Kỳ 3: Nhiều rào cản, lắm thách thức

04:12, 01/12/2023

Công tác thiết lập và quản lý mã số vùng trồng (MSVT), mã số cơ sở đóng gói (CSĐG) được rất nhiều địa phương, tổ chức, doanh nghiệp quan tâm. Tuy nhiên, việc thực hiện ở một số địa phương còn nhiều rào cản, thách thức. Trong đó, khâu quản lý và việc xử lý vi phạm MSVT, mã số CSĐG tại nhiều địa phương vẫn đang gặp không ít khó khăn, cần sớm khắc phục.
 

Mã số vùng trồng được thiết lập để giám sát vùng trồng nông sản nhằm mục đích xuất khẩu theo quy định của nước nhập khẩu.
Mã số vùng trồng được thiết lập để giám sát vùng trồng nông sản nhằm mục đích xuất khẩu theo quy định của nước nhập khẩu.
Công tác thiết lập và quản lý mã số vùng trồng (MSVT), mã số cơ sở đóng gói (CSĐG) được rất nhiều địa phương, tổ chức, doanh nghiệp quan tâm. Tuy nhiên, việc thực hiện ở một số địa phương còn nhiều rào cản, thách thức. Trong đó, khâu quản lý và việc xử lý vi phạm MSVT, mã số CSĐG tại nhiều địa phương vẫn đang gặp không ít khó khăn, cần sớm khắc phục.
 
Chưa khai thác hết tiềm năng, giá trị xuất khẩu
 
Trên cánh đồng khoai lang tím Nhật thuộc xã Tân Thành- vùng trồng khoai nức tiếng thuộc huyện Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long), ông Huỳnh Phú Lộc- Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp 620, cho biết: Hiện công ty có 15ha trồng khoai lang tím Nhật.
 
Vụ này cây khoai lang cho năng suất cao (khoảng 3,5 tấn/công), nhưng giá xuống thấp (chỉ 340.000 đ/tạ), đầu ra bấp bênh. “Khoai được trồng theo chuẩn VietGAP, có MSVT, chi phí đội thêm khoảng 15-20% nhưng giá bán cũng bằng với khoai trồng không theo chuẩn là chưa hợp lý”- ông Lộc bày tỏ. 
 
Ông Nguyễn Thành Luân- ấp Tân Mỹ (xã Tân Thành) cho hay: Để được cấp MSVT, khi sản xuất phải đảm bảo theo tiêu chuẩn, sử dụng phân thuốc theo danh mục của mã số quy định và phải làm cập nhật thường xuyên các loại hồ sơ, ghi lại nhật ký canh tác... Tức là, phải làm nhiều công việc hơn so với người sản xuất thông thường. Tuy nhiên, khi được cấp MSVT rồi, thì không có gì khác biệt so bên ngoài, tình hình mua bán cũng chẳng khả quan hơn. 
 
Theo ông Luân, sau khi làm MSVT, huyện Bình Tân chỉ xuất khẩu được mấy xe đầu tiên rồi ngưng tới giờ. Thời điểm đó, thị trường ổn định được một thời gian, tuy giá không quá cao nhưng vẫn bán được và có lời. Trên thực tế người trồng khoai có MSVT hay không đều bán cùng mức giá.
 
Dần dần, nhiều nông dân không muốn sản xuất theo quy định nữa vì đã quen canh tác theo lối cũ và tâm lý chung là “nếu cực hơn mà sản phẩm có giá trị hơn thì cũng ráng làm, còn làm MSVT thì vừa tốn công mà chẳng được gì”. 
 
Theo ông Nguyễn Văn Tập- Chủ tịch UBND huyện Bình Tân, năm 2023, tổng diện tích gieo trồng cây màu toàn huyện đạt 17.545ha. Trong đó, khoai lang xuống giống 1.055ha (khoai lang tím 679ha).
 
Đến nay đã cấp 42 MSVT xuất khẩu trên cây khoai lang. Diện tích khoai lang chậm phục hồi do giá cả, thị trường tiêu thụ nông sản không ổn định, người dân chưa yên tâm đầu tư sản xuất; chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.
 
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Long Hồ Nguyễn Chí Cường, một số địa phương còn thiếu quan tâm trong tuyên truyền, vận động, dẫn đến nhận thức của một bộ phận người dân về MSVT còn hạn chế. Nông dân đa phần lớn tuổi, trình độ còn hạn chế, chưa có thói quen ghi chép nhật ký canh tác đã ảnh hưởng đến việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm và gặp khó trong xây dựng MSVT.
 
Công tác giám sát vùng trồng, CSĐG sau khi được cấp mã số vẫn còn nhiều hạn chế do các vùng trồng, CSĐG chưa đảm bảo duy trì đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của nước nhập khẩu. 
 
Theo ông Nguyễn Văn Tám- Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Trà Ôn, thời gian qua, các cơ sở được cấp MSVT chưa tuân thủ đúng các quy định về quản lý sử dụng mã số, chưa thực hiện thông tin kịp thời về thời gian thu hoạch, khối lượng thu hoạch, thời gian bán, khối lượng bán... về cơ quan chuyên môn theo quy định.
 
“Toàn huyện có 9.997,5ha trồng cam sành, chiếm 45,7% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, 62,4% diện tích cây ăn trái của huyện, nhưng chủ yếu tiêu thụ nội địa nên chưa khai thác hết tiềm năng, giá trị xuất khẩu”- ông Tám cho hay.
 
Năm 2023, tỉnh Vĩnh Long đã thu hồi 16 MSVT, nguyên nhân do các MSVT này hiệu quả thấp, chuyển đổi sang cây trồng khác. Một số vùng trồng chưa xây dựng được chuỗi liên kết bền vững; nông dân thay đổi cây trồng, cho thuê đất... nên không kiểm soát sản lượng thu hoạch, ảnh hưởng đến duy trì và cấp mới MSVT. Việc chấp hành 6 yêu cầu về MSVT theo quy định chưa được tốt, chưa thực hiện thường xuyên, như: ghi nhật ký sản xuất, vệ sinh môi trường vùng trồng... ảnh hưởng đến việc đánh giá cấp mới và tái cấp MSVT.

Liên kết chưa thống nhất, đồng bộ

 
Ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Vũng Liêm, cho biết, yêu cầu về diện tích để cấp mã số cho một vùng trồng cây ăn trái tối thiểu là 10ha trong khi diện tích canh tác/người ở huyện rất thấp, để thiết lập mỗi vùng trồng cần 30-35 nông dân đồng thuận tham gia. Do vậy, rất khó để chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tại vùng trồng đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. 
 
Bên cạnh, tiến độ thực hiện thiết lập MSVT còn chậm so với tiềm năng quy mô diện tích của từng loại cây trồng tại địa phương, vì vậy việc vận động người dân xây dựng MSVT còn rất khó khăn.
Mỗi mã số vùng trồng được cấp theo định kỳ và sẽ được giám sát để đảm bảo vùng trồng vẫn đang được quản lý tốt, đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Mỗi mã số vùng trồng được cấp theo định kỳ và sẽ được giám sát để đảm bảo vùng trồng vẫn đang được quản lý tốt, đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Trong khi đó, một số vùng trồng có nhu cầu xây dựng mã số nhưng chưa tìm được doanh nghiệp liên kết tiêu thụ nên người dân còn e ngại, chưa mạnh dạn tham gia. Đồng thời, chưa có quy hoạch, định hướng vùng đáp ứng về tiêu chuẩn thiết lập MSVT, từ đó ảnh hưởng tiến độ xây dựng và hoàn thiện bộ hồ sơ thiết lập MSVT còn chậm.
 
Cũng theo ông Dương Ái Đạo, hiện vẫn còn nhiều nông dân, thậm chí có tổ hợp tác còn ngại thực hiện và chưa đảm bảo sản xuất đầy đủ theo các tiêu chí giám sát MSVT, nhất là quản lý sinh vật gây hại theo yêu cầu kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu và nhà tiêu thụ, kiểm soát vi sinh vật gây hại ở mức độ phổ biến thấp và sử dụng thuốc BVTV theo quy định của các nước nhập khẩu; áp dụng cùng một quy trình sản xuất và áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong trồng trọt từ đó khó cho việc cấp MSVT. 
 
Theo ngành nông nghiệp, nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên là do sản xuất còn nhỏ lẻ, diện tích sản xuất tập trung chưa nhiều, chi phí cho việc cấp MSVT tương đối lớn, gây khó khăn trong triển khai thực hiện.
 
Một nguyên nhân khách quan khác chính là không phải quốc gia, thị trường nhập khẩu nông sản nào cũng đưa tiêu chuẩn về MSVT vào quy định xuất, nhập khẩu. Thêm vào đó, trước vấn đề nông sản tiêu thụ bấp bênh, dẫn đến đa số nông dân chưa thấy được lợi ích của việc xây dựng và đăng ký MSVT cho nông sản của mình. 
 
Hiện, hầu hết các địa phương, tổ chức, cá nhân mới chỉ quan tâm nhiều đến việc thiết lập, mở rộng các diện tích vùng trồng được cấp mã số mà chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác giám sát các vùng trồng, CSĐG để duy trì điều kiện đáp ứng với yêu cầu của nước nhập khẩu sau khi đã được phê duyệt.
 
Thời gian qua, đã xảy ra tình trạng “mượn” mã số, sử dụng mã số không đúng… và đã có lô hàng xuất khẩu bị cảnh báo, trả lại. Một số địa phương chưa dành sự quan tâm đúng mức trong việc kiểm tra, giám sát và quản lý vùng trồng; chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm về MSVT, mã số CSĐG.
 
Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, cho rằng: Đa số nông dân chưa thấy được lợi ích của việc xây dựng và đăng ký MSVT cho nông sản của mình, còn ỷ lại canh tác như trước đây vẫn tiêu thụ được; chưa có thói quen ghi chép nhật ký canh tác, gây ảnh hưởng đến việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đồng thời gặp khó trong xây dựng MSVT và bán cho thương lái không có đủ điều kiện về mã số CSĐG, xuất khẩu, không thông qua lãnh đạo quản lý MSVT, xác nhận chính quyền địa phương…
 
Mặt khác, người dân đã tham gia MSVT nhưng chưa mạnh dạn cho đoàn kiểm tra giám sát vào kiểm tra vườn trong vùng xin mã số.
 
Cùng với đó, chủ thể các MSVT (tổ hợp tác, HTX) quản lý MSVT, liên kết chưa thống nhất, đồng bộ, tự từng hộ trong MSVT mua bán sản phẩm không được giám sát chặt chẽ, tạo ra một vùng trồng mà có nhiều doanh nghiệp tiêu thụ sử dụng MSVT.
Hiện, chưa có nhiều doanh nghiệp liên kết xuất khẩu đối với các sản phẩm có mã số vùng trồng, nên chưa huy động được nhiều hộ tham gia.
Hiện, chưa có nhiều doanh nghiệp liên kết xuất khẩu đối với các sản phẩm có mã số vùng trồng, nên chưa huy động được nhiều hộ tham gia.
Bên cạnh, thiếu thông báo và làm việc thống nhất với doanh nghiệp liên kết tiêu thụ trước khi thu hoạch, đã ảnh hưởng đến chuỗi liên kết tiêu thụ, quản lý sử dụng MSVT và không cập nhật, thông báo kịp thời đến cơ quan chuyên môn về diện tích canh tác, giống, thời gian thu hoạch tại các vùng trồng đã được cấp mã số.
 
Chi phí kiểm tra dư lượng thuốc BVTV, đối tượng kiểm dịch thực vật tại vùng trồng, địa phương còn hạn chế, chủ yếu là thông qua các cơ quan chuyên môn hỗ trợ, nhưng kinh phí thực hiện cao, “rất khó cho thực hiện nội dung này”- ông Nguyễn Văn Liêm cho hay. 
Hiện, số lượng doanh nghiệp, công ty liên kết sản xuất tiêu thụ, CSĐG trên địa bàn tỉnh còn ít (có 10 công ty hoạt động liên kết, 12 CSĐG), còn phụ thuộc vào doanh nghiệp đóng gói ngoài tỉnh, thị trường tiêu thụ tập trung vào một vài nước nhập khẩu, giải pháp tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước chưa đạt hiệu quả, nên nhiều MSVT chưa được xuất khẩu hoặc có xuất khẩu nhưng sản lượng còn hạn chế, nông sản giảm giá, khó tiêu thụ khi vào mùa vụ thu hoạch, số lượng lớn.
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- THẢO LY 
(Còn tiếp) 
 
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh