Mở ra không gian phát triển mới cho vùng, địa phương

02:12, 29/12/2023

Bộ GT – VT vừa đồng loạt khánh thành 4 công trình giao thông quan trọng gồm Cảng hàng không Điện Biên, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định tầm quan trọng của các công trình giao thông đối với sự phát triển kinh tế, xã hội cũng như mở ra không gian phát triển mới.

(VLO) Bộ GT – VT vừa đồng loạt khánh thành 4 công trình giao thông quan trọng gồm Cảng hàng không Điện Biên, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định tầm quan trọng của các công trình giao thông đối với sự phát triển kinh tế, xã hội cũng như mở ra không gian phát triển mới.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ.

Đồng loạt khánh thành 4 công trình giao thông trọng điểm

Trong lễ khánh thành 4 công trình trọng điểm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự tại điểm cầu Điện Biên (dự án Cảng Hàng không Điện Biên); Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dự tại điểm cầu Vĩnh Long (dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ); Phó Thủ tướng Lê Minh Khái dự tại điểm cầu Tiền Giang (dự án cầu Mỹ Thuận 2); Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến dự tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang (dự án cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ). 

Thứ trưởng Bộ GT - VT Lê Đình Thọ cho biết, trong năm 2023, đã đưa vào khai thác 475 km đường bộ cao tốc, nâng tổng số đường bộ cao tốc của nước ta lên 1.892 km và hoàn thành nâng cấp mở rộng cảng hàng không Phú Bài, cảng hàng không Điện Biên. 

Cụ thể, dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây với quy mô 4 làn xe cao tốc theo quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam.

Trong tương lai không xa, khi tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang hoàn thành sẽ tạo trục đường cao tốc nối liền Hà Nội với Tuyên Quang và Hà Giang tạo bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Giang và khu vực trung du, miền núi phía Bắc

Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có quy mô 6 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ. Dự án cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông với phần cầu chính dài 1,9km theo quy mô 6 làn xe hoàn chỉnh. Đường dẫn dài 4,7 km phân kỳ 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h. Tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng.

“Đặc biệt, cầu Mỹ Thuận 2 là công trình cầu lớn vượt sông Tiền nối tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, với khẩu độ nhịp chính dây văng dài 350m, mặt cắt ngang 6 làn xe rộng 28,3m, móng cọc khoan nhồi trụ chính đường kính 2,5m sâu 115m đã được thiết kế, tổ chức thi công, xây dựng bởi các kỹ sư, công nhân, cán bộ quản lý người Việt Nam.

Đây là minh chứng cho sự tiến bộ vượt bậc về thiết kế, thi công cũng như quản lý, tiến tới làm chủ công nghệ trong xây dựng cầu dây văng của các kỹ sư Việt Nam”- Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ: “Bộ GT - VT, các địa phương đã phát động các phong trào thi đua yêu nước với mục đích vừa động viên, cổ vũ, vừa là “mệnh lệnh” để các chủ thể tham gia các dự án nỗ lực phấn đấu. Hưởng ứng phong trào thi đua, các đơn vị đã tập trung mọi nguồn lực, tổ chức triển khai 3 ca 4 kíp, thi công xuyên lễ, xuyên Tết…

Hàng nghìn kỹ sư, công nhân đã vào cuộc ngày, đêm, vì công việc, vì tình yêu đất nước, yêu nghề đã vượt qua tất cả sự khắc nghiệt của thời tiết và môi trường lao động. Với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, 4 dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác để phục vụ nhân dân vào dịp năm mới 2024.”

Mở ra không gian phát triển mới

Trong 4 dự án, có 2 dự án đi qua địa phận Vĩnh Long gồm cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ. Đây là những dự án cuối của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn từ TP Hồ Chí Minh đến TP Cần Thơ dài 120 km.

Vĩnh Long có 2 dự án đi qua sẽ là động thực để kết nối, phát triển kinh tế, xã hội, góp phần hoàn thành các mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021 – 2025 (ảnh minh hoạ).
Vĩnh Long có 2 dự án đi qua sẽ là động thực để kết nối, phát triển kinh tế, xã hội, góp phần hoàn thành các mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021 – 2025 (ảnh minh hoạ).

Hai dự án hoàn thành đưa vào khai thác có ý nghĩa quan trọng, làm giảm thiểu ùn tắc, hạn chế tai nạn giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ chỉ còn hơn 2 giờ thay vì 3,5 giờ, dần hình thành một tuyến hành lang giao thông trục dọc ĐBSCL hoàn chỉnh và hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh vùng Tây Nam Bộ nói chung và các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, tỉnh Đồng Tháp và TP Cần Thơ nói riêng.

Tại lễ khánh thành dự án đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, ông Lữ Quang Ngời – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long bày tỏ phấn khởi khi hai dự án quan trọng đi vào khai thác.

Đây là hai trong số các dự án trọng điểm, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, hệ thống vận tải, logistics khu vực ĐBSCL.

Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất tốt hơn, thu hút đầu tư vào các vùng đã quy hoạch phát triển sản xuất kinh doanh, các khu, cụm công nghiệp, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh cho các tỉnh, thành trong vùng.

“Đối với tỉnh Vĩnh Long, hai dự án này khi đưa vào khai thác, bên cạnh việc giúp giảm áp lực của cầu Mỹ Thuận hiện hữu và giao thông QL1A qua địa bàn tỉnh; giảm chi phí logistics và rút ngắn thời gian vận chuyển từ TP Hồ Chí Minh về tỉnh Vĩnh Long còn sẽ giúp tỉnh tạo ra dư địa, không gian phát triển mới, động lực tăng trưởng mới, đẩy mạnh thu hút mời gọi đầu tư,…góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.”- Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Quang Ngời cho biết.

Để đảm bảo tính kết nối, phát huy hiệu quả đầu tư của các dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Quang Ngời cho biết, tỉnh sẽ tập trung huy động các nguồn lực, để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật.

Đặc biệt là ưu tiên xây dựng trục động lực, các tuyến đường chính, các tuyến đường liên kết vùng, để tăng tính kết nối với tuyến cao tốc và từng bước hình thành, phát triển hai hành lang kinh tế của tỉnh gồm hành lang kinh tế dọc sông Hậu, hành lang kinh tế dọc sông Tiền.

Qua đó, phát triển hạ tầng các các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ, du lịch trên các hành lang kinh tế theo hướng xanh, bền vững...

Tại điểm cầu Điện Biên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thực tiễn đã chứng minh giao thông vận tải nói chung, hạ tầng đường bộ cao tốc, sân bay, cảng biển nói riêng mang lại hiệu quả rõ nét trong phát triển kinh tế, xã hội.

Giao thông phát triển đến đâu, mở ra không gian phát triển đến đó. Thủ tướng chỉ đạo các địa phương tập trung khai thác hiệu quả các dự án vừa hoàn thành, triển khai sớm các trạm dừng nghỉ phục vụ nhân dân; tiếp tục tập trung đầu tư cải thiện đời sống nhân dân vùng dự án; thực hiện duy tu, bảo dưỡng, hoàn thiện các hạng mục còn lại.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh