Trồng dưa leo, chanh không hạt theo hướng GAP

05:01, 09/01/2024

Thời gian qua, địa phương cùng người dân xã Đông Thạnh (TX Bình Minh) đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả, qua đó, góp phần tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân.

 

 

Mô hình trồng dưa leo theo hướng GAP giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác theo hướng an toàn, sản xuất sạch.
Mô hình trồng dưa leo theo hướng GAP giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác theo hướng an toàn, sản xuất sạch.

Thời gian qua, địa phương cùng người dân xã Đông Thạnh (TX Bình Minh) đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả, qua đó, góp phần tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân.

Theo UBND xã Đông Thạnh, việc sản xuất nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ứng dụng kỹ thuật mới, hướng hữu cơ đang là xu hướng sản xuất của nông dân hiện nay. Theo đó, nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả được triển khai và có hướng nhân rộng trên địa bàn xã đã góp phần thay đổi tập quán canh tác của nông dân, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng lợi nhuận.

Trong đó, mô hình trồng dưa leo theo hướng GAP của xã có 22 thành viên tại ấp Thạnh An tham gia, với tổng diện tích trồng dưa là 9,5ha, năng suất bình quân 35 tấn/ha/vụ, giá bán từ 7.000-9.000 đ/kg, trừ chi phí, bình quân nông dân thu nhập từ 290 triệu đồng/ha/vụ, so với diện tích không tham gia mô hình thu nhập cao hơn từ 50-80 triệu đồng/ha/năm.

Có gần 5 công trồng dưa leo đang vào vụ thu hoạch đợt 2, chú Võ Thanh Hiền (ấp Thạnh An, xã Đông Thạnh) cho hay: “Tôi trồng dưa leo gần 20 năm. Tôi cũng được địa phương hướng dẫn sản xuất theo hướng an toàn. Giống dưa leo này dễ chăm sóc, có thời gian thu hoạch ngắn ngày. Một năm tôi trồng được 3 vụ dưa, gần Tết nên dưa leo cũng có giá, sau khi trừ chi phí, cũng còn lời khá, nhờ vậy mà ăn Tết khỏe. Khoảng 2 tuần nữa tôi cũng sẽ xuống giống vụ tiếp theo để qua Tết bán”.

Theo chú Hiền, trồng dưa tuy dễ nhưng đòi hỏi phải thường xuyên thăm ruộng, giữ đủ nước ở rãnh luống. Ngoài ra, cây leo đến đâu cần buộc ngọn và nhánh vào giàn tới đó và phải thường xuyên cắt tỉa các loại lá vàng, đốm héo nhằm tránh lây lan bệnh cho ruộng. Dưa lớn rất nhanh, chỉ trong vòng một ngày có thể đạt kích cỡ tiêu chuẩn nên cần thu hái thường xuyên. Bên cạnh đó, cũng phải chú ý các loại dịch bệnh trên dưa để phòng trừ kịp thời.

Ông Lê Văn Đẹt- Bí thư kiêm Trưởng ấp Thạnh An, cho biết: Trong ấp có nhiều mô hình nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, mô hình trồng dưa leo theo hướng GAP được người dân triển khai và đạt hiệu quả.

Nông dân cũng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng. Theo đó, địa phương cũng có tập huấn, hướng dẫn nông dân ít sử dụng phân hóa học, thuốc BVTV, thay bằng phân sinh học, phân hữu cơ để bảo vệ đất và an toàn cho người tiêu dùng.

Bên cạnh mô hình trồng dưa leo, mô hình trồng chanh không hạt tại xã cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập ổn định cho người dân.

Cụ thể, mô hình này có 15 thành viên tại ấp Đông Thạnh A, Thạnh Hòa, Thạnh Lý với tổng diện tích trồng chanh là 39,5ha, trong đó tham gia mô hình diện tích 10,6ha, năng suất bình quân 53 tấn/ha/năm, giá bán trung bình 8.000-14.000 đ/kg, trừ chi phí người dân thu nhập lãi bình quân trên 500 triệu đồng/ha/năm, so với diện tích không tham gia mô hình thu nhập cao hơn từ 100-150 triệu đồng/ha/năm.

Có 15 công trồng chanh không hạt, anh Trần Văn Trung (ấp Đông Thạnh A, xã Đông Thạnh) cho hay: Loại chanh này trồng hơn 1 năm thì có thu hoạch, 1 tháng thu hoạch 2 lần, được 4 tấn trái. Chanh có công ty thu mua bao tiêu với giá ổn định, thu nhập khoảng 60 triệu đồng/tháng.

“Chanh này khó nhất là khâu làm trái. Tôi cũng tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm để cây cho trái sai, đều. Nhờ vậy mà “có ăn” hoài, ăn Tết năm nay cũng sung túc hơn”- anh Trung vui vẻ nói.

Theo ông Lê Thanh Sơn- Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh, với khả năng sinh trưởng tốt, bước đầu cho thấy nhiều mô hình nông nghiệp thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, trồng được nhiều vụ trong năm.

Nông dân cũng ý thức thay đổi tập quán theo hướng an toàn, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, từ đó giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Mô hình trồng chanh không hạt đem lại lợi nhuận khá cho nông dân.
Mô hình trồng chanh không hạt đem lại lợi nhuận khá cho nông dân.

Có thể thấy, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp đã góp phần giúp địa phương thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, góp phần tăng thu nhập cho người dân ở nông thôn, tạo công việc ổn định, cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống.

Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân tận dụng tối đa lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển kinh tế, góp phần đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Trương Đặng Vĩnh Phúc- Bí thư Thị ủy Bình Minh, năm 2023, TX Bình Minh có nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số mô hình có tác động lan tỏa, nhân rộng trong cộng đồng. Thời gian tới, thị xã sẽ tiếp tục cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 1/12/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2030; nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả, các mô hình thực nghiệm sản xuất theo hướng hữu cơ, phát triển làng nghề, sản phẩm OCOP… Tập trung huy động có hiệu quả các nguồn lực từ xã hội tham gia xây dựng NTM và đô thị văn minh.

Bài, ảnh: YẾN - LY

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh