Liên kết tiêu thụ nông sản: Doanh nghiệp, nhà vườn cùng bước tới

06:12, 29/12/2016

Liên kết trong sản xuất- tiêu thụ giúp nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm hàng hóa, bởi bên cạnh việc đảm bảo chất lượng, sản lượng còn tạo đầu ra ổn định về giá cả lẫn thị trường.

 

HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước ký kết biên bản ghi nhớ tiêu thụ với Công ty CP Rau quả mekong- Tiền Giang.
HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước ký kết biên bản ghi nhớ tiêu thụ với Công ty CP Rau quả mekong- Tiền Giang.

Liên kết trong sản xuất- tiêu thụ giúp nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm hàng hóa, bởi bên cạnh việc đảm bảo chất lượng, sản lượng còn tạo đầu ra ổn định về giá cả lẫn thị trường. Thời gian qua, bên cạnh hỗ trợ của ngành chức năng, nhiều doanh nghiệp và nhà vườn đã có những “bước đi liên kết” rất tích cực.

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Thông tin nông nghiệp nông thôn tỉnh Vĩnh Long (Sở Nông nghiệp- PTNT), vừa qua, Hợp tác xã (HTX) Chôm chôm Bình Hòa Phước (Long Hồ) tổ chức sàn giao dịch nông sản và tọa đàm liên kết mạng lưới sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn.

Ông Nguyễn Ngọc Nhân- Giám đốc HTX cho biết: “Mở sàn giao dịch này không riêng chôm chôm Bình Hòa Phước được quảng bá mà còn có nhiều nhà vườn, tổ hợp tác, HTX trong toàn tỉnh được mời đến để giới thiệu các sản phẩm.

Đặc biệt, buổi kết nối có sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp thu mua nông sản trong và ngoài tỉnh, doanh nghiệp cung ứng phân bón để mở rộng liên kết sản xuất và tiêu thụ trong thời gian tới”.

Tại sàn giao dịch, đại diện các tổ hợp tác, HTX như: Tổ hợp tác Kinh tế vườn Hòa Lợi (Hòa Ninh- Long Hồ), HTX Rau củ quả Tân Bình, HTX Nông nghiệp Tân Quới, HTX Khoai lang Thành Đông (Bình Tân),… đã giới thiệu sản phẩm như nhãn Idor, khổ qua, hành lá, đậu bắp xanh, khoai lang,… đến với các doanh nghiệp thiêu thụ nông sản.

Bà Trần Thị Kim Nhung- đại diện Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại- Xuất nhập khẩu Thuận An (TP Hồ Chí Minh)- đơn vị đầu mối xuất khẩu chôm chôm Bình Hòa Phước sang Pháp, bày tỏ ấn tượng bởi những sản phẩm nông sản khá phong phú của nhà vườn Vĩnh Long.

Bà Nhung hy vọng thời gian tới doanh nghiệp sẽ mở rộng việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu những nông sản nhiều tìm năng của tỉnh.

Tại sàn giao dịch, Công ty CP Rau quả Mekong- Tiền Giang cũng đã ký biên bản ghi nhớ với HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước để tiêu thụ sản phẩm. Ông Võ Trí Thiện- phụ trách kinh doanh của công ty cho biết: Doanh nghiệp đang nhắm đến xuất khẩu chôm chôm vào Mỹ.

Với giấy thông hành GlobalGAP, chôm chôm Bình Hòa Phước có nhiều lợi thế xuất khẩu. Hướng tới, doanh nghiệp sẽ có bước tiếp cận sâu hơn với HTX, đồng hành cùng nhà vườn ngay từ khâu sản xuất nhằm đảm bảo các tiêu chí mà thị trường Mỹ đòi hỏi.

Nếu tiếp cận thành công ở thị trường này thì sản lượng xuất khẩu sẽ rất lớn so với sản lượng hiện tại mà chôm chôm Bình Hòa Phước có thể đáp ứng. Do đó, việc mở rộng vùng nguyên liệu trong thời gian tới cần được tính đến.

Ở một góc độ liên kết khác, Công ty TNHH 1TV On Oanh cũng có bước đi tiên phong trong việc phối hợp cung ứng phân bón trực tiếp đến nhà vườn.

Ông Đặng Văn On- Giám đốc công ty cho biết: Thời gian qua, doanh nghiệp đã có mối liên kết với 4 HTX và 1 tổ hợp tác trong tỉnh.

Theo đó, doanh nghiệp đã ký kết cung ứng phân bón và sản xuất phân bón theo yêu cầu nhà vườn về tỷ lệ, hàm lượng dinh dưỡng cho từng loại cây trồng, đồng thời cam kết thời gian thanh toán khi tới vụ (khoảng 4 tháng). Việc liên kết này giúp giảm bớt khâu trung gian, giúp nhà vườn nâng cao khả năng cạnh tranh về giá cho sản phẩm của mình.

Mới đây, Công ty TNHH 1TV Khoa học nông nghiệp Việt- Mekong vận hành dây chuyền sơ chế, đóng gói nông sản tại Vĩnh Long cũng như liên kết tiêu thụ nông sản với nhiều nhà vườn trong tỉnh.

Công ty TNHH 1TV Khoa học nông nghiệp Việt- Mekong ra mắt dây chuyền sơ chế, đóng gói nông sản và liên kết tiêu thụ nông sản với nhiều nhà vườn Vĩnh Long.
Công ty TNHH 1TV Khoa học nông nghiệp Việt- Mekong ra mắt dây chuyền sơ chế, đóng gói nông sản và liên kết tiêu thụ nông sản với nhiều nhà vườn Vĩnh Long.

Ông Nguyễn Thành Trung- phụ trách kinh doanh công ty cho biết: Hiện doanh nghiệp có mối liên hệ với khoảng 40 nhà vườn tại Vĩnh Long. Trong đó, doanh nghiệp đã hợp đồng tiêu thụ với khoảng 15 HTX, nhà vườn và thu mua nhiều loại nông sản Năm Roi, ổi Đài Loan, nhãn da bò, nhãn Idor, chôm chôm, mận An Phước,...

Mỗi ngày, doanh nghiệp thu mua từ 500kg đến 1 tấn sản phẩm mỗi loại. Sau đó, sơ chế, đóng gói và phân phối thông qua các siêu thị lớn tại TP Hồ Chí Minh.

Cũng theo ông Nguyễn Thành Trung, hiện nhu cầu thu mua nông sản của doanh nghiệp rất lớn nhưng khả năng cung ứng vẫn còn hạn chế, bởi sản phẩm phải được kiểm mẫu chặt chẽ để đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn.

Hướng tới, doanh nghiệp sẽ tổ chức các buổi tư vấn về kỹ thuật sản xuất, cung cấp thông tin về nhu cầu thị trường để nhà vườn lên kế hoạch sản xuất cụ thể, khi đó sản phẩm làm ra bao nhiêu sẽ được thu mua bấy nhiêu.

Theo bà Đoàn Ngọc Thanh Xuân- Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin nông nghiệp nông thôn, với nhu cầu xúc tiến thương mại cho các mặt hàng nông sản và sản phẩm làng nghề, thời gian qua, ngành nông nghiệp phối hợp với Sở Công thương và các đơn vị có liên quan tổ chức và tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.

Thời gian gần đây, những cố gắng trong việc quảng bá sản phẩm nông sản đã tạo được sự chú ý của các doanh nghiệp và giới truyền thông. Qua đó, nhiều tổ chức, cá nhân đã đặt vấn đề tìm hiểu thị trường nông sản trong tỉnh, đến thăm các vùng nguyên liệu và tổ chức liên kết tiêu thụ.

 

Giai đoạn 2015- 2020, tỉnh Vĩnh Long có kế hoạch xây dựng và phát triển thương hiệu cho các loại nông sản chủ lực như bưởi Năm Roi (2.500ha), cam sành (7.000ha), chôm chôm (1.000ha), nhãn (9.000ha). Ngành nông nghiệp đã vận động các doanh nghiệp tích cực hoạt động tiêu thụ nông sản, nhất là xuất khẩu, đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và thương hiệu cho nông sản.

  • ™Bài, ảnh: LÊ SƠN
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh