Điện- nguồn năng lượng mới cho sự phát triển. 40 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân đã chung tay xây dựng lưới điện phục vụ thiết thực cho sản xuất và dân sinh, tạo động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.
[links(left)]
Điện- nguồn năng lượng mới cho sự phát triển. 40 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân đã chung tay xây dựng lưới điện phục vụ thiết thực cho sản xuất và dân sinh, tạo động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.
Phát triển lưới điện luôn được quan tâm đầu tư đúng mức. |
Thủ tướng Võ Văn Kiệt với công trình tải điện 500kV Bắc- Nam
Công trình tải điện 500kV Bắc- Nam mang đậm dấu ấn cũng như vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt. Ý tưởng xây dựng công trình này được hình thành trong bối cảnh kinh tế- xã hội khá phức tạp, nước ta vừa bắt đầu công cuộc đổi mới, khó khăn chồng chất, miền Trung và miền Nam thiếu điện trầm trọng cho nhu cầu sản xuất và dân sinh.
Và ý tưởng xây dựng công trình tải điện xuyên Việt đã trở thành hiện thực vào đầu năm 1992, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Luận chứng kinh tế kỹ thuật hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc- Nam. Từ quyết định của Thủ tướng đến ngày đóng điện đầu tiên lên đường dây là hơn 700 ngày lao động sáng tạo, khẩn trương đầy gian khổ với tinh thần trách nhiệm cao của hàng chục vạn con người.
Mục tiêu hoàn thành việc xây dựng hệ thống tải điện Bắc- Nam với chiều dài 1.500km với 3.437 vị trí cột đi qua 14 tỉnh- thành, 5 trạm biến áp và trạm bù trong thời gian 2 năm đối với nhiều người, kể cả chuyên gia tư vấn nước ngoài, thoạt đầu đều cho là không tưởng.
Hệ thống tải điện 500kV Bắc- Nam đã được đưa vào sử dụng đúng như dự kiến với mọi chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đều đạt và vượt yêu cầu của luận chứng ban đầu. Sau hơn 20 năm hoạt động công trình vẫn đứng vững trước những đợt thiên tai lớn chưa từng có ở những địa phương đường dây đi qua, đã giải quyết cơ bản tình trạng thiếu điện trầm trọng và triền miên ở miền Trung và miền Nam trước đây.
Theo tính toán, chỉ sau 3 năm vận hành, hệ thống tải điện 500kV Bắc- Nam đã hoàn vốn đầu tư. Đây là công trình có thời gian hoàn vốn vào loại nhanh nhất so với nhiều dự án điện cũng như các dự án lớn khác, mặc dù tổng vốn đầu tư là rất lớn, trên 5.700 tỷ đồng.
Công trình tải điện 500kV Bắc- Nam hoàn thành đã tạo động lực mạnh mẽ trong công cuộc điện khí hóa nông thôn cho các tỉnh- thành phía Nam, trong đó có Vĩnh Long.
Thành tựu điện khí hóa nông thôn
Vận chuyển vật tư thi công đường dây trung thế, đưa điện về vùng sâu phục vụ dân sinh. Ảnh: BÁ LÂM (TP Vĩnh Long) |
Đối với Vĩnh Long, một trong những thành tựu lớn trong giai đoạn xây dựng và phát triển là việc đưa điện cao thế về vùng nông thôn. Năm 1975, lưới điện chỉ có ở nội ô TX Vĩnh Long, Long Hồ và Tam Bình, đến 1979 điện về đến được trung tâm huyện Trà Ôn. Năm 1980, điện về đến Vũng Liêm. Năm 1984, điện về đến trung tâm huyện Mang Thít. Từ năm 1990 đến nay, các ngành các cấp không ngừng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển lưới điện truyền khắp thôn ấp trong tỉnh.
Theo ông Vũ Ngọc Tú- Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long, năm 1976 cả tỉnh Vĩnh Long chỉ có 7,5km đường dây trung thế và 19,5km đường dây hạ thế. Nguồn điện cho thắp sáng sinh hoạt, cơ sở dịch vụ nhỏ ở TX Vĩnh Long và thắp sáng cho một vài thị trấn huyện lỵ, chủ yếu là các trạm điện nhỏ chạy bằng diesel. Trước cái khó chung ấy, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo ngành điện chú ý tập trung khôi phục và phát triển hệ thống lưới điện của tỉnh để phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Công tác phát triển điện nông thôn là một trong các nhiệm vụ, mục tiêu trọng tâm và đã có chủ trương triển khai từ những năm 1990. Tuy nhiên, cho đến năm 1996, tỷ lệ hộ dân có điện chưa đến 30%. GIai đoạn 1996- 2000, tỉnh Vĩnh Long đầu tư trên 300 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 110 tỷ đồng xây dựng 1.196km đường dây trung thế, 1.279km đường dây hạ thế, đưa điện lưới quốc gia về 100% xã- phường- thị trấn. Nhờ những nỗ lực trên, tỉnh Vĩnh Long đã nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia đến năm 2000 đạt 89%.
Với mục tiêu phát triển hạ tầng gắn với phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp- dịch vụ, gắn với tái cơ cấu kinh tế và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Vĩnh Long đang tiếp tục đầu tư phát triển gắn với nâng cao chất lượng lưới điện. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2.100km đường dây trung thế, 2.899km đường dây hạ thế, sản lượng điện thương phẩm tiêu thụ bình quân đầu người 746 kWh/người, tăng 35,5 lần so với năm 1975.
Trong năm 2014, toàn tỉnh đã đóng điện đưa vào sử dụng 67 công trình điện bức xúc, cấp điện cho 1.360 hộ dân nông thôn chưa có điện, hộ sử dụng điện câu đuôi. Tính đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 99,6% tỷ lệ hộ dân có điện, trong đó có 97,21% số hộ có điện kế chính.
Tháng 6/2015 tới đây, khi dự án nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn tỉnh Vĩnh Long hoàn thành với 305 hạng mục công trình điện tại 92 xã- phường- thị trấn trong toàn tỉnh, cấp điện cho khoảng 7.000 hộ dân nông thôn, góp phần nối mạch lưới điện, tạo sức bật mới cho phát triển và dân sinh.
Chính nhờ thực hiện tốt công tác đầu tư lưới điện, đến nay tỷ lệ xã- phường- thị trấn, số hộ có điện trên địa bàn tỉnh tăng lên rõ rệt. Cụ thể, giai đoạn 1992- 1997: tỷ lệ phường- xã có điện đạt 87,9%; 1998- 2000: đạt 98,1%; 2001- 2005: đạt 100%. Riêng tỷ lệ hộ dân có điện cũng tăng tương ứng: 1992- 1997: 31,4%, 1998- 2000: 80%, 2000- 2005: 97,8%, 2005- 2011: 98,9% và 2011- 2014: 99,6%. |
Bài, ảnh: LÊ SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin