Tái cơ cấu ngành công nghiệp chủ yếu

02:07, 16/07/2015

UBND tỉnh vừa có quyết định ban hành kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp (CN) hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, vạch ra định hướng tái cơ cấu các ngành CN chủ yếu.

[links()]

UBND tỉnh vừa có quyết định ban hành kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp (CN) hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, vạch ra định hướng tái cơ cấu các ngành CN chủ yếu.

Phát triển công nghiệp dệt may, da giày nhằm tận dụng nguồn lao động địa phương và ĐBSCL.
Phát triển công nghiệp dệt may, da giày nhằm tận dụng nguồn lao động địa phương và ĐBSCL.

CN- tiểu thủ CN tăng trưởng khá nhưng chưa ổn định

Thời gian qua, ngành CN- tiểu thủ CN của tỉnh duy trì mức tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2011- 2015 đạt 13,81%/năm. Theo đó, CN chế biến đã hình thành một số ngành hàng có lợi thế so sánh của tỉnh như giày da, may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, bia đóng lon, thức ăn chăn nuôi, gạch, gốm… Kết cấu hạ tầng khu CN được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thu hút các dự án sản xuất kinh doanh. Khu CN Hòa Phú (giai đoạn 1, 2), Khu CN Bình Minh và Tuyến CN Cổ Chiên đã có 36 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn triển khai 985,5 tỷ đồng, diện tích đất triển khai 86,3ha. Bên cạnh đó, tỉnh đã định hướng quy hoạch phát triển 14 cụm CN với tổng diện tích 692,41ha.

Tiểu thủ CN khu vực nông thôn tiếp tục được mở rộng và phát triển, nhất là việc bảo tồn và phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống. Hoạt động khuyến công thêm nhiều nội dung hỗ trợ doanh nghiệp và ngày càng đi vào chiều sâu. Số lượng cơ sở sản xuất gia tăng, nhiều ngành nghề có xu hướng tăng trưởng cao như: chế biến nông sản- lương thực- thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, thủ công mỹ nghệ, may mặc, giày da…

Tỷ trọng CN- xây dựng trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đến năm 2015 đạt 22,2%. Hoạt động nội thương đạt tốc độ phát triển nhanh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội giai đoạn 2011- 2015 tăng bình quân 15%/năm; tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP đến năm 2015 chiếm 44,4%. Xuất khẩu phát triển nhanh chóng, góp phần tiêu thụ hàng nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm. Giá trị kim ngạch xuất khẩu CN- tiểu thủ CN đạt 61% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Giai đoạn 2011- 2015, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 5,3%/năm. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tích cực, hàng CN- tiểu thủ CN chiếm từ 37% năm 2010 tăng lên 61% năm 2015.

Tuy nhiên, điều đáng băn khoăn là CN- tiểu thủ CN tăng trưởng nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra, mức tăng trưởng không ổn định giữa các năm. Cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển cụm CN vẫn chưa đủ hấp dẫn để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư. Bên cạnh, phần lớn doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, công nghệ lạc hậu, trình độ quản lý còn hạn chế, năng lực cạnh tranh chưa cao. Bên cạnh, hoạt động xuất khẩu chưa bền vững, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng giảm thất thường; xuất khẩu lương thực không ổn định. Đồng thời, chưa có sự gắn kết chặt chẽ, hiệu quả giữa sản xuất, chế biến với hệ thống phân phối, tiêu thụ; chưa có tập đoàn đủ mạnh đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Tái cơ cấu ngành CN chủ yếu

Từ thực tế trên, đề án đề ra mục tiêu ưu tiên phát triển các ngành CN chủ đạo: CN thực phẩm và đồ uống (chế biến các loại nông sản thực phẩm, rau quả, nước giải khát các loại); cơ khí nông nghiệp (máy nông nghiệp, xe cải tiến, máy bơm các loại); CN hóa chất, CN dược; CN nhẹ giải quyết việc làm cho nhiều lao động (dệt may, giày dép, da, giả da; sản xuất hàng tiêu dùng). Chú trọng đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, sử dụng có hiệu quả nguồn nguyên liệu để khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng, gốm sứ mỹ nghệ theo hướng sản xuất các loại vật liệu xây dựng không nung. Đồng thời, phát triển thương mại dịch vụ theo hướng đa dạng hóa, ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, thu hút các ngành dịch vụ mới.

Theo đó, CN chế biến nông sản, thực phẩm và đồ uống được xác định là ngành chủ lực của tỉnh trong giai đoạn tới. Đến năm 2020, cơ cấu trong CN chiếm 42%, tốc độ tăng trưởng bình quân 19,5%. Theo đó, giai đoạn 2016- 2020, tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư ngành chế biến lương thực. Đồng thời, khuyến khích đầu tư xây dựng nhà máy chế biến rau quả tươi bảo quản lạnh được đóng gói trong bao chất dẻo để xuất khẩu. Đồng thời, thu hút đầu tư nhà máy chế biến thực phẩm đóng hộp đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Bên cạnh, với những ưu thế nhất định về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, thủy sản được xem là ngành hàng ưu tiên trong quá trình phát triển. Giai đoạn tới, phát triển ngành này tại các khu, cụm, tuyến CN ven sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên, tận dụng cảng Bình Minh, cảng Vĩnh Long, cảng An Phước nhằm đưa sản phẩm ra thị trường ngoài tỉnh và xuất khẩu. Song song đó, CN hóa chất và dược phẩm là nhóm ngành được coi là đột phá để hướng đến nền CN công nghệ cao. Giai đoạn 2016- 2020, khuyến khích đầu tư nâng cấp và xây dựng thêm các dây chuyền sản xuất viên nang rỗng, xây dựng phân xưởng viên nang dầu cá, xây dựng phân xưởng thuốc tân dược viên theo tiêu chuẩn GMP công suất 8 tỷ viên/năm; nâng cao năng lực sản xuất phân bón phục vụ nông nghiệp.

Mặt khác, phát triển CN dệt may, da giày nhằm tận dụng nguồn lao động vùng ĐBSCL. Theo đó, mở rộng các phân xưởng sản xuất ở các cụm CN, vùng nông thôn. Đồng thời, CN sản xuất vật liệu xây dựng, gốm mỹ nghệ được xem là ngành có vai trò to lớn trong tận dụng hệ thống ngành nghề truyền thống và tăng cường khả năng xuất khẩu. Giai đoạn 2016- 2020, tiếp tục phát triển sản xuất sản xuất vật liệu xây dựng và gốm mỹ nghệ nhằm gia tăng giá trị sản xuất, góp phần vào nguồn thu ngân sách và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Theo đó, tạo điều kiện đầu tư xây dựng nhà máy xi măng ở Bình Tân, thu hút các dự án đầu tư nhà máy tấm lợp kim loại, nhà máy sản xuất vật liệu xây không nung. Chú ý phát triển theo chiều sâu yếu tố văn hóa cho các sản phẩm gốm mỹ nghệ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường.

Đồng thời, đề án cũng xác định một số ngành CN phụ trợ cần phát triển: các ngành phụ trợ cho CN dệt may, lắp ráp, đúc nhựa, bảo quản nông sản… Giai đoạn 2016- 2020, thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy bảo quản nông sản tại các huyện, thành phố của tỉnh; thu hút đầu tư nhà máy CN phụ trợ về cơ khí- lắp ráp, các nhà máy CN phụ trợ cho ngành dệt may tại các khu CN. Trong khi đó, CN sản xuất thiết bị điện tử được xem là ngành sẽ được ưu tiên phát triển theo hướng CN công nghệ cao. Giai đoạn 2016- 2020, thu hút đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị văn phòng, máy tính; nhà sản xuất thiết bị và dây cáp điện; nhà máy sản xuất thiết bị và đo lường điện.

Để thực hiện đề án hiệu quả, các nhóm giải pháp chủ yếu được đề ra là: nhóm giải pháp quản lý quy hoạch, xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ và tuyên truyền, cải cách thủ tục hành chính. Theo ngành Công thương Vĩnh Long, 6 tháng cuối năm 2015, ngành sẽ triển khai kế hoạch thực hiện đề án tái cơ cấu công thương gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu cụ thể của đề án là: phấn đấu tăng trưởng sản xuất CN bình quân giai đoạn 2016- 2020 đạt 14%/năm; tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân 9,63%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng trưởng bình quân 15,39%/năm. Đến năm 2020 đạt kim ngạch xuất khẩu 530 triệu USD, cơ cấu khu vực II chiếm 26%, khu vực III chiếm 48% trong GRDP của tỉnh.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh