Nông dân 9X đưa cây sả "đi nước ngoài"

11:01, 11/01/2024

Đưa cây sả đi nước ngoài là đều mà chàng thanh niên 9X Nguyễn Hoài An (sinh năm 1993, ngụ xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn) đã làm được trong mấy năm qua. Đánh dấu bước ngoặt mới đầy triển vọng về một loại cây gia vị hết sức gần gũi thường được trồng sau vườn nhà của những gia đình thôn quê miền Tây.

 

Anh Nguyễn Hoài An (bên trái) ước mơ đổi đời trên chính quê hương của mình và đã chọn gắn bó
Anh Nguyễn Hoài An (bên trái) ước mơ đổi đời trên chính quê hương của mình và đã chọn gắn bó lâu dài với cây sả.
Đưa cây sả đi nước ngoài là đều mà chàng thanh niên 9X Nguyễn Hoài An (sinh năm 1993, ngụ xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn) đã làm được trong mấy năm qua. Đánh dấu bước ngoặt mới đầy triển vọng về một loại cây gia vị hết sức gần gũi thường được trồng sau vườn nhà của những gia đình thôn quê miền Tây.
 
Từ khi còn là sinh viên, anh Hoài An đã mang trong mình ước mơ đổi đời “mà phải là đổi đời trên chính quê hương của mình”.
 
“Học ĐH xong tôi đi lao động ở Nhật, tôi mong có thể học được những điều hay để về áp dụng. Những lúc có thời gian, tôi hay lang thang từ chợ đến các hệ thống siêu thị. Tôi thấy nông sản nhập khẩu qua đây được bán với giá rất cao đặc biệt là các loại gia vị, trong đó có cây sả. Vậy tại sao cây sả nước mình ngon mà lại ít có mặt ở thị trường này?- anh nhớ lại. Mang theo niềm trăn trở ấy anh trở lại Việt Nam.
 
“Ở quê tôi cây sả hết sức gần gũi, dường như nhà nào cũng có vài bụi sả để dành ăn. Cây sả tính ấm, vị thơm nồng đặc trưng”, vậy là anh Hoài An đã chọn gắn bó lâu dài với
cây sả.
 
Để có được nguồn sả dồi dào đảm bảo cung ứng thì phải tạo ra vùng nguyên liệu. Năm 2019, anh đến huyện Bình Tân thuê hơn 20ha đất để trồng sả. Theo anh Hoài An, cây sả dễ trồng, sau 4 tháng là có thể thu hoạch.
 
Tuy nhiên, “hành trình kiếm đầu ra cho cây sả ban đầu cũng vất vả và gian nan hơn trong tưởng tượng”. Anh “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” tại các điểm đầu mối với mong muốn tìm “đầu ra” cho cây sả.
 
Thời gian đầu ai cũng bảo việc kinh doanh này đồng nghĩa với “ném tiền qua cửa sổ”. Gia đình, người thân không ai tin rằng một loại cây trồng “ngoài bờ ngoài bụi” lại có thể có thương hiệu và “đi xa”.
 
“Tôi đi các chợ nhỏ quanh khu vực bỏ mối. Sau đó thì tiếp cận được với các mối chuyên sỉ rau củ quả ở các chợ lớn, vậy là công việc làm ăn của tôi dần ổn định. Mỗi ngày các đầu mối này sẽ chủ động liên hệ qua điện thoại dặn số lượng họ cần và giờ lấy. Tiếp đó từ bạn bè tôi có cơ duyên được làm đơn vị gia công để xuất khẩu cây sả”- anh bộc bạch. Đối với sả đi xuất khẩu thì phải đáp ứng được các tiêu chí hết sức khắt khe về kích cỡ, vệ sinh, đóng gói, bao bì.
 
Sau quá trình nỗ lực không ngừng cùng niềm tin thành công, giờ đây trung bình mỗi ngày cơ sở của Hoài An cung cấp ra thị trường trong nước từ 1,5-2 tấn sả cây và liên kết một số công ty để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Malaysia, châu Âu.
 
“Đối với thị trường trong nước, hiện tại mình đã đáp ứng được cho các chợ miền Tây. Còn về xuất khẩu thì mình đi để có kinh nghiệm. Đến khi vùng trồng ổn định rồi mới dám nhận những đơn hàng lớn”- anh Hoài An cho biết thêm.
 
Việc tiêu thụ cây sả đang tiến triển rất tốt, tuy nhiên, anh Hoài An vẫn tiếc vì loại cây này mới được lấy thân bán, còn lượng lớn lá sả thải bỏ. Tiếc lá sả, anh mạnh dạn nghiên cứu theo hướng sản xuất tinh dầu sả. Kỹ thuật tinh chế dầu sả khá phức tạp.
 
Chưa có kinh nghiệm nên ban đầu sản phẩm tinh dầu sả của anh thất bại, số vốn đầu tư gần 300 triệu đồng cũng sắp cạn kiệt. Nhưng với quyết tâm cao, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, cuối cùng tinh dầu sả của anh Hoài An có mặt trên thị trường và được nhiều người tiêu dùng đón nhận.
 
Sau đại dịch COVID-19, nhất là từ đầu năm 2023 đến nay, nhu cầu về việc làm, tuyển dụng lao động của nhiều công ty gặp khó. Nhưng nhờ vào dự án trồng sả xuất khẩu với số lượng lớn, Hoài An đã giúp đỡ cho gần 100 lao động địa phương có thêm thu nhập với các công việc như: trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế cây sả.
 
Cô Nguyễn Ngọc Xuân (ngụ xã Tân Thành, huyện Bình Tân) cho biết, cô vốn là lao động tự do và đã nhiều lần đi xin việc khắp nơi, song vì đã lớn tuổi nên nhiều doanh nghiệp từ chối. “Cũng may tôi xin vô đây là An nhận tôi làm luôn.
 
Trước thì tôi ra ruộng chặt sả, một ngày được 250.000đ. Hiện tôi chặt và rửa sả, ngày làm nửa buổi, cũng được 120.000đ. Buổi chiều có thể làm công việc nhà, nuôi thêm gà, vịt”- cô Xuân mừng rỡ nói.
 
Công việc ổn định phần nào giúp cô Xuân có thêm nguồn thu nhập trang trải bữa ăn hàng ngày. Cùng hoàn cảnh, chị Trần Ngọc Mai (ngụ xã Tân Thành) cho biết trước đây cũng chật vật xin việc. Các công ty đều “lắc đầu” vì không nhận thêm người. Nhờ được người quen giới thiệu nên chị được vào làm tại cơ sở này.
 
“Công việc của tôi là lựa và bó sả, ngày cũng được hơn 100.000đ. Tụi tui ai cũng quý An vì tính tình hòa đồng, giúp đỡ bà con có việc làm và tạo mọi điều kiện tốt nhất để người lao động làm việc”- chị Mai chia sẻ.
 
Mô hình đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.
Mô hình đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.
Định hướng phát triển trong thời gian tới, anh Hoài An mong muốn xây dựng được vùng trồng ổn định, nâng cao chất lượng tay nghề nhân công lao động để đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu.
 
Đồng thời, phấn đấu xây dựng thêm các điều kiện để mở rộng sản xuất các sản phẩm chế biến từ cây sả, như: sả sấy, sả bào, tinh dầu sả để cây sả đưa hương vươn xa hơn nữa.
Bài, ảnh: NGỌC LIỄU-
NGUYÊN KHÁNH
 
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh