Urea Gold cao hơn phân urê thường nhưng tiết kiệm được lượng phân bón nên hiệu quả kinh tế vẫn cao hơn 300.000 đồng/ha so với liều lượng bón 100% đạm + 100% lân, nhưng góp phần giảm ô nhiễm môi trường và giảm khí phát thải nhà kính, hiệu quả này còn cao hơn rất nhiều so với hiệu quả kinh tế đạt được.
Có thể khuyến cáo áp dụng phân Urea Gold liều lượng 80% đạm + 70 % lân cho canh tác lúa ở hai vùng sinh thái phèn và mặn vụ hè thu.
Kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của các loại phân bón hữu cơ sinh học đến khả năng phục hồi cây sầu riêng sau hạn - mặn, TS. Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, cho rằng: Sử dụng các loại phân bón hữu cơ sinh học bón gốc và phun qua lá như phân hữu cơ VIAN, Rhizomyx, Rootwell, Vitazyme, DS Gold và Silimax đã giúp cây sầu riêng phục hồi nhanh hơn, biểu hiện qua các chỉ tiêu số chồi bung ra từ nách lá nhiều, chiều dài của chồi dài, hàm lượng diệp lục tố cao hơn và chiều rộng của lá sầu riêng lớn hơn ở thời điểm 25, 50 và sau 75 ngày sau khi xử lý. Vì thế cây sầu riêng có rễ phục hồi nhanh hơn…
Theo TS. Lưu Hồng Mẫn, Phó Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL: "Hiện nay ở vùng ĐBSCL sản xuất nông nghiệp còn tập trung chủ yếu theo số lượng, thâm canh làm cho nhóm đất phù sa ven sông Tiền và sông Hậu có hiện tượng bị bạc màu, suy thoái.
Do điều kiện thâm canh có đê bao chống lũ và trong quá trình canh tác sử dụng quá nhiều phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng đã tạo ra dư lượng các chất độc hại trong nông sản thực phẩm cũng như làm tăng khả năng chống chịu và đột biến của sâu bệnh…
Do vậy phát triển sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn tới với mục tiêu đạt được năng suất, chất lượng nông sản tốt, đảm bảo cân bằng sinh thái và không làm suy thoái môi trường canh tác, chúng ta cần phải quan tâm đến vai trò hữu cơ sinh học trong canh tác nông nghiệp bền vững".
Theo Cần Thơ Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin