Gỡ các "điểm nghẽn" để phát triển bền vững chuỗi giá trị lúa gạo

07:12, 19/12/2023

Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sản xuất lúa gạo, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và hiện vẫn giữ vững vị trí là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng cao.

 

 

Cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo.
Cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo.

Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sản xuất lúa gạo, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và hiện vẫn giữ vững vị trí là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng cao.

Tuy nhiên, ngành hàng lúa gạo vẫn còn nhiều khó khăn và tồn tại. Thách thức mới đòi hỏi ngành hàng lúa gạo cần có sự thích ứng để nâng cao chất lượng, giảm chi phí đầu vào, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và mở rộng thị trường tiêu thụ, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo bền vững trên thị trường quốc tế.

Nhiều cơ hội nâng cao vị thế

Theo Bộ Nông nghiệp-PTNT, Việt Nam là một trong số các nước sản xuất lúa gạo và xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Vị thế của ngành lúa gạo Việt Nam đang được củng cố và nâng cao hơn bao giờ hết. Ngành hàng lúa gạo Việt Nam hiện đang có nhiều cơ hội nâng cao vị thế trên thị trường thế giới cả về sản lượng và giá trị.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Hoàng Trung cho biết: Sản xuất lúa gạo đóng vai trò hết sức quan trọng trong ngành nông nghiệp.

Sản xuất lúa gạo không chỉ góp phần bảo đảm an ninh lương thực, sinh kế cho người dân mà còn hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế trong nước và bảo đảm thực thi các cam kết, trách nhiệm quốc tế về hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu. Theo đó, sản lượng lúa trung bình một năm của Việt Nam đạt 43-45 triệu tấn, tương đương 26-28 triệu tấn gạo.

Trong đó, khoảng 20 triệu tấn được dành cho tiêu thụ trong nước, phần còn lại là dành cho xuất khẩu. Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 11/2023, sản lượng gạo xuất khẩu đạt 7,8 triệu tấn thu về kim ngạch 4,4 tỷ USD. Đây là những con số kỷ lục, cao nhất kể từ năm 1989 trở lại đây và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

“Trong những năm qua, Việt Nam đã tập trung nghiên cứu phát triển của giống lúa, tỷ trọng sử dụng giống lúa xác nhận không ngừng tăng. Các quy trình canh tác bền vững, tiên tiến được tăng cường áp dụng. Thêm vào đó, chế biến gạo ngày càng phát triển, nhiều công nghệ hiện đại đã được đầu tư để nâng cao giá trị sản phẩm, giảm thất thoát sau thu hoạch. Nhờ đó, mặc dù diện tích trồng lúa giảm nhưng sản lượng và chất lượng lúa gạo Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường. Gạo Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế công nhận là một trong những loại gạo ngon nhất thế giới, đáp ứng được các điều kiện an toàn thực phẩm”- Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.

Tuy nhiên, hiện nay, ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức, khó khăn và yêu cầu phải chuyển mình.

Theo ông Lê Thanh Tùng- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, sản xuất lúa gạo còn nhỏ lẻ, chi phí cao. Khối lượng gạo xuất khẩu lớn, nhưng giá trị chưa cao, thu nhập người trồng lúa còn thấp. Đồng thời, sản xuất lúa ở ĐBSCL đang phải đối mặt với thách thức về nguồn nước: một là lũ không còn diễn ra theo quy luật, hai là mặn xâm nhập ngày càng gia tăng.

Nêu ra 10 điểm nghẽn trong chuỗi lúa gạo, PGS.TS Nguyễn Phú Son- Trường Kinh tế (Trường ĐH Cần Thơ) cho rằng: Trong chuỗi giá trị lúa gạo hiện nay, mục tiêu liên kết mới chỉ dừng lại ở chỗ đạt được lợi nhuận trong ngắn hạn; hợp đồng chỉ mang tính thời vụ; không có được đầu ra ổn định về sản lượng lúa tiêu thụ và giá bán sản phẩm, dẫn đến thu nhập thấp và không ổn định…

Nông dân, tổ hợp tác, HTX sản xuất lúa còn mang tư duy sản xuất theo kiểu làm ăn nhỏ lẻ, lạm dụng sử dụng phân bón vô cơ và thuốc BVTV, dẫn đến chi phí sản xuất cao, gia tăng ô nhiễm môi trường, tình trạng “bẻ kèo” vẫn còn xảy ra.

Đặc biệt, ngành hàng lúa gạo chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn. Đây là một điểm nghẽn lớn làm ảnh hưởng đến khả năng dự báo thị trường, cũng như quản lý tốt ngành hàng để làm tối ưu hóa khoảng cách cung- cầu hàng hóa...

Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” ban hành với mục tiêu hình thành được 1 triệu hecta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị.

 

Việc áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

 

Trong quá trình triển khai đề án, ĐBSCL sẽ thực hiện thí điểm các chính sách mới như: chi trả tín chỉ carbon dựa trên kết quả; tập trung vào sản xuất phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, tận dụng tối đa phụ phẩm từ sản xuất lúa gạo; khai thác đa giá trị, tạo ra nhiều sản phẩm chế biến từ lúa gạo...

 

Tỉnh Vĩnh Long đăng ký tham gia đề án với 20.000ha lúa. Theo đó, diện tích lúa đăng ký tham gia dự án sẽ được thực hiện tại địa bàn 4 huyện gồm: Tam Bình, Long Hồ, Vũng Liêm và Bình Tân.

Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo theo hướng có trách nhiệm và bền vững

Theo các chuyên gia, nhà khoa học, minh bạch, trách nhiệm, bền vững là con đường mới để phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam trong xu thế quốc tế hiện nay.

Để khắc phục những điểm nghẽn, theo PGS.TS Nguyễn Phú Son, cần đầu tư phát triển vùng nguyên liệu lúa tập trung, chuyên canh lúa chất lượng cao theo hướng bền vững và tăng trưởng xanh.

Trong đó, Đề án 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao đang tạo cơ hội phát triển lớn cho ngành hàng lúa gạo.

Đồng thời, nghiên cứu và phát triển các mô hình liên kết bền vững giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo, cắt giảm chi phí để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo; xây dựng dự án nghiên cứu phát triển giống lúa và phát triển thương hiệu gạo chung của Việt Nam.

Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Thuận- Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, chia sẻ: Doanh nghiệp là cầu nối trong chuỗi giá trị lúa gạo, nông dân sản xuất và cung cấp lúa nguyên liệu cho doanh nghiệp, doanh nghiệp chế biến và cung ứng ra thị trường.

Muốn tạo thành chuỗi được thì phải tổ chức vùng nguyên liệu, chuyển giao quy trình sản xuất cho nông dân. Cùng nhau chia sẻ lợi ích từ chuỗi lúa gạo một cách hợp lý, để nông dân đồng hành gắn bó lâu dài. Đảm bảo chất lượng, uy tín thương hiệu để giữ được thị trường đang xuất khẩu ổn định.

Ngành hàng lúa gạo đang đứng trước nhiều cơ hội lẫn thách thức.
Ngành hàng lúa gạo đang đứng trước nhiều cơ hội lẫn thách thức.

Theo Bộ Nông nghiệp-PTNT, đến năm 2030, lúa gạo vẫn giữ vị trí quan trọng trong ngành trồng trọt của Việt Nam. Để phát huy lợi thế đó, ngành lúa gạo cần cơ cấu lại để từ vai trò là một ngành sản xuất vì mục tiêu an ninh lương thực là chủ yếu trở thành một ngành kinh tế năng động và hiệu quả; đem lại lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng trong nước cũng như có tính cạnh tranh cao trong xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Trần Thanh Nam cho biết năm 2023, xuất khẩu gạo tăng mạnh trong bối cảnh thị trường lúa gạo nhiều biến động. Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo hàng đầu, hạn chế xuất khẩu đã góp phần đẩy mạnh nguồn cung gạo từ Việt Nam.

 

Nhận định về triển vọng xuất khẩu gạo năm 2024, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp-PTNT và các doanh nghiệp cho rằng xuất khẩu gạo năm tới sẽ tiếp tục thuận lợi, do Ấn Độ dự kiến sẽ duy trì hạn chế xuất khẩu gạo sang năm tới. Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo để kiểm soát đà tăng giá trong nước và bảo vệ người tiêu dùng.

 

Trong khi đó, một số quốc gia nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam như Indonesia, Philippines có nhu cầu tăng lượng nhập khẩu gạo. Các doanh nghiệp nước ta sẽ có thêm nhiều đơn hàng mới trong thời gian tới.

Bài, ảnh: TRÀ MY

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh