"Làn sóng" nông nghiệp công nghệ cao từ Nhật Bản

03:12, 28/12/2015

Mới đây, với đầu mối Công ty cổ phần Nông nghiệp kỹ thuật cao Nhật Bản GK - Organic, 7 tập đoàn hàng đầu Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp có buổi giới thiệu và triển lãm 700 loại sản phẩm khác nhau trước đông đảo nhà quản lý, hiệp hội ngành nghề, nhà khoa học và doanh nghiệp (DN) Việt Nam tại TPHCM. 

Mới đây, với đầu mối Công ty cổ phần Nông nghiệp kỹ thuật cao Nhật Bản GK - Organic, 7 tập đoàn hàng đầu Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp có buổi giới thiệu và triển lãm 700 loại sản phẩm khác nhau trước đông đảo nhà quản lý, hiệp hội ngành nghề, nhà khoa học và doanh nghiệp (DN) Việt Nam tại TPHCM.

Sự kiện này khép lại một năm sôi động trong việc tìm hiểu, thăm dò, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác, đầu tư nhiều và sâu hơn vào nông nghiệp công nghệ cao.

Cơ hội cho cả hai

Tại buổi ra mắt của 7 tập đoàn nông nghiệp này, ông Ngô Chánh, Chủ tịch HĐQT GK - Organic, một Việt kiều Nhật, xác định Việt Nam và Nhật Bản có những nét tương đồng về nhiều mặt mà Nhật Bản có thể đầu tư lâu dài, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Việt Nam có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, Nhật Bản lại rất mạnh về công nghệ sau thu hoạch, tái chế phụ phẩm nông nghiệp.

Rau chất lượng cao trồng tại Khu Nông nghiệp cao TPHCM (Ảnh: CAO THĂNG)
Rau chất lượng cao trồng tại Khu Nông nghiệp cao TPHCM (Ảnh: CAO THĂNG)

Năm 2015 là năm nhộn nhịp với nhiều hoạt động của các đoàn DN, nhà đầu tư nông nghiệp Nhật Bản đến với nhiều tỉnh, thành Việt Nam. Theo tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, xu hướng đầu tư vào nông nghiệp từ Nhật Bản có dấu hiệu gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt trong nông nghiệp công nghệ cao.

Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đã và sẽ tiếp tục tổ chức cho nhà đầu tư nông nghiệp tới Việt Nam tìm hiểu, cũng như tổ chức các hội thảo kết nối kinh doanh. Tổ chức JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) đang xây dựng và triển khai một số dự án hỗ trợ DN Nhật Bản đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam.

Nhưng vì sao là Việt Nam? Bởi Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi để kết nối với các thị trường tiêu dùng lớn, như ASEAN, Trung Quốc... Có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp để sản xuất đa dạng các loại nông sản nhiệt đới, kể cả ôn đới.

Và điểm mấu chốt, nhu cầu về phát triển nông nghiệp công nghệ cao và tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam đang tăng. Có thể nói, có nhiều cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản thời gian tới, khi cả hai nước gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương cấp khu vực và thế giới.

Với ưu thế về công nghệ và tiếp cận thị trường, cũng như tận dụng ưu đãi thuế quan, nguồn lực tài nguyên, lao động Việt Nam và phát huy lợi thế của DN Nhật so với Việt Nam về công nghệ và kỹ thuật, DN Nhật Bản có thể xem xét đầu tư vào nông nghiệp như các ngành công nghiệp sản xuất vật tư đầu vào (máy móc, phân bón, thuốc trừ sâu), công nghiệp phụ trợ (thiết bị bảo quản, bao bì, nhà lưới…), chế biến sâu, chế biến phụ phẩm nông nghiệp.

Những lĩnh vực Việt Nam mong muốn thu hút đầu tư để tiếp cận khoa học công nghệ, không chỉ để nâng cao trình độ tay nghề người lao động, mà còn tạo ra dòng sản phẩm nông sản giá trị gia tăng; mở rộng thị trường xuất khẩu, tiếp cận các thị trường lớn nhất thế giới, tham gia vào những chuỗi cung ứng toàn cầu; phát triển chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng, xuất khẩu sản phẩm chế biến.

Tăng cường chuyển giao công nghệ

Thạc sĩ Từ Minh Thiện, Phó ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, cho biết nếu chỉ tự do hóa thuế quan, kết quả đạt được sẽ không như mong muốn. Thực tế, tự do hóa thương mại song phương với Nhật Bản (JBTA) đã giúp lưu chuyển hàng hóa hai nước theo hướng tích cực nhưng không cân xứng.

Nhờ tự do hóa thương mại làm tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Nhật Bản sang Việt Nam, nhưng với yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, vệ sinh thực phẩm của Nhật Bản, cùng với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các nước lại là thách thức lớn đối với các DN Việt Nam khi muốn thâm nhập sâu vào thị trường này.

Cùng thời điểm, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Nhật Bản dù tăng 53%, nhưng chỉ bằng một nửa so mức tăng từ Nhật. Như vậy, theo thạc sĩ Từ Minh Thiện, nếu tăng cường hợp tác thương mại giữa hai nước mà không tăng cường chuyển giao công nghệ, điều mà nền nông nghiệp Việt Nam còn khiếm khuyết sẽ hạn chế khả năng tăng trưởng cũng như khả năng cạnh tranh các mặt hàng nông sản phẩm Việt.

Ông Từ Minh Thiện cho rằng, tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp Việt Nam rất thấp, khoảng 1%. Dòng vốn đầu tư nước ngoài nhắm vào nông nghiệp công nghệ cao đang có xu hướng tăng tuy là điều tích cực, nhưng ai sẽ được hưởng lợi là điều cần quan tâm.

Vì vậy, cần có chính sách hợp lý trong thu hút đầu tư, chọn lựa công nghệ cũng như phân khúc nào khi tham gia chuỗi giá trị để có lợi. Nếu làm không khéo, Việt Nam chỉ là điểm gia công cho nông nghiệp công nghệ cao của nước ngoài.

Nhiều đoàn DN Nhật Bản đã đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư vào nông nghiệp như mô hình rau công nghệ cao tại Lâm Đồng, liên kết xuất khẩu xoài Cát Chu ở Đồng Tháp sang Nhật Bản, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Vĩnh Phúc, phát triển lĩnh vực đánh bắt và chế biến cá ngừ ở Bình Định, hay phát triển các mặt hàng nông sản (trái cây, tôm, cá…) vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nhật Bản có 2.788 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 38,7 tỷ USD, chiếm thứ 3 trong 58 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư. Có khoảng 20 DN Nhật Bản đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam, trong đó hơn 10 DN đầu tư ở tỉnh Lâm Đồng.

Theo http://www.sggp.org.vn/nongnghiepkt/2015/12/407413/

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh