(VLO) Thời gian qua, nhiều sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của Vĩnh Long đã không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã. Qua đó từng bước đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như “bắt tay” với các nhà phân phối nhằm mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ.
Vĩnh Long hiện có nhiều sản phẩm chất lượng, đặc trưng được người tiêu dùng đón nhận. |
Nhiều sản phẩm đặc trưng, chất lượng
Mới đây, Sở Công Thương tỉnh phối hợp Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tổ chức “Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL với các doanh nghiệp (DN) phân phối”, với sự tham gia của hơn 100 DN, HTX, cơ sở sản xuất và kinh doanh phân phối trong và ngoài tỉnh cùng 12 đơn vị nhà phân phối là hệ thống siêu thị, các chợ đầu mối, các sàn thương mại điện tử.
Theo Giám đốc Sở Công Thương Trần Nhựt Thanh, tỉnh Vĩnh Long đã công nhận 159 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 100 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, 59 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao. Tỉnh hiện có 178 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, với 145 sản phẩm đạt cấp tỉnh, 27 sản phẩm cấp khu vực và 6 sản phẩm cấp quốc gia.
Các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh đã được đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu và hiện diện tại các chuỗi siêu thị, các hệ thống bán lẻ, cung ứng, phân phối tại thị trường trong nước và quốc tế như: gạo Phước Thành IV, gạo hữu cơ Tấn Đạt, nước mắm Gia Hỷ, bún Ba Khánh…
Anh Văn Hữu Tài- Chủ cơ sở Tảo xoắn Mê Kông (huyện Long Hồ) cho biết, cơ sở luôn tìm tòi, nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời không ngừng đổi mới mẫu mã, bao bì phù hợp với thị hiếu cũng như góp phần nâng chất cho sản phẩm.
“Thông qua các chương trình, nguồn hỗ trợ khuyến công địa phương, các sản phẩm ngày càng được đổi mới, nâng cao chất lượng. Mới đây, cơ sở cũng cho ra sản phẩm bột tảo sấy tiện dụng, góp phần đa dạng hóa sản phẩm”- anh Tài cho biết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Văn Liệt nhận định, các sản phẩm của tỉnh đã cho thấy chất lượng cũng như thương hiệu ngày càng đứng vững trên thị trường, góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm chủ lực của địa phương.
Tỉnh Vĩnh Long cũng xác định mục tiêu tập trung vào thị trường nội địa, đây là thị trường hết sức quan trọng với lợi thế 100 triệu dân sẽ là những người tiêu dùng thông thái, góp phần quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của DN, người nông dân, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thủy sản chủ lực của tỉnh.
Đẩy mạnh hợp tác với nhà phân phối
Dù đạt nhiều kết quả tích cực, song chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản vẫn chưa được đẩy mạnh và phát triển theo hướng bền vững. Hoạt động xúc tiến thương mại gặp khó do các DN trong tỉnh phần lớn là DN nhỏ và vừa, sức cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh Phạm Phước Trãi, sản phẩm OCOP khu vực ĐBSCL phần lớn đều giống nhau, tập trung vào các mặt hàng lúa gạo, thủy sản, trái cây. Khó khăn của các sản phẩm OCOP khi chưa xây dựng được vùng nguyên liệu tập trung, sản xuất mang tính thời vụ, từ đó dễ xảy ra tình trạng được mùa mất giá.
Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL với các doanh nghiệp phân phối với sự tham gia của các DN, HTX, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh. |
Bên cạnh đó, phần lớn các sản phẩm OCOP hiện đều mang tính chất nhỏ, lẻ, chưa có thương hiệu mạnh nên khó đưa vào các chuỗi siêu thị, các hệ thống bán lẻ lớn…
Ông Nguyễn Trọng Hiệp- Giám đốc Trung tâm phân phối, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cho rằng, các DN, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh khi muốn đưa sản phẩm vào phân phối tại Satra phải đủ các yếu tố về hồ sơ sản phẩm như chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm, bao bì… để đảm bảo chất lượng đầu vào trước khi bày bán.
Bên cạnh đó, DN phải đảm bảo tính ổn định về sản lượng và chất lượng sản phẩm; có nguồn tài chính đảm bảo để thực hiện hình thức thanh toán công nợ.
Trong khi đó, ông Văn Quốc Hoàng- Giám đốc Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long cho biết, DN, HTX muốn đưa sản phẩm vào kênh phân phối hiện đại, cần đáp ứng các quy định thì cũng cần “tự lực” đổi mới, quảng bá sản phẩm.
Theo đó, DN phân phối chỉ là đơn vị trung gian, muốn bán hàng được, nhanh thì bắt buộc DN sản xuất phải không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã và làm truyền thông tốt. Có như vậy mới đáp ứng được sự hài hòa, lợi ích giữa nhà sản xuất và nhà phân phối.
Theo các nhà phân phối, trong thời đại thương mại điện tử phát triển, các DN phải chủ động tiếp cận và tham gia các hội nghị kết nối giao thương để tìm đối tác. Đối với các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền, các DN sản xuất cần tìm đối tác, đầu tư để quảng bá tại các trung tâm thương mại lớn.
Để các sản phẩm OCOP hoặc đặc sản địa phương có thể vào được hệ thống bán lẻ lớn, cần phải có 3 yếu tố: thứ nhất là các loại giấy tờ phải đầy đủ; thứ hai mẫu mã phải đẹp; thứ ba và quan trọng nhất là chất lượng phải ổn định.
Trong khi đó, từ góc độ nhà sản xuất, nhiều DN, HTX, cơ sở sản xuất cũng mong muốn có một cuộc cạnh tranh công bằng giữa các sản phẩm trong “cuộc đua” chạy vào siêu thị.
Theo đó, có tình trạng hiện nay là để đưa được hàng vào một số siêu thị, nhiều nơi đòi hỏi đưa giá lên cao và chiết khấu lại cho siêu thị khá lớn. Điều này là rất khó đối với các cơ sở sản xuất thật, làm thật với sản phẩm thật với giá cả hợp lý.
Vì nếu muốn chiết khấu cao cho hệ thống phân phối, vô hình chung đẩy giá cao đến tay người tiêu dùng, gây khó cho cả DN và thiệt hại cho người tiêu dùng. Do đó, các nhà sản xuất cho rằng cần có một cuộc chơi công bằng để các sản phẩm có chất lượng thực sự trong nước sản xuất đến được tay người tiêu dùng với mức giá thành hợp lý nhất qua các kênh phân phối.
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin