Sản xuất bánh kẹo Tết... "vừa làm vừa lo"

07:12, 29/12/2023

Thời điểm này thị trường bánh kẹo cũng dần nhộn nhịp hơn. Tuy nhiên, vì người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, giá một số nguyên vật liệu đầu vào tăng nên không ít doanh nghiệp chỉ sản xuất với số lượng hạn chế, thấp thỏm "vừa làm vừa lo".

 

 

 Thời điểm này, các doanh nghiệp đã tăng tốc sản xuất bánh kẹo phục vụ thị trường Tết.
Thời điểm này, các doanh nghiệp đã tăng tốc sản xuất bánh kẹo phục vụ thị trường Tết.

Thời điểm này thị trường bánh kẹo cũng dần nhộn nhịp hơn. Tuy nhiên, vì người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, giá một số nguyên vật liệu đầu vào tăng nên không ít doanh nghiệp chỉ sản xuất với số lượng hạn chế, thấp thỏm “vừa làm vừa lo”.

Khi tình hình kinh tế được nhận định còn nhiều khó khăn, nhu cầu và thói quen mua sắm Tết của người tiêu dùng dần thay đổi khiến các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo địa phương chưa dám sản xuất nhiều, chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng của khách quen và cầm chừng chờ Tết.

Nhiều cơ sở sản xuất bánh kẹo Tết với tâm lý dè chừng, chờ thị trường giờ chót.
Nhiều cơ sở sản xuất bánh kẹo Tết với tâm lý dè chừng, chờ thị trường giờ chót.

Thời điểm này, Cơ sở sản xuất bánh cốm gạo Hoàng Trang của chị Trần Thanh Trang (xã Hiếu Phụng, huyện Vũng Liêm) sản xuất theo hình thức “đơn hàng đến đâu thì nhập hàng và sản xuất đến đó. Bánh cốm gạo vốn là mặt hàng truyền thống, dễ ăn nên thị trường tiêu thụ khá ổn định, không riêng ngày Tết.

Dù vậy thì cao điểm sản xuất Tết vẫn từ lối đầu tháng Chạp đến qua 25 Tết. Nhưng nếu so sánh với thị trường Tết năm ngoái thì thời điểm này năm nay sức mua lại chậm hơn. Mối quen vẫn liên hệ đặt sớm nhưng số lượng chưa bằng 50% so với năm ngoái, dù giá bán hiện không đổi. Bây giờ chưa thấy Tết… nên phải đợi khoảng nửa tháng nữa coi sao”- chị Trang cho hay.

Riêng mặt hàng mứt, theo chị Huỳnh Thị Thúy- chủ hộ kinh doanh mứt tắc, vỏ bưởi sấy Ngọc Nguyên (xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn): “Vẫn vừa làm vừa lo vì… thị trường chưa “sung” như mọi năm.

Nếu tầm giữa tháng 10 âl năm trước tôi đã sản xuất gần trăm ký mứt bán lai rai đến Tết, thì năm nay sức mua lại chậm hơn nhiều.

Thêm phần mứt vốn là thực phẩm ngắn ngày nên dù có sốt ruột tôi cũng không dám làm trước vì chưa dự đoán được sức mua. Giá nguyên vật liệu đầu vào năm nay có tăng khoảng 15-20%, đặc biệt là giá đường cát và bao bì nên tôi càng thận trọng hơn trong việc nhập hàng và cố gắng giữ giá bán như cũ để giữ khách. Chỉ mong gần đến Tết thị trường sẽ khởi sắc hơn”.

Cũng sản xuất cầm chừng, anh Nguyễn Thanh Khiển- chủ Cơ sở sản xuất bánh Cao Đại Dương (phường Trường An, TP Vĩnh Long) cho biết: “Hiện đơn hàng chỉ bằng một nửa so với mọi năm, mỗi ngày cơ sở chỉ sản xuất trên dưới 4.000 bánh ngọt các loại cho các đơn vị phân phối quen, trong khi mọi năm vào thời điểm này ngày cao điểm có thể sản xuất hơn 10.000 cái.

Năm nay nhiều nhà phân phối ngưng đặt hàng Tết hoặc có đặt thì số lượng cũng giảm nhiều. Trước tình trạng sức mua chậm như thế này, có đơn hàng đến đâu thì tôi làm đến đó”.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp đã cố gắng đa dạng mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp đã cố gắng đa dạng mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Chuyên sản xuất và kinh doanh mặt hàng trái cây, rau củ quả sấy khô từ khoai lang Bình Tân, khoai môn, mít và chuối, Công ty TNHH Đông Phát Food (xã Tân Bình, huyện Bình Tân) đang tăng tốc sản xuất cho những đơn hàng trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc, châu Âu.

Chị Nguyễn Thị Mai- Giám đốc Công ty TNHH Đông Phát Food, cho biết: Mặc dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, người tiêu dùng trong nước có xu hướng thắt chặt chi tiêu nhưng công ty đã chủ động làm việc với các hệ thống phân phối từ rất sớm để có thể duy trì được sản lượng tương đương 50 tấn/tháng đối với sản phẩm chế biến từ khoai, chuối và 100 tấn/tháng đối với mít.

“Tuy sức mua cuối năm được dự báo sẽ khá thấp và gây ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất, nhưng công ty sẽ tập trung cải tiến mẫu mã để thu hút người tiêu dùng, tăng cường tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để mở rộng thị trường tiêu thụ, đồng thời vừa sản xuất vừa theo dõi diễn biến thị trường, cũng như chủ động trữ hàng từ sớm để tránh tình trạng đứt gãy nguyên liệu”- chị Mai thông tin thêm.

Còn hơn tháng nữa là đến Tết Giáp Thìn 2024 nên việc sản xuất, đảm bảo nguồn hàng vẫn được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cực kỳ quan tâm. Mặc dù sản lượng sản xuất bánh kẹo tại thời điểm này vẫn còn hạn chế, nhưng các đơn vị vẫn kỳ vọng sức mua sẽ “ấm” dần lên khi cận Tết.

Bài, ảnh: THẢO TIÊN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh