Theo một báo cáo năm 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam là 22%, tương đương với các quốc gia phát triển như Thụy Điển, Singapore và Pháp.
Theo một báo cáo năm 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam là 22%, tương đương với các quốc gia phát triển như Thụy Điển, Singapore và Pháp.
Để thúc đẩy văn hóa bình đẳng giới trong khởi nghiệp kinh doanh và tôn vinh thành tựu của lãnh đạo doanh nghiệp nữ, mới đây vườn ươm khởi nghiệp RMIT Activator tổ chức sự kiện “Empower HERpreneurship” (tạm dịch: Trao quyền cho nữ doanh nhân khởi nghiệp).
Các diễn giả cho rằng, doanh nhân nữ đang ngày càng dẫn dắt tác động xã hội, phát triển bền vững về môi trường và lãnh đạo có đạo đức. Họ đang tạo ra sự khác biệt tích cực trong cộng đồng xung quanh và hơn thế nữa. Trong khi đó, một trong những rào cản đáng kể với doanh nhân nữ là nguy cơ tự coi mình là nạn nhân và vật lộn với sự nghi ngờ bản thân. Các doanh nhân nữ phải đối mặt với những thách thức kép- họ không chỉ phải thuyết phục người khác về năng lực kinh doanh của mình mà còn phải tin vào chính mình.
Để vượt qua những trở ngại này, các nữ lãnh đạo nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tự mình nhận ra những rào cản đến từ bên trong và nâng cao sự tự tin thông qua việc không ngừng học tập và trau dồi kiến thức.
Khi được hỏi về sự độc đáo của phụ nữ khởi nghiệp, bà Phạm Hồng Vân- Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty CP Emmay- một doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm từ nấm, nhấn mạnh: “Sự ân cần vốn có ở phụ nữ, những phẩm chất khác như khả năng lắng nghe và quan tâm đến người khác.
Đây đều là những yếu tố khiến phụ nữ trở nên khác biệt trong lĩnh vực kinh doanh”. Theo bà Vân, chỉ có 20 công ty trên thế giới có công nghệ sợi nấm mà công ty của bà có: “Công nghệ này vốn không phức tạp nhưng đòi hỏi nhiều năm cống hiến không ngừng nghỉ. Chúng tôi phải mất 1.000 lần thử nghiệm mới đạt được thành công cuối cùng”.
Năm 2022, bà Vân lọt vào Top 30 toàn cầu trong cuộc thi thử thách công nghệ thực phẩm FoodTech Challenge do Chính phủ UAE tổ chức.
TS Jung Woo Han, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị nguồn nhân lực và Khởi nghiệp kinh doanh tại RMIT, cũng cho biết: “Đã qua rồi cái thời nữ doanh nhân chỉ dừng lại ở những doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ. Bởi nữ giới đã và đang đạt được những bước tiến đột phá về đổi mới sáng tạo, cũng như mạnh dạn ra mắt những thương hiệu mang tầm vóc quốc tế”.
LÝ AN