Tại Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam- Hậu Giang 2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh: Festival nói lên niềm tự hào của Việt Nam với nền văn minh lúa nước lâu đời cũng như là lời chào đón bạn bè quốc tế đến trải nghiệm, đồng hành và cùng yêu cây lúa, yêu hạt gạo Việt Nam.
|
Festival là cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, nâng cao giá trị hạt gạo. |
Tại Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam- Hậu Giang 2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh: Festival nói lên niềm tự hào của Việt Nam với nền văn minh lúa nước lâu đời cũng như là lời chào đón bạn bè quốc tế đến trải nghiệm, đồng hành và cùng yêu cây lúa, yêu hạt gạo Việt Nam.
Festival được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới việc trở thành quốc gia tiên phong trong sản xuất lúa chất lượng, giảm phát thải, phát triển theo hướng xanh và bền vững, là sự kiện quan trọng, khẳng định vai trò, định vị ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong nước cũng như khu vực và quốc tế.
Định vị thương hiệu, nâng tầm giá trị
Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam- Hậu Giang 2023 là dịp để giới thiệu những thành tựu của ngành hàng lúa gạo, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, HTX, nông dân có cơ hội được tiếp cận với những công nghệ mới, các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đồng thời, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Lần đầu tiên tham gia trưng bày sản phẩm gạo tại festival, ông Nguyễn Văn Mười- Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Nông nghiệp xanh Your Rice (tỉnh Kiên Giang) phấn khởi: “Đến với festival lần này chúng tôi mang theo các sản phẩm nổi bật như gạo thơm cao, thơm lùn, đốc chùm và đốc phụng.
Festival tạo cơ hội cho chúng tôi hiểu biết thêm về nhu cầu của khách hàng, tìm kiếm đối tác tiềm năng, qua đó giúp chúng tôi định hướng rõ ràng hơn trong hoạt động canh tác sắp tới, phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường”.
Để nâng cao hiệu quả quảng bá sản phẩm, ông Nguyễn Văn Mười còn trực tiếp “vo gạo nấu cơm” tại gian hàng để mời khách tham quan “ăn thử để cảm nhận” và có thể mua những túi gạo 2kg, 5kg. “Túi gạo nhỏ gọn giúp khâu giới thiệu và bán hàng dễ dàng hơn. Cạnh đó, việc chăm chút bao bì, mẫu mã đẹp cũng giúp tăng nhận diện thương hiệu, nhanh chóng gây ấn tượng với khách hàng”- ông Nguyễn Văn Mười chia sẻ.
Trong khi đó, Công ty TNHH Sản xuất Thương Mại Green Heart B2B (TP Hồ Chí Minh) cũng nhận thấy nhu cầu sử dụng sản phẩm gạo còn rất lớn, nhất là các loại gạo chất lượng, tốt cho sức khỏe.
Theo anh Hồ Việt Quốc Bảo- Trưởng Phòng Marketing: “Sức mua các mặt hàng gạo, sản phẩm sau gạo cũng tăng mạnh trong những ngày tham gia festival. Người tiêu dùng ngày càng chú trọng đầu tư hơn về mặt sức khỏe của mình, lựa chọn những sản phẩm organic để bảo vệ sức khỏe.
Hơn nữa, sau khi Việt Nam được đăng quang 2 lần Gạo ngon nhất thế giới thì nhu cầu của thị trường cũng tăng cao. Hiện thị trường tiêu thụ của công ty chủ yếu là trong nước và xuất khẩu sang Malaysia, Singapore, Canada. Dự đoán cuối năm nay và trong năm 2024 thì thị trường gạo, dòng sản phẩm sau gạo sẽ ngày càng sôi động và đặc biệt là hoạt động xuất khẩu”.
Tham gia festival lần này, đơn vị Vĩnh Long đã đem đến những sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh. Anh Nguyễn Thanh Việt- người sáng lập Công ty TNHH MTV Nhật Ngọc (TP Vĩnh Long) chia sẻ: “Festival là cơ hội để doanh nghiệp có thể giới thiệu, quảng bá những hình ảnh, những sản phẩm đến với người tiêu dùng trong nước cũng như bạn bè quốc tế. Chúng tôi nhận thấy rằng khách địa phương ở đây cũng như là khách quốc tế đều rất quan tâm và thích thú chọn mua đặc sản của Vĩnh Long.
Đồng thời, đây cũng là dịp để các doanh nghiệp học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh. Từ đó, giúp doanh nghiệp hoàn thiện hơn, đưa sản phẩm tốt, chất lượng đến với bạn bè quốc tế, đồng thời là cơ hội để tìm thêm kênh tiêu thụ, mở đường cho sản phẩm vươn xa hơn”.
Tham quan tại các gian hàng lúa gạo, anh Bạch Tra (tỉnh Sóc Trăng) bày tỏ ấn tượng với sự đa dạng các loại gạo tại festival. “Ở đây tôi có thể tìm thấy rất nhiều nhãn hiệu gạo với thiết kế bắt mắt, đóng gói đa dạng, đặc biệt là thông tin dinh dưỡng được ghi rõ trên bao bì. Tôi thấy những sản phẩm như vậy rất phù hợp với tâm lý dùng thử của khách hoặc mua làm quà tặng, vừa lịch sự vừa thiết thực”- anh Bạch Tra chia sẻ.
“Chuyển mình” để nâng cao giá trị
Bên cạnh yêu cầu về gia tăng nhận diện thương hiệu thông qua thiết kế bao bì, các doanh nghiệp, HTX sản xuất lúa gạo cũng tập trung đa dạng hóa sản phẩm thông qua cải tiến chất lượng hạt gạo, mở rộng thị trường tiêu thụ bằng cách tham gia hoạt động xúc tiến thương mại. Theo đó, người tiêu dùng ngày càng quen thuộc hơn với những tên gọi gạo lứt hữu cơ, gạo sạch…
Nắm bắt xu hướng tiêu dùng của thị trường, ngoài thực hiện các giải pháp quảng bá tăng nhận diện thương hiệu, nhiều HTX đã chủ động sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ, an toàn. Đồng thời, tăng cường liên kết sản xuất- tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu lúa gạo.
Thành lập năm 2013, HTX Gạo sạch Tân Long (tỉnh Hậu Giang) là một trong những đơn vị tiên phong tại Hậu Giang thực hiện việc liên kết với nông dân để canh tác lúa hữu cơ, tạo ra gạo sạch để xuất khẩu. Không chỉ được biết đến với thương hiệu “Gạo sạch Vị Thủy” đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh, HTX còn ứng dụng tối đa cơ giới hóa trong các khâu sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Thích- Giám đốc HTX Gạo sạch Tân Long, chia sẻ: “Festival là dịp để quảng bá, để giới thiệu và cho các tỉnh, thành cả nước và bạn quốc tế đến để tham quan, nhận ra những cái hay, giá trị của vùng đất Hậu Giang nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Sắp tới HTX tiếp tục củng cố hồ sơ để nâng hạng cho sản phẩm “Gạo sạch Vị Thủy” đạt 5 sao, đồng thời tìm giải pháp tăng giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, an toàn môi trường”.
Trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam- Hậu Giang 2023, Bộ Nông nghiệp-PTNT cũng đã phát động đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, mở ra tiềm năng thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng ĐBSCL. Từ đó, góp phần khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, từ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam- Hậu Giang 2023 với slogan “Gạo xanh- Sống lành”, 3 tiêu chí hướng đến của lúa gạo Việt Nam trong tương lai: Vì người trồng lúa, vì người tiêu dùng, vì môi trường xanh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Việt Nam từng là nước “chạy gạo từng bữa”. Nhưng giờ đây, “cây lúa hôm nay” đã mở ra “đường lớn”, đưa chúng ta trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu cả về sản lượng và chất lượng. Gạo Việt Nam được vinh danh trong nhóm gạo ngon nhất thế giới.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều thách thức đặt ra do biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng. Vì vậy, chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo cần có những thích ứng linh hoạt để trở nên chuyên nghiệp và bền vững. Ngành lúa gạo không chỉ tạo ra các sản phẩm chất lượng cao mà còn góp phần kiến tạo nên một hệ sinh thái ổn định,
an lành.
|
Gian hàng Vĩnh Long với đa dạng sản phẩm đặc sản địa phương. |
“Chúng tôi hiểu rằng, quyền lợi và trách nhiệm của người trồng lúa Việt Nam luôn gắn bó mật thiết và là một phần không thể tách rời với chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo toàn cầu.
Đổi mới sáng tạo, ứng dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật phù hợp, đồng bộ dựa trên việc tiếp nối những kinh nghiệm tri thức bản địa; với tinh thần gìn giữ môi trường, tôn trọng thiên nhiên, là cách thức mà đội ngũ nông dân chuyên nghiệp tại Việt Nam đã và đang thực hiện, để hướng tới những cánh đồng phát thải thấp.
Đồng thời, phải xây dựng một nền sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm với con người và môi trường. Qua đó, góp phần tích cực vào ổn định an ninh lương thực thế giới. Đây luôn là mục tiêu chiến lược, là sự cam kết của ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong thời kỳ hội nhập”- Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Festival lúa gạo Việt Nam 2023 nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, cần cù, mến khách, yêu lao động và quảng bá nền văn minh lúa nước hàng ngàn năm nay của Việt Nam. Việt Nam cũng là nước đầu tiên xây dựng và phát triển kế hoạch 1 triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, đây cũng là một nhiệm vụ mang tính toàn dân, mang tính toàn cầu. Chúng ta thể hiện trách nhiệm của mình đối với cộng đồng quốc tế trong việc chống biến đổi khí hậu và xây dựng một nền nông nghiệp phát thải thấp”.
|
Bài, ảnh: THẢO LY- THẢO TIÊN