Cơ hội rộng mở từ thị trường 1,4 tỷ dân

03:01, 05/01/2024

Những ngày cuối năm 2023, Bộ Nông nghiệp-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với trái dưa hấu tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Cơ hội ngày càng rộng mở cho rau quả Việt Nam ở thị trường xuất khẩu lớn nhất này.

Những ngày cuối năm 2023, Bộ Nông nghiệp-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với trái dưa hấu tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Cơ hội ngày càng rộng mở cho rau quả Việt Nam ở thị trường xuất khẩu lớn nhất này.

Theo Bộ Nông nghiệp-PTNT, thị trường Trung Quốc dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu nông sản Việt Nam năm 2023, với con số 12,2 tỷ USD, chiếm 23%. Về mặt hàng rau quả, 2023 là năm chứng kiến quá trình “đổi ngôi” trong ngành rau quả. Vượt qua thanh long, sầu riêng đã trở thành mặt hàng có doanh số xuất khẩu cao nhất, ước khoảng 2,2-2,3 tỷ USD, gấp 5 lần năm 2022 và gấp 10 lần năm 2021.

Với nhu cầu khổng lồ từ thị trường 1,4 tỷ dân, các doanh nghiệp cho rằng, ngành sầu riêng của Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tại Trung Quốc, thị phần có thể ở mức 40% trong vòng 5 năm tới. Tại Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam nhận được phản hồi khá tích cực từ phía các đối tác.

Trong khi đó, hiện các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp-PTNT đang phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) gấp rút hoàn thiện hồ sơ mở cửa thị trường đối với 6 sản phẩm là trái cây có múi (bưởi, cam, quýt…), dừa, sầu riêng cấp đông, ớt, dược liệu và thủy sản đánh bắt tự nhiên. Khi 6 mặt hàng này được xuất khẩu chính ngạch, sẽ tạo dư địa tăng trưởng doanh thu hàng tỷ USD cho ngành nông nghiệp.

Dù Trung Quốc đã và sắp ký thêm nghị định thư cho nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam, nhưng thách thức đặt ra cho doanh nghiệp, nông dân trong nước là phải tuân thủ về mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, đáp ứng toàn bộ hàng rào kỹ thuật…

Chỉ một trong những tiêu chuẩn này chưa đạt, hàng hóa sẽ không được thông quan, khi đó sẽ là điểm trừ cho hàng Việt Nam. Để giữ uy tín, thị trường cho trái cây xuất khẩu Việt Nam, Bộ Nông nghiệp-PTNT cho biết đã chỉ đạo các cục chuyên ngành trong việc giám sát mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đều phải đáp ứng được các yêu cầu về kiểm dịch thực vật cũng như an toàn thực phẩm quy định trong các nghị định thư.

Khơi thông và giữ thị trường sẽ giúp nông sản Việt Nam nói chung, rau quả và trái cây Việt Nam nói riêng có chỗ đứng vững chắc tại thị trường tỷ dân này.

LÝ AN

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh