Kỳ cuối: Giải pháp đột phá cho quy hoạch vùng trồng

07:12, 03/12/2023

Để hướng tới nền nông nghiệp số hoàn chỉnh, hiện đại, bền vững, ngành nông nghiệp đã xác định cấp mã số vùng trồng (MSVT), mã số cơ sở đóng gói (CSĐG) là một trong những giải pháp quan trọng và việc cấp, quản lý MSVT cần phải được ưu tiên trong hàng loạt giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản.

Sắp tới, việc cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sẽ tiếp tục tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu quản lý, nâng cao chất lượng nông sản.
Sắp tới, việc cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sẽ tiếp tục tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu quản lý, nâng cao chất lượng nông sản.
Để hướng tới nền nông nghiệp số hoàn chỉnh, hiện đại, bền vững, ngành nông nghiệp đã xác định cấp mã số vùng trồng (MSVT), mã số cơ sở đóng gói (CSĐG) là một trong những giải pháp quan trọng và việc cấp, quản lý MSVT cần phải được ưu tiên trong hàng loạt giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, để MSVT thực sự phát huy hiệu quả cần sự nỗ lực của nhiều phía, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. 
 
Đảm bảo uy tín, chất lượng nông sản 
 
Khẳng định “tỉnh Vĩnh Long luôn xác định quy hoạch vùng trồng là nhiệm vụ quan trọng, vì vừa đảm bảo mục tiêu xây dựng vùng hàng hóa tập trung, vừa giúp cho công tác đầu tư đúng mục tiêu, tránh dàn trải”- ông Lữ Quang Ngời- Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Hiện tỉnh đã xây dựng kế hoạch sản xuất cây trồng chủ lực, tiềm năng để định hướng phát triển và tổ chức sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt; dự kiến đến năm 2030, diện tích đạt 169.500ha, sản lượng khoảng 2,6 triệu tấn/năm.
 
Các hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh thông qua tập huấn các chương trình, xây dựng các mô hình, dự án, kỹ thuật canh tác, phòng chống dịch hại, triển khai sản xuất ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới… Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho nông dân.
 
Công tác triển khai, tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật liên quan đến việc cấp MSVT, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, các tiêu chuẩn chất lượng được tỉnh triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả; thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát, quản lý vùng trồng. “Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các cơ quan liên quan và người dân về việc cấp, quản lý MSVT”- Chủ tịch UBND tỉnh cho hay. 
 
Để việc thiết lập và quản lý MSVT, mã số CSĐG phục vụ xuất khẩu thật sự hiệu quả, ông Huỳnh Phú Lộc- Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp 620 (xã Tân Thành, huyện Bình Tân) đề xuất: “Nhà nước cần có giải pháp giúp đầu ra ổn định hơn, đồng thời tăng cường quản lý MSVT; khâu thu mua, xuất khẩu đảm bảo uy tín, chất lượng khoai lang; có chính sách về giá bán hợp lý nhằm khuyến khích trồng theo chuẩn, có MSVT”. 
 
Ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Vũng Liêm, kiến nghị: UBND tỉnh cần có chính sách khuyến khích ưu đãi cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện tham gia vào việc xây dựng MSVT, mã số CSĐG tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được bền vững. Song song đó, Trung ương, Bộ Nông nghiệp-PTNT cần đàm phán để tìm đầu ra ổn định cho nông sản.
 
Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, nông dân cần quan tâm giám sát dư lượng thuốc BVTV đáp ứng các quy định kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm; áp dụng các biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp, duy trì chất lượng của vùng trồng đã được cấp mã số.
 
Đặc biệt có biện pháp chủ động bảo vệ MSVT, kịp thời thông báo cho cơ quan quản lý khi có thay đổi thông tin liên quan đến vùng trồng hay khi phát hiện vi phạm liên quan đến sử dụng mã số để có biện pháp xử lý kịp thời.
 
Song song đó, “cần rà soát và định hướng phát triển các vùng trồng khoai lang tím Nhật xuất khẩu phải đảm bảo tập trung, ổn định, lâu dài, có khả năng đáp ứng yêu cầu nước nhập khẩu (tối thiểu 10 ha/mã số); duy trì chất lượng của vùng trồng đã được cấp mã số; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để quản lý vùng trồng trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia do Bộ Nông nghiệp-PTNT xây dựng”- ông Nguyễn Văn Liêm đề xuất.
 
Quy hoạch đồng bộ, hiệu quả
 
Trước những rào cản, thách thức đặt ra trong việc xây dựng MSVT, để đẩy mạnh cấp và quản lý MSVT, mã số CSĐG nông sản phục vụ xuất khẩu, bà Đặng Thị Bé Sáu- Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn, cho biết: Sẽ rà soát các loại cây chủ lực của từng xã để có kế hoạch triển khai thiết lập MSVT, nhất là đối với các sản phẩm xuất khẩu. Song song đó, xúc tiến thương mại, tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, nhất là cam sành và các nông sản tiềm năng của huyện.
 
Nhận định việc phát triển cây trồng cần theo định hướng thị trường, của các cơ quan quản lý, ông Lê Ngọc Đức- Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Bình, cho rằng: Sẽ tập trung tổ chức lại sản xuất, xây dựng MSVT, liên kết sản xuất, xuất khẩu chính ngạch nông sản.
 
Đồng thời, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc xây dựng MSVT định hướng rõ các vùng lợi thế, vùng phù hợp đối với các cây trồng; hỗ trợ giới thiệu, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng MSVT, mã số CSĐG liên kết với nông dân, HTX, tổ hợp tác xây dựng vùng trồng cây ăn trái  tập trung. 
 
Ông Nguyễn Minh Dũng- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, khẳng định việc xây dựng MSVT là một lợi thế lớn khi đưa sản phẩm xuất sang thị trường quốc tế. Khi xây dựng MSVT sẽ giúp nông dân sản xuất theo quy trình, quản lý được dịch hại, thuốc BVTV...
 
Chính vì vậy, ngay từ bây giờ phải tuyên truyền các quy định liên quan đến MSVT để các tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức, nâng cao văn hóa sản xuất- kinh doanh. Bên cạnh, cần xác định nông sản chủ lực và tổ chức sản xuất theo quy trình...
 
Đồng thời, thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn để duy trì MSVT đã được cấp, phòng ngừa gian lận, hạn chế MSVT bị thu hồi, phát triển MSVT mới để phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.
 
Theo Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp trọng tâm. Trong đó, nghiên cứu bổ sung các chỉ tiêu về MSVT, mã số CSĐG vào nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch hành động phát triển kinh tế- xã hội hàng năm; tập trung chỉ đạo phát triển vùng cây trồng theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. 
 
Bên cạnh, huy động nguồn lực hỗ trợ người dân xây dựng MSVT, đóng gói sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, liên kết tiêu thụ nông sản. Nhất là có các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp nhằm khuyến khích, phát triển các vùng trồng và CSĐG theo quy mô sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
 
Song song đó, chỉ đạo ngành chức năng xây dựng kế hoạch tổ chức thiết lập và quản lý MSVT, mã số CSĐG theo đúng hướng dẫn của Trung ương. Đặc biệt chú trọng các quy định, điều kiện sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu; thực hiện các chương trình giám sát dư lượng thuốc BVTV; thực hiện nghiêm công tác quản lý, giám sát vùng trồng, CSĐG đã được cấp mã số. 
 
Đồng thời, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; thực hiện tốt công tác thông tin, dự báo thị trường, các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng nông sản của từng thị trường tiêu thụ; triển khai các giải pháp kết nối mở rộng thị trường và kênh phân phối cho nông sản của tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp, HTX kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, thương mại điện tử; đầu tư kết cấu hạ tầng tại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
 
Ông Bùi Văn Nghiêm- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long, nhận định, việc xây dựng MSVT bước đầu đã thực hiện đạt khá, thời gian tới cần sớm triển khai quy hoạch của tỉnh, tập trung quy hoạch đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, nhất là quy hoạch ngành nông nghiệp đảm bảo tập trung.
 
Bên cạnh, cần rà soát đánh giá lại các sản phẩm có sản lượng đáp ứng yêu cầu để có thể mời gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến; tập trung các giải pháp thành lập HTX, tổ hợp tác gắn với xây dựng MSVT để quản lý tốt và làm đến đâu chắc đến đó, hiệu quả đến đó. Đồng thời, cần làm tốt việc tổ chức sản xuất, tìm hiểu thị trường, căn cứ vào tiêu chí, đơn đặt hàng của đơn vị nhập khẩu để khắc phục tình trạng “trúng mùa, mất giá”. Cùng với đó, phải quy hoạch khép kín vùng trồng, quản lý chặt chẽ MSVT, mã số CSĐG.
Cần hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ và phát triển kinh tế tập thể
Ông Nguyễn Mạnh Hùng- Trưởng Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh: Thời gian tới, cần triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể theo Nghị quyết số 119 của HĐND tỉnh về “Chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực nông nghiệp”; đẩy mạnh tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức về thực hiện MSVT, tầm quan trọng, lợi ích, hiệu quả, yêu cầu của nước nhập khẩu...
Bên cạnh, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng và chế biến nông sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản, ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ, duy trì và phát triển các MSVT đã được cấp, phát triển MSVT mới, phòng ngừa và xử lý các vi phạm về MSVT, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ nông sản...
Ngoài ra, quan tâm bố trí kinh phí sự nghiệp nông nghiệp, quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng MSVT, hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ và phát triển kinh tế tập thể; lồng ghép kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ, kinh phí xây dựng NTM, thực hiện chính sách theo các nghị quyết của HĐND tỉnh...
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- THẢO LY
 
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh