Kỳ 2: Doanh nghiệp chủ động tái cơ cấu

03:07, 20/07/2015

Trước ngưỡng cửa hội nhập, với những khó khăn và thuận lợi đan xen, doanh nghiệp (DN) đã, đang và sẽ hành động như thế nào để chủ động ứng phó?

[links()]

Trước ngưỡng cửa hội nhập, với những khó khăn và thuận lợi đan xen, doanh nghiệp (DN) đã, đang và sẽ hành động như thế nào để chủ động ứng phó?

Sản phẩm Nhà máy Phân bón Cửu Long hiện đã mở rộng thị trường khu vực ASEAN.
Sản phẩm Nhà máy Phân bón Cửu Long hiện đã mở rộng thị trường khu vực ASEAN.

Cơ cấu lại thị trường

Ông Đinh Văn Vụ- Phó Giám đốc Nhà máy Phân bón Cửu Long- cho biết, để ứng phó khó khăn DN tập trung vào các nhóm giải pháp cơ cấu lại thị trường và giải pháp về sản phẩm mới. Đi theo mục tiêu tái cơ cấu thị trường là một loạt đầu tư hàng loạt trang thiết bị công nghệ hiện đại, hệ thống quản lý chất lượng. Định hướng này, theo ông, đang hướng tới bền vững và giúp DN mở rộng xuất khẩu. Hiện Nhà máy Phân bón Cửu Long đã đưa vào sử dụng công nghệ tạo hạt tiên tiến, sản xuất các mặt hàng theo nhu cầu thị trường các nước ASEAN và một số nước khu vực Châu Phi. Trong năm 2015, nhà máy cũng đã có thêm 6 sản phẩm mới cung ứng cho thị trường sát thực tế hơn, tạo được khác biệt đáng kể. Cùng với việc tỉnh hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 từ năm 2014, DN cũng định hướng xây dựng thương hiệu trước mắt và lâu dài.

Nhờ những giải pháp lớn đó, ông Đinh Văn Vụ cho rằng: “DN đã lướt qua khó khăn trong tiêu thụ nội địa”. Điều này, thể hiện tăng trưởng DN với nhiều tín hiệu vui. Ông cho biết, 6 tháng đầu năm, để giảm áp lực cạnh tranh thị trường Tây Nguyên, DN đã duy trì ổn định thị trường ĐBSCL đạt mức tăng trưởng hơn 20%. Tổng doanh thu 6 tháng đạt 207,54 tỷ đồng, tăng 19,96% so cùng kỳ. Đáng chú ý trong đó, theo ông, thị trường xuất khẩu ước đạt kim ngạch 4,6 triệu USD (kế hoạch năm 8 triệu USD) gần bằng kim ngạch cả năm trước và tăng 259% so cùng kỳ. Ông cũng cho biết, hiện ngoài thị trường trong nước, sản phẩm phân bón của DN đã có mặt tại thị trường các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Lào, Campuchia… “Với các chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh tại Campuchia, DN có điều kiện củng cố bạn hàng và họ yên tâm làm ăn với mình. DN tiếp tục xúc tiến thị trường tiêu thụ ở Châu Phi”- ông nói.

Thừa nhận thị trường phân bón “cạnh tranh cực kỳ”, nhất là khi Việt Nam ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thì hoạt động giao thương sẽ diễn ra tấp nập và thị trường trở thành thị trường chung. “Nhưng làm sao để khách hàng mua sản phẩm của mình? Có đảm bảo tốc độ giao hàng, giá cả có cạnh tranh hay không?”- ông Đinh Văn Vụ bảo, sẽ có nhiều yêu cầu mới đặt ra mà DN phải đáp ứng. Và để chủ động “DN phải xác định mục tiêu và có chiến lược dài hơi mới trụ vững”- đó là kinh nghiệm thực tế mà theo ông là “chúng tôi đã có quá trình đầu tư công nghệ kỹ thuật từ năm 2009 và đến nay vẫn tiếp tục nâng cấp”.

Xác định thế mạnh

Khi xác định thị trường chung không còn “sân nhà” đặc quyền địa phương nữa, mà “sẽ thách thức, sẽ cạnh tranh với việc thị phần nhỏ hẹp lại”- theo nhận định của nhiều DN, đòi hỏi DN phải thay đổi tư duy “sản xuất phải mang tính hàng hóa cho xã hội tiêu dùng, chứ không thể giữ suy nghĩ: bán trong tỉnh đủ rồi”. Do đó, giám đốc một DN cho rằng: hàng hóa trong nước và nhập khẩu sẽ cạnh tranh ngay trên sân nhà mình, nên đầu tư phải xác định quy mô sản xuất, quan trọng thị trường tiêu thụ như thế nào và phải xác định thế mạnh của mình trong thị trường chung đó.

Ông Nguyễn Tường Nam- Giám đốc DNTN Hồng Hương- cho biết: “DN phân khúc chọn thị trường phù hợp đánh đâu chắc thắng đó, phù hợp nguồn lực DN và tập trung giá trị cốt lõi của sản phẩm. DN chọn phân khúc cao cấp tại các siêu thị, trung tâm mua sắm cho dòng nước mắm 400 đạm và 600 đạm bắt nhịp xu hướng người tiêu dùng tìm về sản phẩm truyền thống có nguồn gốc tự nhiên, thị phần này hiện chiếm khoảng 20%. Đối với thị phần trung bình rất cạnh tranh, DN cũng có các giải pháp tiếp cận người tiêu dùng, kênh bán lẻ hiệu quả”. Ông Nguyễn Tường Nam xác định thế mạnh của Hồng Hương còn là “sản phẩm không phụ gia, không chất bảo quản” song hành đầu tư cơ cở hạ tầng, nhà xưởng tươm tất áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO: 22000.

Để tạo lòng tin của người tiêu dùng vào chất lượng sản phẩm, theo bà Lê Trúc My- Phó Giám đốc Công ty Kẹo Sơn Hải, DN không ngừng khẳng định thương hiệu, cải tiến kỹ thuật từ lao động tay chân sang sản xuất máy móc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sự khác biệt của sản phẩm Sơn Hải so các sản phẩm khác chính là DN làm kẹo đậu phộng ít đường phù hợp khẩu vị người mua.

Xác định mục tiêu “Phục vụ cuộc sống của mọi người tốt hơn, gần gũi thiên nhiên và thân thiện môi trường”, Công ty CP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Vĩnh Long đề ra chiến lược phát triển cụ thể như tiếp tục duy trì và phát triển khách hàng truyền thống với Tập đoàn IKEA, một số khách hàng Châu Á và Bắc Mỹ, duy trì và phát triển tiêu thụ sản phẩm trong nước. Đồng thời, phát triển sản phẩm mới liên tục, đảm bảo việc phát triển bền vững và ổn định lực lượng lao động làng nghề…

Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu gạo ngon, sạch, an toàn đáp ứng nhu cầu cao của thị trường, ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV- xác định thế mạnh của DN là cung cấp sản phẩm gạo tốt nhất cho thị trường. Kinh nghiệm của ông là phải tìm hiểu, nghiên cứu thị hiếu tiêu dùng từng vùng, địa phương để chào loại hàng đúng khẩu vị khô xốp hay dẻo mềm. Đến nay, DN đã tạo vị thế nhất định ở thị trường nội địa và đang hướng tới xâm nhập các thị trường khó như Singapore, Nhật, Hàn Quốc, Hong Kong… Vì sao lại chọn thị trường khó? Ông ví von: “Giống như chơi thể thao, ai cũng muốn vào sân chơi lớn để nâng cao trình độ, mở rộng tầm nhìn. Vô thị trường khó dù yêu cầu khắt khe nhưng DN sẽ có nhiều cơ hội mới hơn, loay hoay thị trường truyền thống sẽ gặp khó hoài”.

Luôn chủ động, sáng tạo và dựa vào nội lực

Đó là một trong những bài học kinh nghiệm được ông Vũ Ngọc Tú- Phó Giám đốc Sở Công thương- rút ra khi nói về quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Từ đó, mọi chủ trương chính sách tiếp tục đổi mới kinh tế phải coi ưu tiên số 1 là giải phóng lực lượng sản xuất. Đặc biệt coi trọng chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển, bảo đảm ổn định kinh tế, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng. Tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư và phát huy nguồn lực nội tại.

 

 

Kỳ cuối: Để hỗ trợ doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC – THẢO LY

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh