Hạn mặn gây thiệt hại hơn bao giờ hết...

10:05, 27/05/2016

Những cơn mưa rào từ giữa tháng 5 đến nay đã đẩy lùi nắng hạn gay gắt của mùa khô năm 2015- 2016.  Hạn, xâm nhập mặn kỷ lục đã qua, nhưng ảnh hưởng của nó hết sức nặng nề. Đây là một mùa khô mà sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh khó khăn hơn bao giờ hết...

 

Nước mặn thâm nhập sâu nhiều vùng trên địa bàn tỉnh gây hại cây trồng, vật nuôi. Ảnh minh họa: VINH HIỂN
Nước mặn thâm nhập sâu nhiều vùng trên địa bàn tỉnh gây hại cây trồng, vật nuôi. Ảnh minh họa: VINH HIỂN

Những cơn mưa rào từ giữa tháng 5 đến nay đã đẩy lùi nắng hạn gay gắt của mùa khô năm 2015- 2016.  Hạn, xâm nhập mặn kỷ lục đã qua, nhưng ảnh hưởng của nó hết sức nặng nề. Đây là một mùa khô mà sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh khó khăn hơn bao giờ hết...

 

Độ mặn lên cao, xâm nhập sâu hơn

Mặc dù đã được các cơ quan chuyên môn của trung ương, địa phương dự báo sớm, nhận định mức độ, phạm vi ảnh hưởng nhưng hạn, mặn trong mùa khô năm nay đến với tỉnh Vĩnh Long thật bất ngờ, mà đáng kể nhất là xâm nhập mặn.

Mặn không chỉ xuất hiện sớm, xảy ra ngay thời điểm nhân dân đón Tết Nguyên đán mà độ mặn còn lên mức kỷ lục, diện ảnh hưởng mặn rộng hơn, thời gian duy trì dài hơn những năm trước gây thiếu nước nghiêm trọng cho sản xuất, sinh hoạt và thiệt hại nhiều hơn hẳn. Đây là năm đầu tiên, tỉnh Vĩnh Long công bố thiên tai.

Ngay từ trung tuần tháng 12/2015, phía sông Cổ Chiên thuộc địa bàn huyện Vũng Liêm đã có một đợt mặn lên cao. Ngày 22/12/2015, độ mặn 3‰ đã xuất hiện tại cống Nàng Âm (xã Trung Thành Đông- Vũng Liêm)...

So với mùa khô năm ngoái (năm 2014- 2015), độ mặn xuất hiện sớm cùng thời điểm, đỉnh mặn trong đợt này ở mức xấp xỉ và cao hơn cùng thời điểm năm ngoái từ 0,5- 1‰, và độ mặn cao 2‰ vẫn duy trì đến đầu tháng 2/2016.

Đỉnh mặn cao nhất của mùa khô năm nay, trên sông lớn (Cổ Chiên, sông Hậu) xuất hiện vào giữa tháng 2 (từ ngày 5 đến 13/2/2016, trùng với kỳ triều cao 30 tháng 12 âl, những ngày Tết Nguyên đán) và trong nội đồng xuất hiện vào giữa tháng 3/2016 (kỳ triều cao 30 tháng Giêng âm lịch).

Đỉnh mặn các điểm đo trên địa bàn tỉnh đều vượt đỉnh mặn mùa khô năm 2012- 2013, gọi tắt là đỉnh mặn năm 2013 (năm ghi nhận có độ mặn cao nhất so các năm trước đó) và trở thành năm mặn lên cao mức kỷ lục.

Trên sông Cổ Chiên, tại huyện Vũng Liêm độ mặn từ 8 đến xấp xỉ 10‰, cụ thể là tại cống Cái Hóp là 13,6‰ (cao hơn đỉnh năm 2013 là 6,1‰), tại cống Nàng Âm là 9,6‰ (vượt đỉnh mặn năm 2013: 3,6‰); tại vàm Vũng Liêm đạt 8,8‰ (vượt năm 2013: 3,8‰); đặc biệt tại vàm Măng Thít (giáp 2 huyện Vũng Liêm và Mang Thít) đã lên mức 5,3‰ (cao hơn đỉnh mặn năm 2013: 3,3‰) chưa từng thấy ở đây từ trước đến nay.

Trên sông Hậu, tại vàm Tân Dinh (xã Tích Thiện- Trà Ôn) xấp xỉ 5‰ (cao hơn đỉnh mặn năm 2013: 4‰, xấp xỉ đỉnh mặn cao nhất tại đây vào năm 2011). Trong nội đồng, đến giữa tháng 3 độ mặn mới đạt đỉnh, tại trạm Ngã Tư (xã Hựu Thành- Trà Ôn) đạt xấp xỉ 4,2‰ (vượt đỉnh mặn năm 2013: 3,5‰).

Tiếp sau đó là đợt xâm nhập mặn vào tuần đầu tháng 3 (kỳ triều cao 30 tháng Giêng âm lịch), độ mặn đợt này cũng khá cao. Độ mặn phía sông Cổ Chiên tại 2 huyện Vũng Liêm, Mang Thít đều cao hơn đỉnh mặn năm ngoái từ 2- 3‰ nhưng còn thấp hơn so với đỉnh mặn vào đợt đầu tháng 2 từ 1,5- 2‰.

Cụ thể: cống Cái Hóp 11,5‰, vàm Vũng Liêm 7,3‰, vàm Quới An 4,4‰. Độ mặn phía sông Hậu tại Trà Ôn cao hơn độ mặn vào đợt giữa tháng 2, tại vàm Tích Thiện 4,9‰, Ngã Tư 4,5‰.

Từ giữa tháng 3/2016, độ mặn sông, rạch khu vực ĐBSCL giảm hẳn do lượng nước từ thượng nguồn về nhiều. Độ mặn sông, rạch trong tỉnh đã giảm đáng kể. Nhưng thiệt hại do mặn vẫn còn kéo dài, dai dẳng đến nay.

Điều đáng nói nữa là diện ảnh hưởng của xâm nhập mặn năm nay rộng hơn. Từ năm 2009 trở về trước, Vũng Liêm, Trà Ôn là 2 huyện thường niên bị nhiễm mặn nhưng diện tích, thời gian bị ảnh hưởng độ mặn thấp (đỉnh mặn thường rơi vào tháng 4, giữa tháng 5), tại Vũng Liêm đều dưới 5‰.

Từ năm 2010- 2015, độ mặn cao 5‰ trên sông Cổ Chiên thuộc địa bàn huyện Vũng Liêm chỉ xuất hiện đến vàm Vũng Liêm, còn tại vàm Măng Thít không vượt quá 2‰; trên sông Hậu, độ mặn tại vàm Tân Dinh (xã Tích Thiện- Trà Ôn) chỉ xấp xỉ 4‰, thời gian duy trì độ mặn cao trên 2‰ trong vòng 1 tuần, trùng với những kỳ triều cao rằm hay 30 tháng âm lịch. Còn mùa khô năm nay, tỉnh có thêm 3 huyện bị nhiễm mặn tương đương 2‰ là Mang Thít, Tam Bình và TX Bình Minh.

Toàn bộ huyện Vũng Liêm, Trà Ôn bị nhiễm trên 2‰ (trừ xã Hiếu Thành) và xã Mỹ Hòa (TX Bình Minh), Ngãi Tứ, Bình Ninh (Tam Bình), Chánh An, An Phước, Tân An Hội, Chánh Hội, thị trấn Cái Nhum, Nhơn Phú (Mang Thít) cũng đã ghi nhận nước mặn xuất hiện.

Phía sông Cổ Chiên, độ mặn xấp xỉ 2‰ xuất lên kéo dài trong 3 tháng (từ giữa tháng 12/2015 đến giữa tháng 3/2016). Thời gian duy trì mặn cao kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước sinh hoạt và nước cấp cho sản xuất nông nghiệp, từ đó thiệt hại cho cây trồng cũng tăng cao.

Lúa bị nhiễm mặn ở xã Vĩnh Xuân (Trà Ôn). Ảnh: HÀ THÀNH THẶNG
Lúa bị nhiễm mặn ở xã Vĩnh Xuân (Trà Ôn). Ảnh: HÀ THÀNH THẶNG

Thiệt hại do hạn, mặn lớn hơn các năm trước

Hãy xem những con số thống kê của những năm trước để thấy thiệt hại do hạn, mặn xâm nhập năm nay lớn như thế nào.

Năm 1998, tỉnh Vĩnh Long có 11.117ha lúa Hè Thu bị hạn (thiệt hại 13 tỷ đồng); năm 2002 có 15.125ha lúa Hè Thu bị hạn (thiệt hại 36,3 tỷ đồng); năm 2003 là 14.508ha, thiệt hại 34,8 tỷ đồng; năm 2004 có 1.600ha lúa Hè Thu bị hạn (thiệt hại 3,84 tỷ đồng); năm 2005 là 1.720ha và thiệt hại 5,16 tỷ đồng.

Từ năm 2006- 2015, ảnh hưởng hạn, mặn có giảm hơn, mỗi năm có từ vài trăm đến hàng ngàn hec-ta bị thiếu nước, thiệt hại không lớn.

Còn trong mùa khô năm 2015- 2016 này, thiệt hại do hạn, mặn trên địa bàn tỉnh (số liệu đến ngày 18/5) là 128,809 tỷ đồng, trong đó huyện Vũng Liêm hơn 120,2 tỷ đồng, Mang Thít gần 2,4 tỷ đồng, Trà Ôn 6,145 tỷ đồng.

Có 23.082,4ha cây trồng bị thiếu nước do hạn, do bị nhiễm nước mặn, gồm 1.884ha bị hạn và 21.198,44ha bị nhiễm nước mặn.

Ảnh hưởng do mặn được đánh giá nhiều hơn hạn. Mặn lên cao, duy trì dài ngày, các nơi đóng cống ngăn mặn nên nguồn nước trong kinh, rạch bị giảm mạnh, nước cấp cho sinh hoạt, cho sản xuất nông nghiệp bị thiếu hụt nặng.

Các huyện nằm phía Nam, Đông Nam của tỉnh (như Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít) bị ảnh hưởng nhiều hơn các huyện phía Bắc.

Về nguồn nước sinh hoạt, mặn lên cao kéo dài từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 3/2016 ghi nhận có 71.526 hộ sử dụng nguồn nước trực tiếp từ sông ngòi, kinh, rạch hoặc từ các nhà máy nước bị nhiễm mặn.

Trong đó, huyện Vũng Liêm 32.251 hộ, Trà Ôn 16.424 hộ, Mang Thít 10.188 hộ, TX Bình Minh 6.502 hộ và Tam Bình: 6.161 hộ.

Cây trồng bị nhiễm mặn được đánh giá thiệt hại lên đến 112,809 tỷ đồng. Trong đó, diện tích cây lúa bị nhiễm mặn là 16.162,66ha (bị thiệt hại dưới 30% là 15.715,8ha, bị thiệt hại từ 50- 70% là 240,146ha, bị thiệt hại trên 70% là 206,71ha), lúa bị nhiễm mặn là vụ Đông Xuân muộn, vụ Hè Thu sớm ở các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn.

Đến nay, lúa Hè Thu ở huyện Trà Ôn vẫn còn ghi nhận bị ảnh hưởng của nhiễm mặn, nhiều diện tích ở các xã Thiện Mỹ, Vĩnh Xuân, Tích Thiện lúa bị lép, thất thu. Diện tích hoa màu vụ Đông Xuân bị nhiễm mặn là 514,2ha (tỷ lệ thiệt hại từ 50- 70%).

Cây ăn trái bị nhiễm mặn thống kê được là 4.521,58ha tại các huyện: Trà Ôn 0,8ha, Mang Thít 2ha, Vũng Liêm 4.518,6ha (tỷ lệ thiệt hại từ 50- 70%).

Huyện Vũng Liêm bị ảnh hưởng và thiệt hại nhiều nhất với 1.734ha lúa, 150ha hoa màu vụ Đông Xuân, Hè Thu bị hạn; 15.326,3ha lúa, 500ha hoa màu vụ Đông Xuân và 4.518,6ha cây ăn trái bị nhiễm mặn. Hiện nhiều vườn sầu riêng cao niên ở các xã Thanh Bình, Quới Thiện (Vũng Liêm) cũng còn chết, gây thiệt hại rất lớn cho nhà vườn.

Tính đến cuối tháng 4/2016, tỉnh Vĩnh Long được các cơ quan, đơn vị hỗ trợ cho khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn năm 2016 (quy ra tiền) là 44,811 tỷ đồng, trong đó nhiều nhất là Chính phủ hỗ trợ (2 đợt) 40,4 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016.

Số kinh phí hỗ trợ nêu trên được sử dụng mua nước lọc, bồn hoặc thùng chứa nước, bột xử lý nước để cấp trực tiếp cho những hộ dân bị ảnh hưởng ở vùng bị hạn, mặn cao (như huyện Vũng Liêm, Trà Ôn và Mang Thít) và đầu tư thực hiện nạo vét các công trình thủy lợi nội đồng, kiên cố cống, đập trữ nước, kéo đường ống nước sinh hoạt cho hộ dân trên địa bàn tỉnh...

Tuy nhiên đời sống nhân dân vùng bị ảnh hưởng vẫn còn khó khăn, việc khắc phục hậu quả, đặc biệt là đối với cây trồng cần có thời gian và đầu tư lớn.

HÀ THÀNH THẶNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh