Trong giai đoạn phát triển hiện nay, toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế là xu thế tất yếu. Điều này giúp khai thác những cơ hội từ bên ngoài như thị trường, vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý, kinh doanh,…
[links()]
Trong giai đoạn phát triển hiện nay, toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế là xu thế tất yếu. Điều này giúp khai thác những cơ hội từ bên ngoài như thị trường, vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý, kinh doanh,… Song cũng có thể rơi vào “vòng luẩn quẩn” nếu không quản lý, điều hành tốt.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ, đầu tư nguồn lực con người, ứng dụng khoa học kỹ thuật là những điều cần thiết mà doanh nghiệp phải làm ngay. |
Áp lực cạnh tranh lớn
Định hướng phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Long xác định rõ, để công nghiệp hóa thành công từ một xuất phát điểm thấp, Vĩnh Long sẽ phải kết hợp hài hòa 2 quá trình có tính bổ sung hỗ trợ nhau là hội nhập mạnh mẽ hơn vào nền kinh tế thế giới và khu vực khai thác triệt để các cơ hội từ bên ngoài, đồng thời củng cố nội lực, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là sức cạnh tranh và khả năng hội nhập kinh tế còn thấp. Việc thực hiện lộ trình cắt giảm thuế, mở cửa thị trường đang tạo ra sức ép cạnh tranh lớn.
Trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp (DN) tỉnh Vĩnh Long, bà Phạm Chi Lan- chuyên gia kinh tế, nhận xét: nhiều DN trong nước vẫn thờ ơ với sự kiện hội nhập Cộng đồng ASEAN (AEC). Nếu DN trong nước không thay đổi thì khó có thể vượt qua sức ép cạnh tranh từ phía các nước.
Thị trường Việt Nam sẽ được mở rộng ở 10 nước trong khu vực. Thuế xuất khẩu, nhập khẩu về lâu về dài sẽ được rút dần xuống 0%. DN sản xuất sẽ bị cạnh tranh rất mạnh khi Việt Nam tham gia hội nhập. Thị trường dịch vụ sẽ được mở rộng, bản thân DN phải thay đổi nhận thức, nâng cao chuyên môn và chất lượng dịch vụ mới đủ sức cạnh tranh với DN dịch vụ từ các nước AEC.
Đánh giá của Sở Công thương, thời gian qua, Vĩnh Long tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ các DN vượt khó phát triển. Từ đó, lĩnh vực công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp (CN- TTCN) dần phục hồi với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu cho các DN. Nhiều DN tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và gia tăng khối lượng sản phẩm sản xuất.
Tuy nhiên, báo cáo về tình hình phát triển DN nhỏ và vừa, hợp tác xã (HTX), làng nghề lĩnh vực CN- TTCN của tỉnh cho thấy việc phát triển DN nhỏ và vừa thời gian qua còn nhiều hạn chế, yếu kém. Ngoài ra, tỉnh chưa có nhiều cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp trong việc quy hoạch, định hướng, khuyến khích phát triển các loại hình DN nhỏ và vừa, HTX, làng nghề.
DN nhỏ và sân chơi lớn
Theo Sở Công thương, những hạn chế, yếu kém của DN nhỏ và vừa có nhiều nguyên nhân, trong đó tính tự chủ, phát huy nội lực của các đơn vị còn chưa cao, năng lực quản lý điều hành còn hạn chế, thiếu kế hoạch và định hướng phát triển. Sự hợp tác, phối hợp và chia sẻ thông tin trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh giữa các DN chưa chặt chẽ, thiếu chuyên nghiệp, làm giảm năng lực cạnh tranh.
Cụ thể, quy mô của các DN còn nhỏ, vốn đầu tư ít, chủ yếu là vốn vay. Cơ cấu ngành nghề kinh doanh còn chưa hợp lý. Hầu hết công nghệ sản xuất ở mức trung bình. Hệ thống máy móc, trang thiết bị còn thiếu và lạc hậu, năng suất lao động thấp. Mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh còn thấp. Các DN chưa chú trọng việc xây dựng thương hiệu, chưa vươn xa và đảm bảo khả năng đứng vững trên thị trường. Mối quan hệ hợp tác, liên doanh liên kết trong sản xuất, kinh doanh giữa các DN còn hạn chế. Đội ngũ quản lý DN còn hạn chế về kiến thức, kinh nghiệm và năng lực quản lý. Lao động trong các DN phần lớn có tay nghề thấp, ít lao động kỹ thuật có trình độ cao.
Trang thiết bị để sản xuất của các HTX, làng nghề lĩnh vực CN-TTCN còn thô sơ, cũ kỹ, giá trị thiết bị thấp, chưa được đầu tư đổi mới công nghệ nên sản xuất chủ yếu vẫn bằng thủ công, gia công nên các sản phẩm chưa có tính cạnh tranh và giá trị sản phẩm thấp.
Giải pháp tháo gỡ khó khăn, theo ông Vũ Ngọc Tú- Phó Giám đốc Sở Công thương, cần tích cực triển khai đề án phát triển thương hiệu trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ duy trì và phát triển thương hiệu các sản phẩm truyền thống của địa phương, các HTX và làng nghề, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đã được công nhận.
Bên cạnh đó là việc tăng cường hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị vào quy trình sản xuất từ các đề án khuyến công. Đồng thời, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực quản lý và tay nghề cho lao động. Tăng cường đối thoại với các hiệp hội, DN để nắm bắt thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN.
Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nắm bắt tình hình kinh tế, đưa ra chiến lược cụ thể, nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ, đầu tư nguồn lực con người, ứng dụng khoa học kỹ thuật là những điều cần thiết phải làm ngay. Bản thân lãnh đạo DN phải nâng cao khả năng quản trị để đủ sức trụ vững khi hội nhập.
Vĩnh Long có 2 KCN gồm: KCN Hòa Phú, KCN Bình Minh và Tuyến công nghiệp Cổ Chiên (khu IV) với tổng cộng 39 dự án đầu tư. Trong đó, KCN Bình Minh có 13 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1.100 tỷ đồng. KCN Hòa Phú có 21 dự án (18 dự án KCN Hòa Phú giai đoạn 1 và 3 dự án KCN Hòa Phú giai đoạn 2) với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1.400 tỷ đồng và 117,4 triệu USD. Khu IV Tuyến công nghiệp Cổ Chiên có 5 dự án, vốn đầu tư đăng ký là 1.394 tỷ đồng và 7,4 triệu USD. Toàn tỉnh hiện có khoảng 274 DN nhỏ và vừa, 35 HTX lĩnh vực CN- TTCN, tạo việc làm cho gần 13.000 lao động. Các ngành nghề truyền thống như: sản xuất gạch, gốm, chế biến nông sản, thủy sản, may mặc, giày da, cơ khí,... được giữ gìn và phát huy. Tính đến nay tỉnh Vĩnh Long đã công nhận 25 làng nghề trong lĩnh vực CN- TTCN thu hút khoảng 9.911 lao động. Trong đó đã hình thành các làng nghề thế mạnh như: làng nghề sản xuất gạch- gốm, làng nghề trồng và xe lõi lác, đan thảm lục bình, làng nghề làm bánh tráng… |
Bài, ảnh: LÊ SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin