Hiệu quả từ khu vườn trong nhà màng 2.000m2 đầu tiên ở Phường 5 (TP Vĩnh Long), hiện anh Huỳnh Phú Lộc (SN 1990) tiếp tục mở rộng diện tích vườn ở TP Vĩnh Long và các huyện khác trong tỉnh. Trong đó, khu vườn với 7 nhà trồng ở TP Vĩnh Long vẫn là điểm chính.
Hiệu quả từ khu vườn trong nhà màng 2.000m2 đầu tiên ở Phường 5 (TP Vĩnh Long), hiện anh Huỳnh Phú Lộc (SN 1990) tiếp tục mở rộng diện tích vườn ở TP Vĩnh Long và các huyện khác trong tỉnh. Trong đó, khu vườn với 7 nhà trồng ở TP Vĩnh Long vẫn là điểm chính.
Anh Lộc cho hay, từ thời đi học anh đã “mơ về một khu vườn xanh mướt, sử dụng công nghệ hiện đại, cho sản phẩm sạch…” nhưng lúc đó chưa đủ vốn. Nhận bằng kỹ sư công nghệ thực phẩm, anh làm việc cho các công ty thủy sản rồi chuyển sang làm kinh doanh ở TP Hồ Chí Minh.
Trong khoảng thời gian làm kinh doanh, thiết kế lắp đặt các sản phẩm nhà lưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, anh nhận thấy xu hướng tiêu dùng các sản phẩm sạch, an toàn của người dân rất lớn, nên quyết định “đã đến lúc khởi nghiệp”.
Tháng 10/2017, mô hình công nghệ cao đầu tiên “mọc” lên ven sông Cổ Chiên (thuộc Phường 5, TP Vĩnh Long) lấy tên là Cơ sở kinh doanh Nam Long. Nhờ kinh nghiệm thiết kế, lắp đặt nhà lưới, anh đã tự mua vật liệu thi công nhà lưới và thiết kế giúp giảm 50% chi phí. “Khu vườn trong nhà màng” có diện tích 2.000m2 với vốn đầu tư 600 triệu.
Chỉ cần thông qua một chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng internet, các thiết bị cảm ứng và phần mềm điều khiển từ xa, anh Lộc có thể biết được tình hình khu vườn. Đồng thời, kích hoạt hệ thống tưới và bón phân từ xa mà không cần có mặt tại khu sản xuất.
Khởi đầu, anh trồng xà lách, rồi tiếp tục trồng cà chua và một số loại rau. Để tránh rủi ro, anh dành 1.000m² trồng cà chua, sản xuất 1 vụ/năm. Song song đó, tiếp tục thử nghiệm trồng thêm dưa lưới. Vụ đầu tiên, thử nghiệm thành công trên 500m².
Vụ thứ hai, anh mạnh dạn chuyển đổi tất cả diện tích sang trồng dưa lưới để cách ly mầm bệnh của cà chua. Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm, vụ đầu tiên chỉ giúp anh thu hồi vốn, từ vụ thứ 2 trở đi bắt đầu có lợi nhuận.
Thời điểm năm 2019, anh Lộc cho biết, chi phí bỏ ra đầu tư đầu mỗi vụ trên 70 triệu đồng, bình quân lời khoảng 200 triệu đồng/vụ, trồng được 4-5 vụ/năm (tính cả thời gian xử lý, cải tạo môi trường, cách ly mầm bệnh). “Từ hiệu quả khu vườn đầu tiên nên thu hút đầu tư vốn, mở rộng diện tích, thành lập công ty”- anh Lộc nói.
Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp 620- Huỳnh Phú Lộc cho biết thêm, hiện công ty đã đầu tư hệ thống nhà màng trồng dưa lưới theo chuẩn VietGAP với diện tích gần 1ha ở TP Vĩnh Long, 5ha ở xã Tân Thành (huyện Bình Tân); vùng trồng khoai lang tím Nhật cũng ở Bình Tân, vườn dừa ở TX Bình Minh…
Trong đó, vườn dưa lưới ở Tân Ngãi (TP Vĩnh Long) có 7 nhà trồng (từ 10/2022). Đến nay, đang thu hoạch chu kỳ thứ 3, năng suất trung bình 3 tấn/nhà. Từ đầu năm đến nay, giá dưa lưới dao động từ 30.000-40.000 đ/kg. Theo anh Lộc, “mức giá này thấp hơn so các năm trước (thường ở mức 40.000-50.000 đ/kg) nhưng vẫn có lời, hy vọng năm sau sẽ lấy lại giá”.
Theo anh Lộc, vườn dưa lưới ở TP Vĩnh Long là mô hình điểm và sắp tới sẽ tiếp tục phát triển vườn này bởi thuận tiện giao thương, quảng bá, đón khách tham quan… nhằm khai thác công năng của vườn dưa so các vườn trồng khác trong tỉnh. Bên cạnh đầu tư mạnh để nâng cấp công nghệ vườn dưa, anh cũng cho biết thêm, công ty đang triển khai kế hoạch đầu tư các sản phẩm chế biến từ dưa lưới.
“Dự kiến đến năm 2025 sẽ có nhà máy chế biến khoai lang và dưa lưới”- anh nói. Cho biết thời gian qua, công ty nhận được sự quan tâm hỗ trợ tích cực của ngành chức năng thành phố trong sản xuất tiêu thụ. Sắp tới, công ty mong được tiếp tục tạo điều kiện để tăng cường kết nối giao thương, khai thác tiềm năng du lịch của khu vườn...
Theo Thành ủy Vĩnh Long, năm 2023, thành phố tiếp tục thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện tự nhiên của thành phố; định hướng tập trung phát triển nông nghiệp đô thị.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã và đang là hướng đi đúng. |
Quy hoạch chi tiết một số vùng ở phường, tạo vành đai rau an toàn, cây, con, hoa kiểng phục vụ người dân, phát triển kinh tế gắn với du lịch sinh thái; khuyến khích nuôi trồng thủy sản có giá trị cao gắn với đảm bảo môi trường. Phát huy vai trò của nông dân và doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư đổi mới quy trình sản xuất đóng gói, bao bì sản phẩm nông nghiệp; quản lý hiệu quả sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV.
Trong năm, ngành chức năng thành phố đã tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ mô hình nông nghiệp.
Bên cạnh, hỗ trợ CLB khuyến nông các phường tư vấn kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh, phòng chống thiên tai trên cây trồng, tư vấn mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Ngoài ra, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, tham gia festival nông sản… nhằm tăng cường kết nối giao thương.
Theo Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long, những năm qua, nông nghiệp thành phố phát triển theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trên diện tích đất canh tác. Cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng khoa học vào sản xuất. Công tác khuyến nông phát huy tác dụng tích cực trong chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã và đang là hướng đi đúng, giúp nông dân giảm thiểu rủi ro trước những bất lợi của thời tiết và dịch bệnh. Đồng thời, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm so với sản xuất truyền thống. |
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- XUÂN TƯƠI