Mặc dù chuyện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ trái cây ở ĐBSCL đã được đặt ra rất nhiều trong những năm vừa qua, song, thực tế mắt xích này vẫn lỏng lẻo; "hợp đồng miệng" là chủ yếu nên sự gắn kết lợi ích và trách nhiệm của nông dân và doanh nghiệp tham gia là chưa thật chắc chắn khi gặp biến động của thị trường.
Hầu hết trái cây ở ĐBSCL vẫn còn trong tình trạng “tự sản, tự tiêu”. |
Mặc dù chuyện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ trái cây ở ĐBSCL đã được đặt ra rất nhiều trong những năm vừa qua, song, thực tế mắt xích này vẫn lỏng lẻo; “hợp đồng miệng” là chủ yếu nên sự gắn kết lợi ích và trách nhiệm của nông dân và doanh nghiệp tham gia là chưa thật chắc chắn khi gặp biến động của thị trường.
Vì vậy, khâu liên kết sản xuất- tiêu thụ trái cây, dù không còn mới nhưng vẫn cần “cụ thể hóa” và thực chất hơn.
Với diện tích hơn 40.000ha, xoài là loại cây ăn trái có nhiều nhất ở ĐBSCL. Sản lượng cung ứng hàng năm có thể lên đến 400.000 tấn trái. Xoài hiện xuất khẩu đến 29 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có cả những thị trường khó tính như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc,…
Đáng nói hơn, cuối năm 2016, xoài sẽ là 1 trong 6 loại trái cây được phép nhập khẩu vào Mỹ. Tuy vậy, trái ngược những tín hiệu xuất khẩu này, giá xoài tại các vườn vào thời điểm thu hoạch rộ vẫn thấp lè tè. Cụ thể, tỉnh Đồng Tháp có hơn 24.000ha cây ăn trái.
Trong khi đó, theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh này, toàn tỉnh có 31 vựa mua bán xoài và 1 chợ đầu mối trái cây. Tuy nhiên, hệ thống thu mua, cung ứng- tiêu thụ xoài phần lớn là do các thương lái và chủ vựa đảm nhận với phương thức mua đứt, bán đoạn theo giá thị trường, tiêu thụ dưới dạng tươi.
Theo ông Võ Việt Hưng- Giám đốc Hợp tác xã xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh), khó khăn để đưa xoài nâng cao giá trị là do chi phí vận chuyển, mà nhất là chi phí sau thu hoạch như chiếu xạ là rất cao, nên đẩy giá thành xuất khẩu lên cao. Trong khi đó, không riêng Việt Nam mà nhiều nước khác trên thế giới cũng có xoài nên rất khó cạnh tranh.
Tại vùng xoài xiêm núm ở 2 xã Quới An, Trung Chánh (Vũng Liêm), dù được cấp giấy chứng nhận VietGAP (hơn 47ha) nhưng khi rơi vào chính vụ thì nhà vườn kêu trời vì giá giảm mạnh.
Theo nhiều thương lái, sở dĩ có tình trạng này là bởi ngoài các vùng trồng xoài truyền thống như Cái Bè (Tiền Giang), Cao Lãnh (Đồng Tháp) thì hiện các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng… cũng trồng được, cộng với nhiều nhà vườn đốn nhãn chổi rồng trồng xoài, nên sản lượng tăng mạnh.
Không riêng xoài, nhiều loại trái cây khác ở ĐBSCL như chôm chôm, thanh long cũng rơi vào tình cảnh tương tự, dù một số nơi đã xây dựng quy trình, tiêu chuẩn sản xuất đạt chuẩn quốc tế.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp- PTNT), toàn vùng ĐBSCL hiện có trên 307.000ha cây ăn trái, chiếm 37,5% diện tích cây ăn trái cả nước, sản lượng hàng năm đạt khoảng 3,5 triệu tấn trái các loại.
Năm 2015, trái cây được xuất khẩu tới 60 nước và vùng lãnh thổ, kim ngạch đạt trên 1,8 tỷ USD, tăng gần 8 lần so với năm 2005. Riêng 9 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu rau quả luôn duy trì tăng trưởng trên 30%. Dự kiến đến cuối năm giá trị có thể đạt từ 2,5- 2,6 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên rau quả vượt qua cả lúa gạo đứng vào tốp đầu những mặt hàng nông- lâm- thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Tuy xem là điểm sáng về giá trị tăng trưởng nhưng sản xuất và tiêu thụ vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Thực tế, thời gian qua có nhiều hợp đồng doanh nghiệp và nông dân ký kết nhưng cũng dễ rạn nứt sau đó khi giá cả nông sản có biến động.
Theo ông Trần Văn Trung- Tổ trưởng Tổ Hợp tác sản xuất xoài tứ quý (xã Tân Phú- Tam Bình), lo ngại nhất là giá trái cây lên xuống thất thường, lúc vụ nghịch thì giá cao, khi vào vụ thu hoạch rộ thì rớt khiến nhiều hộ thua lỗ. “Hiện phần lớn nông dân trồng xoài nơi đây vẫn “tự sản, tự tiêu” là chính, nhất là khi đến đợt thu hoạch rộ phải chạy tìm thương lái, thậm chí đem sản phẩm bán lẻ tại các chợ”- ông nói.
Từ năm 2013, Bộ Nông nghiệp- PTNT quyết định đưa 5 loại trái cây, gồm: xoài, nhãn, thanh long, sầu riêng và chôm chôm vào sản xuất rải vụ, bước đầu cho kết quả khả quan. Bên cạnh, bộ cũng đã khuyến cáo các địa phương tổ chức lại sản xuất, đáp ứng yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt của các nhà nhập khẩu về số lượng trái cây bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Võ Việt Hưng nói: “Ngành nông nghiệp cần xây dựng vùng nguyên liệu thực sự. Bởi vùng nguyên liệu mới có đủ sản lượng đáp ứng cho các doanh nghiệp và đảm bảo tiêu chuẩn an toàn trong nước cũng như xuất khẩu”.
Cũng theo ông, mấu chốt vấn đề là cần có vai trò của Nhà nước chỉ đạo, điều phối, tạo điều kiện cho nông dân tham gia vào các hợp tác xã, tổ chức nông nghiệp. Hiện Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ nông nghiệp, mà cụ thể là ngành hàng trái cây nhưng lại giao cho các cơ quan hành chính thi hành nên chưa đạt hiệu quả, chưa đi đúng vào đối tượng cần hỗ trợ.
- Bài, ảnh: HOÀNG MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin