Khi sản xuất rau quả với diện tích lớn, số lượng nhiều, người sản xuất thường lo dội chợ. Nhưng thời gian gần đây việc sản xuất và tiêu thụ theo kế hoạch từng bước góp phần phát triển bền vững cho các vùng sản xuất rau.
Khi sản xuất rau quả với diện tích lớn, số lượng nhiều, người sản xuất thường lo dội chợ. Nhưng thời gian gần đây việc sản xuất và tiêu thụ theo kế hoạch từng bước góp phần phát triển bền vững cho các vùng sản xuất rau.
Nhiều đầu mối thu mua ổn định
Hiện nay có nhiều công ty doanh nghiệp như Công ty Minh Phú, Hữu Lâm, Hoàng Phương chuyên thu mua rau quả để cung cấp cho các siêu thị ở các thành phố lớn, các bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp, trường học và xuất khẩu…
Hầu hết các công ty đều thu mua hàng ngày với số lượng khá lớn như Công ty Hữu Lâm (ở TP Hồ Chí Minh) lên danh mục và số lượng thu mua rau quả miền Tây (ở miền Tây Nam Bộ) hàng ngày: Mướp hương (12 tấn), dưa leo (15 tấn), cải xanh (7 tấn), cải ngọt (10 tấn), đậu cô ve (5 tấn), khổ qua (5 tấn), bí đao (10 tấn),…
Do thu mua với số lượng lớn hàng ngày nên các doanh nghiệp tổ chức nhiều đầu mối thu mua và kết hợp với nhiều địa phương dọc theo tuyến QL1 từ Long An đến Tiền Giang, Vĩnh Long để tổ chức các vùng sản xuất rau và ký kết kế hoạch thu mua ổn định.
Tuy nhiên, hiện nay do một số nguyên nhân, nhất là chưa có đầu mối tổ chức hợp tác sản xuất rau quả theo kế hoạch nên các doanh nghiệp thường cũng không mua đủ số lượng, chủng loại theo yêu cầu.
Hợp tác sản xuất để ký kết hợp đồng tiêu thụ
Ở tỉnh ta và các tỉnh lân cận, diện tích chuyên canh sản xuất rau quả ngày càng tăng và cũng đã có một số hợp tác xã (HTX) trồng rau được thành lập.
Tuy nhiên phần lớn còn sản xuất cá thể, tự phát nên nhìn chung sản phẩm hàng hóa tuy có đa dạng nhưng số lượng thất thường và chủ yếu bán ở các chợ xã, chợ huyện… giá cả không ổn định và thường gặp tình trạng dội chợ.
Nhiều người muốn mở rộng sản xuất và tìm nơi tiêu thụ ổn định, nhưng quy mô vẫn còn nhỏ nên không thể hợp đồng bán ổn định cho các doanh nghiệp thu mua. Để giải quyết tình trạng này, một số nơi đã hợp tác trong sản xuất để có được một số lượng hàng hóa lớn ổn định và ký hợp đồng bán cho các doanh nghiệp thu mua;
như HTX trồng rau ở xã Mỹ Yên (Bến Lức- Long An) xã viên ở phân tán trong xã và các xã lân cận. Ban quản lý HTX chủ yếu quản lý kế hoạch sản xuất và tiêu thụ (có hợp tác một số khâu trong chăm sóc và hướng dẫn quy trình sản xuất theo hướng sản xuất rau sạch).
Ban quản lý HTX hợp đồng bán hàng ngày cho Công ty Hữu Lâm với số lượng khá lớn. Công ty Hữu Lâm đưa xe đến HTX nhận hàng theo giá thị trường và có quy định giá mua thấp nhất (giá sàn) từng loại rau quả.
Vì vậy nhiều năm qua việc sản xuất và tiêu thụ rau quả của HTX rất ổn định, đời sống của xã viên ngày càng được nâng lên. Vì vậy, ngày càng có thêm nhiều nông dân làm ruộng, làm vườn chuyển sang trồng rau và xin vào HTX.
Ở tỉnh ta, HTX Rau an toàn Phước Hậu (Long Hồ) cũng đã lên kế hoạch cho xã viên sản xuất và hợp đồng cung cấp một số loại rau cho Siêu thị Co.opmart (Vĩnh Long), Metro (Cần Thơ) và một số đầu mối thu mua và bước đầu đã tạo sự ổn định trong sản xuất, tiêu thụ cũng như giá cả đối với một số loại rau.
Như vậy hợp tác để sản xuất rau quả theo kế hoạch và hợp đồng tiêu thụ ổn định là cách làm hay, thiết nghĩ cần tổ chức nhân rộng.
THANH HỒNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin