Theo Sở Công thương Vĩnh Long, 6 tháng đầu năm, một số ngành hàng công nghiệp, doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong ngành suy giảm so cùng kỳ, ảnh hưởng đến mức tăng trưởng chung của toàn ngành.
[links()]
Theo Sở Công thương Vĩnh Long, 6 tháng đầu năm, một số ngành hàng công nghiệp, doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong ngành suy giảm so cùng kỳ, ảnh hưởng đến mức tăng trưởng chung của toàn ngành.
Chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu tiếp tục suy giảm, các doanh nghiệp xuất khẩu lương thực, thủy sản đang trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, gặp khó khăn trong vay vốn tín dụng, thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Mặt hàng gạo giảm về sản lượng và giá trị xuất khẩu tác động lớn đến kim ngạch xuất khẩu chung. |
Khó đạt chỉ tiêu xuất khẩu
Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước thực hiện 122,18 triệu USD, chỉ đạt 37,02% kế hoạch năm và giảm 16,85% so với cùng kỳ năm trước. Có 5/9 mặt hàng xuất khẩu giảm. Trong đó, giảm đáng kể là mặt hàng gạo, giảm 78,4% về sản lượng và 81,52% về giá trị. 4/9 mặt hàng tăng về kim ngạch xuất khẩu, trong đó đáng kể là hàng thủ công mỹ nghệ, hàng dệt may, rau quả… nhưng vẫn không bù đắp được mức sụt giảm do ảnh hưởng của các mặt hàng nói trên.
Ông Nguyễn Minh Tho- Giám đốc Sở Công thương đánh giá: Chỉ tiêu xuất khẩu khó hoàn thành, nhiều khả năng chỉ tương đương với năm 2014. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do gạo bị mất thị phần do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các nước xuất khẩu lớn, thị trường truyền thống ngày càng thu hẹp trong khi chưa tìm kiếm được thị trường mới, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang trong quá trình tái cơ cấu.
Bên cạnh, cá tra bị rào cản kỹ thuật tương đối khắt khe của Mỹ và EU, thiếu chiến lược phát triển bền vững, cạnh tranh không lành mạnh nên mất thị trường. Một số mặt hàng xuất khẩu thuận lợi do các doanh nghiệp chủ động cải tiến chất lượng sản phẩm, mẫu mã thiết kế và linh hoạt tiếp cận thị trường. Hiện có một số đơn vị trên địa bàn tỉnh sản xuất hàng xuất khẩu nhưng tiêu thụ theo hợp đồng của công ty mẹ nên giá trị xuất khẩu không tính vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Bà Hồ Thị Thắm- Phó Chủ tịch Hiệp hội Gạch gốm mỹ nghệ xuất khẩu tỉnh Vĩnh Long cho biết: 6 tháng qua, sức mua gốm có khởi sắc hơn, giá bán gốm tăng khoảng 40%. Bên cạnh, sức mua gạch tăng mạnh, sản xuất bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn do giá đầu vào nguyên liệu gốm tăng 60%. Lãi suất cho vay giảm, nhưng doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp để vay; thiếu nhân công… Do đó, hiện doanh nghiệp rất mong được cơ cấu lại nợ hoặc được giản nợ vay.
Theo ông Nguyễn Thái Tuấn- Phó Giám đốc Công ty Lương thực Vĩnh Long, 6 tháng qua, công ty mua vào khoảng 28.000 tấn, đạt 65%; bán ra 14.500 tấn, đạt 44% so cùng kỳ năm ngoái. Khó khăn chung mà các doanh nghiệp lương thực đang gặp phải là do giá bán của chúng ta cao, trong khi chất lượng gạo chưa vượt trội và thương hiệu gạo chưa vững chắc. Trong khi các nước xuất khẩu gạo thì họ canh tác bằng nước trời là chính, không có hệ thống thủy lợi như chúng ta. Do đó, ta có năng suất cao hơn nhưng giá thành cũng cao nên khó cạnh tranh. Đặc biệt, phẩm chất gạo của họ lại cao hơn hẳn. Theo đó, giải pháp chung của ngành lương thực là đầu tư khoa học công nghệ trong khâu sản xuất, cây giống; tập trung vào công tác chế biến gạo để có giá thành cạnh tranh tốt nhất.
Khó trong liên kết tiêu thụ
Ông Nguyễn Thái Tuấn cho biết thêm, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam và các công ty thành viên rất trăn trở về khâu thu mua tại đồng. Hiện khâu này dự định là thành lập hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới để thực hiện đầu tư giống và vật tư nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm nhằm thể hiện rõ thiện chí ngay khâu thu mua. Bởi thời gian qua, công tác thu mua lúa còn gặp khó do chưa xây dựng được chuỗi thu mua, giá cả doanh nghiệp đưa ra khi thu mua chưa thật sự hợp lý so với thị trường. Trong khi doanh nghiệp không đủ nguồn nhân lực thực hiện việc này và nếu thực hiện cũng phải tốn thêm chi phí như qua thương lái. Mục tiêu của chúng tôi là thay đổi mô hình hộ sản xuất cá thể thành mô hình hợp tác sản xuất nhằm chia sẻ lợi ích một cách hợp lý hơn.
Còn ông Đinh Văn Vụ- Phó Giám đốc Công ty Phân bón Cửu Long tỏ ra băn khoăn trước tình hình tiêu thụ sản phẩm còn gặp không ít khó khăn. Làm sao để đưa sản phẩm vào chuỗi cánh đồng mẫu lớn vẫn là vấn đề đặt ra của doanh nghiệp bởi khó ở chỗ đơn vị tiếp nhận đầu tư tại cánh đồng mẫu lớn chưa có đủ tư cách pháp nhân nên chưa thể đáp ứng những yêu cầu để doanh nghiệp liên kết cung ứng phân bón. Trong khi đó, nếu tạo nên được độ tin cậy này, Nhà máy Phân bón Cửu Long cam kết giảm từ 3- 5% so với giá thị trường.
Ông Nguyễn Minh Tho cho biết, để đẩy mạnh xuất khẩu 6 tháng cuối năm, ngành công thương sẽ tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh, phục hồi năng lực của các ngành hàng sản xuất chủ yếu như: xuất khẩu lương thực, thủy sản đông lạnh, gốm mỹ nghệ, xi măng. Tăng cường công tác kết nối giao thương, từng bước hình thành đầu mối tiêu thụ nông sản, nhất là rau, củ, quả, theo chuỗi giá trị ngành hàng. Đẩy mạnh đề án hỗ trợ phát triển thương hiệu theo kế hoạch đã đề ra, phối hợp chặt chẽ hỗ trợ xây dựng chiến lược thương hiệu của 4 đơn vị và gửi đơn 2 nhãn hiệu.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 9,08% so cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp có chỉ số tăng như công nghiệp khai khoáng, chế biến, chế tạo, sản xuất, phân phối điện, khí đốt, cung cấp nước, quản lý và xử lý nước thải, rác thải. Một số ngành công nghiệp có mức sản xuất tăng cao so cùng kỳ năm 2014 là đóng tàu, sản xuất bê tông, sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản, thủ công mỹ nghệ, thuốc lá, phân bón, giày dép. Tuy nhiên, do những khó khăn nhất định nên một số ngành có mức sản xuất giảm hoặc tăng thấp so cùng kỳ: xay xát, gốm mỹ nghệ, xi măng, chế biến- bảo quản thủy sản… |
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- LÊ SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin