Khoảng thập niên gần đây, cũng như nhiều thành phố khác cả nước, mùa mưa lũ hàng năm, TP Vĩnh Long thường bị ngập nặng, đặc biệt ở khu vực nội ô (có nơi ngập sâu đến 0,5m).
[links()]
Khoảng thập niên gần đây, cũng như nhiều thành phố khác cả nước, mùa mưa lũ hàng năm, TP Vĩnh Long thường bị ngập nặng, đặc biệt ở khu vực nội ô (có nơi ngập sâu đến 0,5m). Để tạo điều kiện cho thành phố phát triển nhanh, bền vững, trở thành đô thị vệ tinh của ĐBSCL, Bộ Nông nghiệp- PTNT đã tiến hành lập “Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng TP Vĩnh Long”.
Nhiều đoạn đường nội ô TP Vĩnh Long bị ngập vào mùa mưa lũ. |
Ngập phổ biến 0,3- 0,5m
Qua nghiên cứu, TP Vĩnh Long bị ngập úng do tác động thủy triều biển Đông, lũ từ sông Mekong, mưa nội vùng, các hoạt động kiểm soát lũ của các vùng lân cận. Đồng thời, do hoạt động phát triển đô thị, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Hàng năm vào mùa mưa lũ, đặc biệt từ tháng 7- 11 nhiều khu vực của thành phố bị ngập sâu phổ biến từ 0,3- 0,5m. Một số đoạn đường thường xảy ra ngập nặng vào mùa mưa lũ như: Trưng Nữ Vương, Hoàng Thái Hiếu (Phường 1); Lê Thái Tổ, Nguyễn Huệ (Phường 2); Mậu Thân (Phường 3); Trần Phú (Phường 4); 14 Tháng 9, Nguyễn Chí Thanh (Phường 5); Đinh Tiên Hoàng (Phường 8), Phạm Hùng (Phường 9)…
Phân tích nguyên nhân cho thấy, ngập do mưa đang có xu hướng tăng do: địa hình thấp, hệ thống thoát nước chưa đáp ứng yêu cầu và tác động của đô thị hóa. Đáng nói còn do ý thức người dân còn kém (đổ rác che miệng cống thoát nước, xây dựng lấn chiếm…). Trong khi đó, hệ thống cống thoát nước đã được xây từ 40- 50 năm trước nên xuống cấp nghiêm trọng. Bên cạnh, phần lớn các sông, rạch trên địa bàn uốn khúc, chưa được nạo vét thường xuyên nên khả năng thoát nước hạn chế.
Bán nước giải khát trên đường Trần Phú (Phường 4), dì Trần Lệ Hương nói: Con nước lớn hàng tháng, đã thấy lé đé các nhà cặp sông Long Hồ. Mùa mưa lũ càng ngập nặng, người dân các con hẻm cặp sông lội bì bõm gần tới đầu gối. Có lúc nước lớn quá, tràn cả qua lộ vào phía trong, ngập tới khi nước sông rút xuống thì hết. Ở đường Mậu Thân, chú Lý Văn Nam (Khóm 2- Phường 3) nói: Đoạn trước chợ Phường 3 đến gần cầu Mậu Thân thường bị ngập mỗi khi có mưa lớn do nước thoát không kịp. Mùa mưa lũ thì ngập nặng tới vài tấc do mưa xuống, nước ngoài sông tràn vào qua những đoạn thấp. Ngập kéo dài hàng giờ (đến khi nước rút) nên mua bán, sinh hoạt rất khó khăn. Vừa rồi, tôi thấy cống được nạo vét, hy vọng bớt ngập.
Cần sớm thực hiện quy hoạch
Theo quy hoạch, phương án được đề xuất bao gồm các giải pháp “cứng” (giải pháp công trình) và giải pháp “mềm” (phi công trình). Cụ thể, giải pháp “cứng” là thoát nước, chống ngập theo từng khu vực như: khu vực công nghiệp và đô thị; khu vực trồng lúa; vườn cây ăn trái.
Theo đó, đối với khu vực đô thị và công nghiệp, cần nâng cấp, sửa chữa hệ thống bờ đê, cống kết hợp với các tuyến giao thông. Bên cạnh, nạo vét các kinh thoát nước kết hợp tưới như rạch Cái Đôi, Cái Cá…; xây dựng kè phòng chống lũ và sạt lở; xây mới cầu trên QL53 do mở rộng 2 kinh tiêu nước là cầu Lộ và Rạch Ranh. Đồng thời, nâng nền chống ngập theo quy hoạch xây dựng; xây mới một số trạm bơm… Về lâu dài, để ứng phó với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng có thể tiến hành xây dựng các cống lớn ven sông Cổ Chiên. Bên cạnh, các giải pháp “mềm” được đề xuất như: sử dụng hệ thống sông, kinh, ao, hồ, đất vùng trũng để trữ nước; tạo vùng đệm, vùng ngập nước nhằm trữ nước mưa, giảm tải thoát nước; tăng cường quản lý vận hành các công trình chống ngập hiện có; từng bước hiện đại hóa công trình thủy lợi và hệ thống thoát nước; nghiên cứu ảnh hưởng lún đến ngập úng; tăng cường dự báo mưa lũ, thông tin tuyên truyền…
Chạy xe ôm đậu ở góc đường Hoàng Thái Hiếu- một trong những đoạn ngập nặng của nội ô khi mưa lũ, chú Nguyễn Văn Đây (Phường 3) nói: Hễ nước ngoài sông dâng cao, cộng với mưa lớn là đoạn ngay ngã tư- trước bưu điện tỉnh ngập lênh láng, sâu tới nửa bánh xe, xe máy chạy ngang chết máy hà rằm. Có khi chừng 2- 3 tiếng mới rút hết. Bởi vậy, cần nâng cấp đường, cống thoát nước chắc chắn mới mong khỏi ngập.
Dự án quy hoạch thủy lợi chống ngập úng TP Vĩnh Long là một trong những dự án chống ngập úng đô thị ĐBSCL. Để tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của thành phố, ông Nguyễn Thanh Hà- Trưởng Phòng Kinh tế thành phố kiến nghị, cần sớm thực hiện dự án này theo quyết định của Bộ Nông nghiệp- PTNT.
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN
Ngày 5/12/2013, Bộ Nông nghiệp- PTNT có quyết định 2869 phê duyệt “Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng TP Vĩnh Long”. Mục tiêu là đề xuất các giải pháp trên cơ sở đồng bộ, tập trung các khu trục tiêu, cống, trạm bơm, khu vực trữ, điều tiết nước chính và các giải pháp khác để thoát nước. Đồng thời, làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư các công trình chống ngập đến 2020, định hướng đến 2050. Tổng kinh phí đầu tư khoảng 1.569 tỷ đồng, chia thành 2 giai đoạn thực hiện. Đơn vị lập dự án là Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin