Đề phòng mưa trái mùa

02:01, 10/01/2024

Ở Nam Bộ, mưa trong mùa khô được gọi là mưa trái mùa. Bên cạnh mặt tích cực là đem lại nguồn nước tưới có ý nghĩa đối với cây trồng, vật nuôi và nước sinh hoạt cho hộ dân ở vùng khan hiếm nước ngọt trong những ngày khô hạn, mưa trái mùa còn gây tác hại đối với cây trồng, nhất là rau màu, hoa kiểng trồng phục vụ Tết Nguyên đán.

Sử dụng nhà lưới, mái che sẽ giúp làm giảm tối đa tác động của mưa trái mùa gây hư hỏng rau màu.
Sử dụng nhà lưới, mái che sẽ giúp làm giảm tối đa tác động của mưa trái mùa gây hư hỏng rau màu.

Ở Nam Bộ, mưa trong mùa khô được gọi là mưa trái mùa. Bên cạnh mặt tích cực là đem lại nguồn nước tưới có ý nghĩa đối với cây trồng, vật nuôi và nước sinh hoạt cho hộ dân ở vùng khan hiếm nước ngọt trong những ngày khô hạn, mưa trái mùa còn gây tác hại đối với cây trồng, nhất là rau màu, hoa kiểng trồng phục vụ Tết Nguyên đán.

Tác hại của mưa trái mùa
 
Theo các chuyên gia khí tượng, mưa trái mùa xảy ra là do nền nhiệt cao, trong lều khí tượng là 35 độ C ngoài thực tế còn cao hơn, kết hợp với rãnh áp thấp xích đạo ở phía Nam mang theo hơi ẩm vào gây mưa. Mưa trái mùa xuất hiện nhiều ở các vùng ven biển, kèm theo sét.
 
Những năm có ảnh hưởng của hiện tượng La Nina (pha lạnh) như năm 2022, mưa trái mùa xuất hiện nhiều hơn các năm không có hiện tượng này hoặc năm có hiện tượng El Nino (pha nóng) như năm 2016, 2020. Mưa trái mùa về cơ bản là lượng mưa không lớn và thời gian không kéo dài.
 
Điều này không những ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe con người, nhưng tác hại đáng kể là đối với cây trồng, vì do thời tiết khô ráo, nông dân chủ quan, ít đề phòng mưa, nên khi có mưa kèm theo gió mạnh xảy ra là làm hư hỏng rất nhiều hoa màu, cây ăn trái, nhất là rau màu, hoa kiểng trồng phục vụ Tết Nguyên đán.
 
Đối với cây ăn trái, mưa trái mùa ít nhiều gây ảnh hưởng, nhất là làm giảm tỷ lệ đậu trái những cây đang ra hoa, làm rụng trái, gây nứt trái non. Ngoài ra, mưa trái mùa còn tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển, gây hại mùa màng, cây trái.
 
Đối với lúa, rau màu, mưa trái mùa làm cho lúa Đông Xuân đang chín bị đổ ngã, ngập úng, giảm năng suất thu hoạch. Mưa kéo dài làm ảnh hưởng nhiều nhất là hoa kiểng Tết, bởi thời điểm này hoa đã bung nụ, gặp nước mưa rất dễ bị giập, hư, thối bông, sau đó sâu bệnh dễ tấn công.
 
Mưa kéo dài cũng gây thiệt hại cho dưa hấu, ớt, rau màu phục vụ thị trường Tết. Dưa hấu sẽ dễ bị nứt trái, ớt bị hư, rau dễ bị thối lá… Nhiều người trồng lúa, hoa màu ở ĐBSCL (trong đó có tỉnh Vĩnh Long) bị “chết đứng” với cơn mưa trái mùa như trút nước trước, ngay và sau Tết.
 
Giải pháp giảm thiệt hại cho cây trồng khi bị mưa trái mùa
 
Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu làm thời tiết thay đổi thất thường, không theo quy luật “hai mùa mưa nắng” như bao lâu nay. Do đó, cách tốt nhất là phòng, tránh để giảm thiểu thiệt hại, như thay đổi nhận thức theo hướng đề phòng, sẵn sàng ứng phó tình huống thất thường của thời tiết, của mưa trái mùa.
 
Đối với lúa vụ Đông Xuân, nông dân nên chọn giống lúa cứng cây, có khả năng chống chịu đổ ngã, chịu ngập tốt; đồng thời bố trí máy bơm chống úng cho ruộng.
 
Đối với cây ăn trái, nhà vườn trong tỉnh cần kiểm tra kỹ tình trạng cây trong vườn, nếu nhận thấy cây đã ra hoa, đậu trái non bị rụng nhiều thì tránh phun thuốc vì không hiệu quả; cần theo dõi dự báo thời tiết và đợt ra hoa tiếp theo để tăng cường bón phân lân, kali, hữu cơ và phòng bệnh khi có hoa. Nếu cây đang nhú hoa, hoặc chuẩn bị ra hoa muộn, thì phun thuốc trừ bệnh bọ trĩ, nhện hại để bảo vệ hoa, bổ sung vi lượng (Bo) nhằm tăng khả năng đậu trái.
 
Bên cạnh, cần quan sát về đất vườn để thực hiện các biện pháp giúp thông thoáng gốc, tạo khô ráo nhanh; đồng thời sử dụng chất điều hòa sinh trưởng hợp lý cho từng loại cây trồng. Đối với rau màu, hoa kiểng thì cần đảm bảo thoát nước tốt cho khu trồng và sử dụng những kỹ thuật hỗ trợ.
 
Theo các chuyên gia và nhiều bà con có kinh nghiệm trồng rau màu lâu năm, điều kiện tiên quyết để rau màu, hoa kiểng tránh ngập úng do mưa là nơi trồng phải thoát nước tốt. Đối với ruộng thấp, trước hết phải lên luống, lên liếp cao ráo, có mương thoát nước tốt; khu trồng cần củng cố bờ bao vững chắc và có bố trí máy bơm thoát nước vào những ngày mưa lớn hoặc triều cường. 
 
Sử dụng màng phủ nông nghiệp là biện pháp kỹ thuật hỗ trợ tích cực, giúp người làm rẫy tránh mưa trái mùa.
 
Vật liệu này giúp liếp không bị mưa gây xói mòn, cuốn trôi đất, phân bón, rau màu không bị hư hỏng, mà còn tạo môi trường cho cây sống khỏe mạnh, hạn chế sâu bệnh, cỏ dại và các sinh vật trong đất gây hại đến rau màu; đồng thời giúp tăng năng suất cao hơn phương pháp truyền thống (phủ rơm hoặc không phủ), nhất là đối với những vùng đất giồng cát, đất bở rời. 
 
Đối với hộ, đơn vị sản xuất có điều kiện thì hãy sử dụng nhà lưới, mái che hoặc trồng rau màu trong nhà lưới, sẽ giúp làm giảm tối đa tác động của mưa lớn, gió mạnh gây hư hỏng rau màu.
Trồng hoa, kiểng cho thị trường Tết cần đề phòng mưa trái mùa gây hại.
Trồng hoa, kiểng cho thị trường Tết cần đề phòng mưa trái mùa gây hại.
Đối với hoa, kiểng, khi bị mưa trái mùa thì việc chăm sóc, khôi phục hoa kiểng, rau màu Tết là rất khó. Các chuyên gia khuyến cáo: Ngay sau khi dứt mưa, nông dân nên phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, tăng cường bổ sung sức đề kháng cho hoa, kiểng bằng cách bón thêm canxi, kali, trung vi lượng để cứng cây, hạn chế thiệt hại. 
 
Ngoài ra, cần áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) tạo điều kiện cho cây trồng phát triển khỏe, chống chịu tốt với điều kiện bất lợi của thời tiết, môi trường và sâu bệnh cao. Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, trồng cây đúng mật độ, khoảng cách nhằm tạo độ thông thoáng, giảm độ ẩm, hạn chế mầm bệnh phát sinh, phát triển. 
Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH 
 
 
 
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh