Bảo vệ cây trồng mùa khô, hạn

03:01, 16/01/2024

Mùa khô thường kéo dài gần 6 tháng và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như gia tăng sự suy thoái của cây trồng. Do đó, việc chăm sóc cây trồng vào mùa khô, hạn là rất quan trọng để đảm bảo cho cây trồng phát triển và sinh trưởng tốt.

 

Mùa khô thường kéo dài gần 6 tháng và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như gia tăng sự suy thoái của cây trồng. Do đó, việc chăm sóc cây trồng vào mùa khô, hạn là rất quan trọng để đảm bảo cho cây trồng phát triển và sinh trưởng tốt.

Theo ngành chức năng, năm 2024 sẽ là năm hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tăng cao do tác động của El Nino, đồng thời, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, bất thường, khó lường và có chiều hướng cực đoan hơn.

Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra, tại nhiều địa phương, nông dân đã có các bước chuẩn bị và biện pháp chăm sóc vườn cây ăn trái hiệu quả, hợp lý để đảm bảo sự phát triển của cây trồng.

Có 4 công trồng mít, chú Phạm Minh Thái (TT Cái Nhum, huyện Mang Thít) cho biết: “Những năm gần đây, thời tiết ngày càng thất thường nên tôi phải thực hiện nhiều biện pháp để tránh thiệt hại.

Trong đó, mùa khô, hạn thường xảy ra tình trạng thiếu nước trầm trọng, cây trồng thiếu nước sẽ phát triển kém, héo úa và có thể chết khô. Do đó, tôi chủ động sử dụng tối đa các nguồn vật liệu hữu cơ như rơm rạ, cỏ khô, lá cây khô, lục bình… để giữ ẩm cho cây, cắt tỉa cành, tạo tán gọn để hạn chế bốc thoát hơi nước”.

Xã Thanh Bình (huyện Vũng Liêm) là một trong những vùng trồng sầu riêng lớn nhất tỉnh, thời gian qua, nước mặn nồng độ vượt ngưỡng an toàn đối với loại cây này đã xâm nhập đến địa phương.

Do đó, các nhà vườn ở đây luôn chủ động các biện pháp ứng phó, luôn đo độ mặn trước mỗi lần lấy nước, không tưới nước khi có độ mặn hơn 0,5‰ cho cây. Đồng thời, phải đảm bảo đủ lượng nước cung cấp cho cây trong suốt mùa.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, cho biết: Trong mùa khô năm nay nguy cơ xâm nhập mặn có thể xảy ra ở những vùng có bán kính từ 60- 70km từ bờ biển. Vì vậy, cần phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp nhằm chăm sóc, bảo vệ tốt nhất cho vườn cây.

Phải kiểm tra nồng độ mặn trước khi lấy nước vào vườn và trước khi tưới cho cây. Tuyệt đối không lấy nước khi độ mặn cao hơn 1‰. Đặc biệt, đối với một số loại cây nhạy cảm với nước mặn như sầu riêng, chôm chôm, mít, nhãn, bưởi,... thì không nên tưới nước có độ mặn cao hơn 0,5‰. Nếu vườn cây bị khô hạn, hoặc nhiễm mặn, cần chú ý bón bổ sung phân kali và vôi bột.

Khi quá trình hạn, mặn kéo dài, cần phun thêm phân bón lá và các chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn. Ngoài ra, nhà vườn cũng có thể bón phân trung và vi lượng có chứa canxi, magie, silic để vừa tăng khả năng chống chịu của cây, vừa giúp tăng độ ngọt, chống nứt thân, nứt trái…

Nếu có xảy ra các cơn mưa trái mùa có thể gây hiện tượng sốc nước làm cho trái dễ bị nứt, rụng trái và khiến cây đâm chồi ngoài ý muốn nên nhà vườn chủ động theo dõi thời tiết để che chắn và cắt giảm lượng nước tưới tiêu phù hợp. Ngoài ra, khi nắng nóng, nhà vườn cũng cần chú ý bón phân cho cây.

Các loại cây ăn trái trong thời gian này rất cần được cung cấp một nguồn dinh dưỡng cân đối, nhất là cần bón phân kali và tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ, các chế phẩm sinh học để phòng sâu, bệnh và các loại nấm, vi khuẩn gây hại cho cây…

Theo Cục Trồng trọt, năm 2014 El Nino xuất hiện và vụ Đông Xuân năm 2015-2016 xảy ra hạn kỷ lục. Với hiện tượng El Nino, dự báo kéo dài trong 2 năm nên vụ Đông Xuân 2024-2025 có thể sẽ có một đợt hạn dài ở ĐBSCL và các khu vực khác.

Do vậy, cần phải đánh giá khu vực nào chịu ảnh hưởng nặng nhất, khả năng cấp nước sản xuất. Phải xác định các vùng trọng điểm bị hạn là những vùng bị hạn năm 2015- 2016, có dự báo nguồn nước từ nay đến 2025, thậm chí 2026 để chủ động các giải pháp ngay từ bây giờ.

Nông dân cần dùng nhiều biện pháp bảo vệ cây trồng mùa hạn, mặn.
Nông dân cần dùng nhiều biện pháp bảo vệ cây trồng mùa hạn, mặn.

Để hạn chế thiệt hại cho hạn hán, xâm nhập mặn gây ra trong sản xuất, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo các địa phương cần bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với khả năng nguồn nước, những diện tích có nguy cơ nguồn nước không đủ cung cấp cho cả vụ cần phải điều chỉnh lịch xuống giống để tránh thời điểm hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt trùng thời gian sinh trưởng nhạy cảm của cây trồng.

Đồng thời, tăng cường chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng từ lúa sang cây trồng cần ít nước tưới hơn và phù hợp với nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; bố trí vùng sản xuất có cây trồng cùng khả năng chịu hạn, mặn và nhu cầu dùng nước để thuận tiện cho việc phân phối, điều tiết nước.

Song song đó, cần tăng cường tổ chức thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, ưu tiên đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn trái, cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh