Qua khảo sát thực tế các mô hình kinh tế tại các xã xây NTM và NTM nâng cao ở huyện Vũng Liêm, ông Lê Văn Dũng- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh, lưu ý: "Việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, liên kết sản xuất là yếu tố rất quan trọng để nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp và nâng cao đời sống người dân nông thôn".
Việc tận dụng phế phẩm nông nghiệp tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, đang góp phần xây dựng NTM về môi trường và thu nhập. |
Qua khảo sát thực tế các mô hình kinh tế tại các xã xây NTM và NTM nâng cao ở huyện Vũng Liêm, ông Lê Văn Dũng- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh, lưu ý: “Việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, liên kết sản xuất là yếu tố rất quan trọng để nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp và nâng cao đời sống người dân nông thôn”.
Sản xuất thân thiện với môi trường
Với mục tiêu bảo vệ môi trường- chống rác thải nhựa sử dụng một lần rồi bỏ, tận dụng phế phẩm từ cây chuối nâng cao giá trị gia tăng của cây chuối sau thu hoạch và cải thiện đời sống của người dân nghèo vùng ĐBSCL, đã khơi nguồn cho anh Nguyễn Hà Minh Tiến ý tưởng thành lập Công ty CP Cây dây leo Tiến Thành (Ấp 8, xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm).
Tận dụng phế phẩm nông nghiệp, công ty đã tạo ra các sản phẩm từ đay và xơ dừa như: thảm tròn, thảm vuông, thảm cuộn, cây dây leo, dây xơ dừa, lưới xơ dừa để xuất bán sang thị trường châu Âu. Gần đây, thông qua người quen giới thiệu về dự án thân thiện với môi trường, anh Tiến đã có dịp kết nối và được Chính phủ nước Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ dự án sản xuất sản phẩm từ thân cây chuối để thay thế cho nhựa dùng một lần.
Anh Tiến cho biết: Bà con nông dân trồng chuối thu hoạch trái xong thường bỏ thân. Công ty sẽ thu mua những thân cây chuối (15.000 đ/cây) để tạo ra một số sản phẩm. Cách làm này giúp người dân có thêm thu nhập từ việc bán phế phẩm nông nghiệp. Về phía công ty, sẽ tạo ra việc làm và thu nhập từ các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Dẫn chúng tôi xem máy ép định hình, anh Tiến cho biết: Tham gia dự án anh được tài trợ bộ máy này, các chi phí còn lại thì anh tự trang trải. Ở giai đoạn 1 của dự án, chỉ cần ép định hình theo khuôn là đã thành công.
Đây chỉ là sản phẩm thô ban đầu, dự kiến khi thành phẩm sẽ thay thế cho sản phẩm từ nhựa. Đối tác bên Thụy Sĩ sẽ hỗ trợ phần tráng lên bề mặt chống thấm (bằng nguyên liệu tự hủy) và lo đầu ra cho sản phẩm.
Sau 10 năm đi xuất khẩu lao động, anh Lê Minh Hiếu ở ấp Cây Gáo (xã Hiếu Thuận, huyện Vũng Liêm) đã quyết định về quê làm nông nghiệp.
Anh kể: “Lúc đầu tôi dự định trồng rau, nhưng thấy có nhiều rủi ro. Khi đó, có người quen nuôi lươn không bùn khá hiệu quả. Qua tìm hiểu, tôi thấy lươn rất dễ nuôi, không ô nhiễm môi trường. Công chăm sóc rất nhẹ, mỗi ngày chỉ cho ăn 2 cử theo giờ... nên tôi đã chọn con lươn để khởi nghiệp”.
Sau 5 năm gắn bó với con lươn, anh Hiếu chia sẻ: “Qua thời gian nuôi lươn, tôi thấy mê lươn lắm. Tôi thích nuôi lươn vì mô hình này làm sạch sẽ. Đặc biệt là nuôi lươn thịt chỉ ở trong mát, công việc cũng khá nhàn, lại cho hiệu quả kinh tế cao.
Tận dụng tối đa nguồn lực
Mô hình nuôi lươn của anh Hiếu hiện tạo việc làm cho khoảng 50 lao động, thu nhập 4,5-10 triệu đồng/tháng (tùy công việc). Từ 5.000m2 nuôi lươn ban đầu, đến nay Trại lươn giống Minh Hiếu đã mở rộng quy mô lên 2ha. Mỗi tháng xuất bán khoảng 1 triệu con lươn giống.
Dẫn chúng tôi tham quan khu vực nuôi lươn thịt, anh Hiếu cho hay: Khu vực này có 40 bể (6 m2/bể). Mỗi bể nuôi 3.000 con (500 con/m2). Nuôi lươn khoảng 1 năm thì có thể xuất bán. Thị trường Trung Quốc chuộng lươn nhỏ (khoảng 200 g/con). Còn thị trường nội địa lại chuộng lươn lớn (khoảng 330-500 g/con).
Anh Hiếu cho biết: Trước đây, lươn thương phẩm có giá 220.000 đ/kg. Hiện, chỉ còn 80.000-85.000 đ/kg. Mức giá này là thấp nhất từ trước đến nay. Nguyên nhân giá lươn giảm là do đầu ra nhiều và chưa xuất khẩu được, chủ yếu tiêu thụ nội địa.
“Để có thể xuất bán sang thị trường nước ngoài, cũng như đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, làm lươn cắt khúc, lươn phi lê... để bán cho đối tác, tôi đang kết nối với các hộ nuôi lươn khác có cùng chí hướng để thành lập HTX. Dự kiến, HTX có 7 thành viên, vốn điều lệ ban đầu 700 triệu đồng. Khi thành lập HTX sẽ có đủ pháp nhân để ký hợp đồng với các đối tác”- anh Hiếu cho biết.
Qua tham quan mô hình nuôi lươn, ông Lê Văn Dũng- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh, đã gợi ý cách xử lý nguồn nước thải từ chăn nuôi lươn phù hợp và hiệu quả hơn và lưu ý chủ trại tiếp tục phát huy mô hình này; tìm cách liên kết đầu ra với các doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh. Sau khi thành lập HTX thì liên hệ Phòng Nông nghiệp-PTNT để được hỗ trợ truy xuất nguồn gốc và nhận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong xây dựng NTM.
Tại buổi làm việc với các địa phương, ông Lê Văn Dũng cho rằng: Cùng với sự quan tâm hỗ trợ của cấp trên, thì sự cố gắng của cấp cơ sở là quan trọng nhất.
Dự kiến sắp tới, các hộ nuôi lươn sẽ liên kết thành lập HTX để mở rộng thị trường tiêu thụ. |
Trong đó, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, liên kết sản xuất là yếu tố rất quan trọng để nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp và nâng cao đời sống người dân nông thôn. Bên cạnh, cần quan tâm hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển chăn nuôi phù hợp với địa phương và tận dụng tối đa nguồn lực đất đai.
Đồng thời, tổ chức tham quan các mô hình kinh tế ở những địa phương có nhiều nông dân sản xuất giỏi và làm ăn hiệu quả. Hiện nay, nhiều nông dân rất biết tận dụng trong trồng trọt, không để đất trống và trồng nhiều tầng cây để nâng cao hiệu quả trên cùng diện tích canh tác.
Theo Quyết định số 318 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Để xây xã đạt chuẩn NTM về thu nhập trong năm 2023 thì thu nhập bình quân đầu người của xã phải đạt 56 triệu đồng/năm trở lên, đối với xã NTM nâng cao thì thu nhập bình quân đầu người từ 68 triệu đồng/năm trở lên. |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI