Năm 2023, Sở KH-ĐT đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc đánh giá, ban hành các cơ chế chính sách, kế hoạch, chương trình hành động về phát triển kinh tế- xã hội.
Tăng cường hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất- kinh doanh. |
Năm 2023, Sở KH-ĐT đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc đánh giá, ban hành các cơ chế chính sách, kế hoạch, chương trình hành động về phát triển kinh tế- xã hội.
Từ đó, tạo sự chủ động trong chỉ đạo điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đầu tư công. Công tác quản lý hỗ trợ doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư khởi nghiệp, xúc tiến đầu tư... có sự đổi mới, sâu sát hơn.
Tăng cường xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp
Ông Lương Trọng Nghĩa- Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, cho biết, trong năm, sở đã phối hợp các sở, ban, ngành và địa phương tổ chức tiếp xúc và làm việc với 37 lượt nhà đầu tư (trong đó có 15 lượt nhà đầu tư nước ngoài) tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh.
Bên cạnh, đã hỗ trợ, hướng dẫn 5 nhà đầu tư tìm hiểu thủ tục thực hiện dự án; xây dựng kế hoạch tiếp và làm việc với Văn phòng JETRO TP Hồ Chí Minh đến khảo sát thực địa, tìm hiểu môi trường đầu tư; tiếp và làm việc với đoàn đại biểu tỉnh Niigata (Nhật Bản); tiếp và làm việc với Thương vụ (KOTRA)- Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc- TP Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tổ chức đoàn công tác hợp tác phát triển giữa tỉnh Vĩnh Long, Việt Nam với tỉnh Niigata; đoàn công tác xúc tiến đầu tư, thương mại tại Ấn Độ, Sri Lanka.
Trong năm, sở đã cấp mới 4 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 520 tỷ đồng và điều chỉnh mở rộng quy mô 3 dự án, vốn đăng ký 180,5 tỷ đồng. Tăng cường hậu kiểm các dự án đã được cấp chủ trương/giấy chứng nhận đầu tư.
Theo đó, thành lập 2 đoàn kiểm tra của BCĐ vốn ngoài ngân sách nhà nước, kiến nghị xử lý 11 dự án; tham mưu thu hồi 8 dự án. Nâng tổng số dự án cấp mới toàn tỉnh là 8 dự án; điều chỉnh mở rộng 11 dự án (vốn điều chỉnh tăng 47,72 tỷ đồng và 67,12 triệu USD).
Trong năm, toàn tỉnh phát triển được 454 DN, đạt 101%; tổng vốn đăng ký 6.230 tỷ đồng (so năm trước tăng 29 DN, vốn tăng 2.855 tỷ đồng). Hiện toàn tỉnh có 3.338 DN đang hoạt động, tổng vốn đăng ký là 47.974 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 40.056 lao động; có 1.179 chi nhánh, văn phòng đại diện; có 1.293 địa điểm kinh doanh.
Là cơ quan thường trực BCĐ xây dựng cơ bản tỉnh, sở đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành tháo gỡ khó khăn trong tổ chức thực hiện kế hoạch vốn năm 2023.
Trong đó, tập trung đôn đốc giải ngân kế hoạch vốn Trung ương, vốn ODA, vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc kế hoạch vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý năm 2023 là 4.678,45 tỷ đồng; đến ngày 29/12 đã giải ngân đạt 75,83%.
Phấn đấu thực hiện giải ngân năm 2023 đạt từ 95% trở lên. Sở đã xây dựng kế hoạch và triển khai 2 cuộc kiểm tra công tác giám sát, đánh giá đầu tư tại 8 cơ quan, đơn vị với 21 dự án.
Ông Nguyễn Thanh Cần- Chủ tịch UBND TX Bình Minh, cho biết, trong năm, thị xã đã tăng cường gặp gỡ, trao đổi, đối thoại với DN, HTX, hộ kinh doanh.
Trong đó, đã phối hợp với ngành ngân hàng để đối thoại với DN; phối hợp với các đơn vị quản lý bán hàng online tổ chức các diễn đàn, nhằm tạo thêm kênh quảng bá, đưa những sản phẩm đặc trưng của thị xã được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến.
Thị xã cũng đã thành lập hiệp hội DN, các thành viên đã trao đổi, đề xuất nhiều ý tưởng mới, khát vọng đóng góp phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Đến nay, thị xã đã giải ngân đạt khoảng 91,46%; cam kết đến cuối tháng 1/2024 sẽ đạt trên 95% kế hoạch.
Tiếp tục bứt phá đạt mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội
Ông Lê Ngọc Đức- Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Bình, cho biết, năm 2023, huyện thực hiện đạt và vượt 18 chỉ tiêu kinh tế- xã hội đã đề ra. Bên cạnh, đã hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch “hiện đang trong giai đoạn công bố quy hoạch đối với các xã, công bố quy hoạch vùng huyện”. Về giải ngân vốn đầu tư công, dự kiến đến cuối tháng 1/2024 sẽ đạt khoảng 97,77% kế hoạch.
Theo Sở KH-ĐT, năm 2024, sở tăng cường và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, phân tích và dự báo; tiếp tục chủ động rà soát, tham mưu HĐND, UBND tỉnh, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách mới, phù hợp với đặc điểm, tình hình và nguồn lực của địa phương.
Trong đó, chú trọng cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ người dân, DN, HTX phát triển, phát huy mọi nguồn lực trong xã hội. Bên cạnh, triển khai Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch phục hồi kinh tế- xã hội; kế hoạch thực hiện chương trình của Tỉnh ủy về thu hút vốn đầu tư, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật.
Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đổi mới công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư để huy động thêm nguồn lực, tạo bước đột phá trong đầu tư phát triển, nhất là tập trung mời gọi đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, các lĩnh vực trọng điểm.
Theo đó, triển khai đầy đủ, toàn diện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội do sở làm đơn vị đầu mối; phối hợp các cấp, các ngành thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN, HTX, hộ kinh doanh; chính sách hỗ trợ tín dụng khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ DN khởi nghiệp. Đồng thời, tiếp tục quan tâm, nắm bắt tình hình DN, kịp thời tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn.
Vĩnh Long tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. |
Ông Võ Quốc Thanh- Giám đốc Sở KH-ĐT nhấn mạnh: Năm 2024 là năm nâng tầm, bứt phá để đạt mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 của HĐND tỉnh, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.
Do đó, sở mong nhận được sự quan tâm, phối hợp tốt của các sở, ban, ngành, UBND các địa phương trong triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế- xã hội và kế hoạch đầu tư công. Các sở, ban, ngành và các địa phương phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu chủ yếu, góp phần thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh năm 2024.
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN