Với mong muốn tạo ra nông sản đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế, anh Nguyễn Lê Bảo Châu đã chọn "vùng đất khó"- bị nhiễm phèn ở ấp An Phước (xã Trung An, huyện Vũng Liêm) xây dựng Nông trại An Phước trồng tắc hữu cơ không hạt xen canh đu đủ và cây dược liệu (sâm bố chính) kết hợp nuôi ong lấy mật, nuôi ếch và cá bằng thức ăn có sẵn trong tự nhiên...
|
Anh Nguyễn Lê Bảo Châu đang từng bước hiện thực hóa “giấc mơ” nông sản hữu cơ của mình. |
Với mong muốn tạo ra nông sản đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế, anh Nguyễn Lê Bảo Châu đã chọn “vùng đất khó”- bị nhiễm phèn ở ấp An Phước (xã Trung An, huyện Vũng Liêm) xây dựng Nông trại An Phước trồng tắc hữu cơ không hạt xen canh đu đủ và cây dược liệu (sâm bố chính) kết hợp nuôi ong lấy mật, nuôi ếch và cá bằng thức ăn có sẵn trong tự nhiên...
Con đường anh đi vẫn còn dài và nhiều khó khăn ở phía trước, nhưng bằng tình yêu với nghề nông, anh Châu đang từng bước hiện thực hóa giấc mơ của mình, góp phần cùng địa phương thực hiện tiêu chí môi trường, thu nhập, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn... trong xây dựng NTM nâng cao.
“Người làm công cho đất”
Tự nhận mình là “người làm công cho đất”, anh Châu cho rằng: Chỉ có làm cho đất tốt lên thì “những đứa con trên đất”- cây trồng sẽ khỏe mạnh. Theo đó, muốn làm nông nghiệp tốt thì bắt đầu từ đất và canh tác hữu cơ chính là bảo vệ đất luôn khỏe mạnh. Mỗi cây trồng đều nhờ vào đất, đất khỏe mạnh thì cho sản phẩm đẹp hơn, chất lượng hơn và mang lại giá trị kinh tế cao hơn...
Quê ở Tiền Giang, gia đình ở TP Hồ Chí Minh, anh đến với Vĩnh Long khi hỗ trợ huyện Tam Bình tiêu thụ cam sành và xây dựng bản đồ số hóa vùng cam. Anh được “trải thảm đỏ” mời về làm nông nghiệp hữu cơ và chuyển giao cho người dân tại một địa phương, nhưng anh lại tìm về xã Trung An (Vũng Liêm) do vùng đất này chủ yếu trồng dừa và lúa, ảnh hưởng tác động môi trường về hóa học không nhiều.
Theo anh Châu, nông nghiệp cần nước, mà nguồn nước của Trung An không bị nhiễm mặn, hệ thống thủy lợi được đầu tư khá ổn. Tuy đất bị nhiễm phèn nhưng “cây tắc cũng chịu được phèn”. Song, chính suy nghĩ này mà anh đã “tốn vài trăm triệu đồng cho việc xả phèn”- anh Châu kể và cho biết: Anh trồng tắc hữu cơ không hạt xen cây đu đủ với mục tiêu “lấy ngắn nuôi dài”. Tuy nhiên, qua thời gian cây đu đủ bị nhiễm bệnh do ảnh hưởng mưa nhiều, anh phải “cắn răng chịu đựng” chặt bỏ 200 cây đu đủ đang cho trái.
Bắt tay làm nông nghiệp hữu cơ, anh Châu biết trước là gian truân, nhưng “càng khó anh lại càng muốn làm và quyết tâm làm” và để nuôi dưỡng ước mơ của mình thì “có quá nhiều việc để làm”- anh Châu tâm sự. Theo đó, để xây dựng một mô hình nông nghiệp hữu cơ đạt chuẩn, thì cần phải đầu tư, chăm sóc dài hơi, bền bỉ để phục hồi cả một vùng đất và thay đổi thói quen canh tác.
Đầu tư cho một nông trại hữu cơ không tốn quá nhiều tiền, nhưng tốn công nhiều hơn và chăm sóc khó hơn so với sản xuất thông thường, nhưng hơn bao giờ hết, anh Châu luôn tin tưởng “hướng đi của mình là đúng” và mong rằng “mình sẽ thành công để người khác
làm theo”.
Đặt tên và giá cho tắc hữu cơ không hạt
Anh Châu cho biết giống tắc không hạt xuất phát từ Cà Mau, là một dạng tắc đột biến gien, được một công ty ở Bến Tre đem về nhân giống và bán với giá khá cao. Để giải quyết vấn đề về cây giống, anh tự làm vườn ươm và nhân giống. Đến nay, anh đã xuống giống được 3ha, dự kiến qua Tết Nguyên đán sẽ phủ tiếp 3ha. Theo kế hoạch, anh sẽ mở rộng diện tích lên 10ha để xây dựng mã số vùng trồng.
“Khi bắt tay đầu tư vùng trồng cho một loại cây trồng mới, thì phải tính toán khả năng tiêu thụ của nó”- anh Châu nói và cho biết: Lý do anh chọn cây tắc hữu cơ không hạt là ở Việt Nam chưa có ai trồng.
Từ chuyện đau đáu về đầu ra cho nông sản và nhận thấy hiệu quả từ nền nông nghiệp hữu cơ, cùng với mong muốn đem ngoại tệ về cho Việt Nam... anh đã đặt mục tiêu xuất khẩu nông sản hữu cơ và đưa Vĩnh Long trở thành vùng nguyên liệu chính xuất khẩu tắc hữu cơ không hạt.
“Tắc hữu cơ không hạt có nhiều lợi thế hơn so với tắc có hạt và trong các loại cây có múi, thì tinh dầu của tắc là “đỉnh của đỉnh””- anh Châu khẳng định và cho biết thêm: Con ong trong vườn là loại côn trùng lợi cho cây và việc thu hoạch mật ong trong môi trường hữu cơ cũng đem lại giá trị kinh tế. Bên cạnh, còn có thêm nguồn thu từ mương nước.
Minh chứng là nông trại đã có vài con tôm càng nặng cả trăm gram, có cá chốt, cá lóc, cá trê, ếch... được nuôi theo kiểu tự nhiên, có bèo và tảo... Bên cạnh, anh còn nuôi ruồi lính đen, lấy nhộng trộn với rau củ quả và lấy phân chuồng ếch tạo nguồn thức ăn cho cá, tạo nên chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn.
Anh Châu tính nhẩm, trồng tắc hữu cơ không hạt có thể thu hoạch được 20 năm. Sau đó, có thể bứng vô chậu làm kiểng bán. Khi nông trại được đầu tư hoàn chỉnh, sẽ trở thành vườn sinh thái rất đẹp có thể đón khách tham quan. Đồng thời, xây dựng hội quán, liên kết tham quan mô hình nhân cây giống, lấy mật ong, kéo cá, làm nông... hoặc tổ chức các khóa học ngoại khóa.
Từ đây, anh Châu có thể bán sản phẩm mà mình tự hào và người dân xã Trung An cũng sẽ tự hào rằng mình là những người đầu tiên làm mô hình nông nghiệp hữu cơ ở địa phương. Anh Châu ấp ủ dự định mình sẽ là người đặt tên cho cây tắc hữu cơ không hạt và đặt giá cho nó.
Đồng thời, bán hàng trong thế giới số hóa. Anh mong muốn: Sắp tới người ta biết tới Vĩnh Long từ cây tắc hữu cơ không hạt và sản phẩm mình làm được xướng tên trong chuỗi hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Theo ông Hà Văn Thái- Chủ tịch UBND xã Trung An, vùng đất ở ấp An Hậu và một phần ấp An Phước (xã Trung An) bị nhiễm phèn chua và cần phải xả phèn khi trồng loại cây ăn trái ngoài dừa và khóm. Địa phương tán đồng việc làm của anh Châu vì rất thực tế, sâu sát với địa bàn và thổ nhưỡng...
Khi xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ sẽ tạo ra nông sản an toàn, chất lượng cho người sản xuất và tiêu dùng, góp phần cùng địa phương giải quyết việc làm, tăng thu nhập và quảng bá hình ảnh quê hương Trung An. Dự kiến sắp tới, khi mô hình của anh Châu hoàn thiện sẽ thành lập hội quán, gắn sản xuất với phát triển du lịch, tạo điều kiện hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho những hộ xung quanh.
Ông Hà Văn Thái- Chủ tịch UBND xã Trung An
Sau khi về đích NTM, xã tập trung nâng chất các tiêu chí “mềm” theo chuẩn xã NTM nâng cao. Đối với các tiêu chí “cứng”, khi được tỉnh, huyện đầu tư sẽ đảm bảo cho xã về đích theo lộ trình.
Hiện, tuyến đường kinh Hai Rùa (đường vào Nông trại An Phước) rất khó đi. Sắp tới, sẽ được đầu tư, nâng cấp tạo thuận lợi cho việc đi lại, buôn bán nông sản, thúc đẩy phát triển du lịch.
|
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI