Hiệu quả ứng dụng máy sạ theo khóm

01:01, 09/01/2024

Những năm qua, việc triển khai mô hình ứng dụng máy sạ theo khóm trong sản xuất lúa không chỉ giúp tiết kiệm nhiều chi phí mà còn góp phần tăng năng suất, tăng chất lượng, hiệu quả kinh tế cho nông dân (ND).

 

Ứng dụng máy sạ lúa giúp tiết kiệm được lượng nước tưới, tiết kiệm lượng giống, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Ứng dụng máy sạ lúa giúp tiết kiệm được lượng nước tưới, tiết kiệm lượng giống, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Những năm qua, việc triển khai mô hình ứng dụng máy sạ theo khóm trong sản xuất lúa không chỉ giúp tiết kiệm nhiều chi phí mà còn góp phần tăng năng suất, tăng chất lượng, hiệu quả kinh tế cho nông dân (ND).

Nhiều lợi ích

Theo ngành nông nghiệp, trong sản xuất lúa, khâu gieo cấy quyết định sự phát triển, năng suất của cây lúa và cũng là một trong những khâu tốn nhiều công lao động.

Do đó, ngành nông nghiệp đã xây dựng nhiều mô hình cơ giới đẩy mạnh việc chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ cho ND ứng dụng vào sản xuất lúa, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Theo đó, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp (Sở Nông nghiệp-PTNT) đã triển khai thực hiện dự án khuyến nông “Xây dựng mô hình ứng dụng cơ giới hóa (máy sạ theo khóm) trong sản xuất lúa ở tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2023”.

Cụ thể, trong 3 năm qua, trung tâm đã hỗ trợ hơn 150 hộ ND ở 6 xã: Trung An, Trung Hiệp, Hiếu Thuận (Vũng Liêm), Mỹ Thuận (Bình Tân), Mỹ Lộc, Phú Lộc (Tam Bình) thực hiện 32 điểm mô hình sản xuất với 160ha.

Theo đó, các điểm xây dựng mô hình phù hợp với quy hoạch và định hướng sản xuất lúa của tỉnh. Đồng thời, các địa phương, ND có nhu cầu áp dụng và thực hiện mô hình “Ứng dụng cơ giới hóa (máy sạ theo khóm) trong sản xuất lúa”.

ND thống nhất cao việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật của dự án vào sản xuất lúa. ND cũng có kinh nghiệm sản xuất và tự nguyện tham gia mô hình, cam kết đối ứng vốn cho mô hình phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của dự án, có khả năng thực hiện tốt các nội dung hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật chỉ đạo mô hình.

Đánh giá về hiệu quả của dự án, theo ông Lê Hải Việt- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, lượng giống sử dụng giống xác nhận 50 kg/ha, giảm 100-130 kg/ha so bên ngoài.

Sạ thưa (5 kg/công), sử dụng giống OM18, OM 5451 hạt giống khỏe nên tạo điều kiện thuận lợi ngay từ đầu vụ nên giúp cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh mạnh, không bị đổ ngã. Bên cạnh đó, việc sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh bón lót đã tạo điều kiện cho các loại vi sinh vật có lợi trong đất phát triển, giúp bộ rễ lúa khỏe, tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng và hạn chế sâu bệnh hại.

Vì vậy, lượng phân bón vô cơ (chủ yếu là phân đạm) trong mô hình sử dụng ít hơn so sản xuất bên ngoài. Qua báo cáo các trạm, phân vô cơ, cụ thể là đạm sử dụng ít hơn 21,8 kg N/ha, lân sử dụng ít hơn 29,1 kg P2O5/ha, so mô hình bên ngoài.

Song song đó, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh lúa theo 3 giảm 3 tăng; 1 phải 5 giảm và 1 phần kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI nhằm nâng cao trình độ kỹ thuật canh tác và hiệu quả trong sản xuất lúa góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính, tăng lợi nhuận cho người ND.

Đồng thời, do ND bón phân cân đối trong đó giảm lượng phân đạm nên hạn chế sâu, bệnh. Kết quả qua báo cáo các trạm, sâu bệnh giảm trung bình so với ngoài mô hình từ 2-3 lần/vụ. Năng suất lúa cũng tăng 0,35 tấn/ha so ngoài mô hình.

Cần nhân rộng

Nhiều ND tham gia mô hình cho biết, việc ứng dụng cơ giới (máy sạ khóm) giúp ND giải quyết được tình trạng thiếu lao động trong nông nghiệp vì hiện nay nhân công lao động chủ yếu làm việc trong các khu công nghiệp. Khả năng gieo sạ gấp 4-5 lần so với dụng cụ sạ hàng.

Chú Phạm Minh Trí (xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình) cho biết: “Tham gia mô hình tôi được hướng dẫn một số giải pháp chính trong giảm giống gieo sạ, phương pháp thăm đồng và quản lý sâu bệnh hại theo hướng IPM và sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”. Nhờ đó, áp lực sâu bệnh trên đồng thấp hơn so với ruộng ngoài mô hình gieo sạ dày.

Tôi nhận thấy ứng dụng máy sạ lúa giúp tiết kiệm được lượng nước tưới, tiết kiệm lượng giống, giảm lượng thuốc BVTV, giảm phân bón nhất là phân đạm, góp phần bảo vệ môi trường, làm thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất, từ đó, giúp tăng lợi nhuận, lúa đạt chất lượng tốt hơn”.

Tuy nhiên, theo Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, một số ND còn ngần ngại khi áp dụng mật độ gieo sạ 50 kg/ha do ND đã quen với tập quán sạ dày từ 100-180 kg/ha, do tác hại ốc bươu vàng, chuột,... ảnh hưởng đến năng suất, lợi nhuận.

Diện tích đất manh mún, đất chưa bằng phẳng giữa các ruộng (có hộ đất gò, có hộ đất trũng) làm cho việc điều tiết nước gặp khó trong quá trình gieo sạ bằng máy.

Tiết kiệm lượng giống gieo sạ giúp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân.
Tiết kiệm lượng giống gieo sạ giúp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân.

Khi triển khai kế hoạch đến địa phương, ND rất hào hứng đăng ký tham gia mô hình; đến thời gian khảo sát, thẩm định chọn hộ ND xin rút khỏi danh sách do tác động của gia đình làm cho quá trình khảo sát thẩm định hộ kéo dài. Bên cạnh đó, chi phí gieo sạ bằng máy sạ khóm còn khá cao so với các hình thức gieo sạ khác như sạ lan, sạ hàng nên một số ND còn e ngại…

Do đó, theo ngành nông nghiệp, thời gian tới, cần tiếp tục đầu tư trình diễn cho các địa phương nhằm giúp cho nhiều ND có điều kiện tiếp cận và học hỏi với phương pháp sạ mới. Qua đó, mạnh dạn đầu tư áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Trong 3 năm, dự án đã hỗ trợ trên 8.000kg giống cho ND với giống OM18, OM5451 (ND đối ứng 50%); hỗ trợ gần 26.300kg phân vô cơ, 149.000kg phân hữu cơ vi sinh, 2.340 gói thuốc BVTV; tổ chức 9 cuộc tập huấn với 207 hộ để hướng dẫn ND vùng dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh lúa theo “3 giảm 3 tăng”; “1 phải 5 giảm” và một phần kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI nhằm nâng cao trình độ kỹ thuật canh tác và hiệu quả trong sản xuất lúa góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh