Thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, các địa phương trong huyện Mang Thít đã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và duy trì các mô hình kinh tế có hiệu quả. Qua đây, đã giúp người dân nâng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nhờ thủy lợi được đầu tư khép kín, giúp người dân chủ động nguồn nước tưới tiêu, phát triển sản xuất nông nghiệp. |
Thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, các địa phương trong huyện Mang Thít đã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và duy trì các mô hình kinh tế có hiệu quả. Qua đây, đã giúp người dân nâng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Phát triển mô hình kinh tế hiệu quả
Với diện tích đất ít, chưa tới 3,5 công, thay vì làm ruộng, thu nhập không cao, ông Nguyễn Hồng Khanh (ở ấp Tân An, xã Tân An Hội) đã chuyển sang nuôi lươn không bùn sau khi được Trung tâm Khuyến nông tập huấn kỹ thuật nuôi và được Nhà nước hỗ trợ 2.500 con lươn giống.
“Qua thời gian “vừa làm, vừa học”, tôi thấy lươn phát triển tốt. Hiệu quả kinh tế tương đối ổn định và không phải lo lắng về đầu ra như một số mặt hàng nông sản khác”- ông Khanh nói và cho biết: Vừa rồi, ông nuôi 5.000 con lươn, xuất bán với giá 110.000 đ/kg, thu lợi nhuận gần 40 triệu đồng sau gần 1 năm nuôi.
“Được Nhà nước quan tâm hỗ trợ như vậy tôi rất mừng. Nhìn chung, mô hình nuôi lươn khá hiệu quả. Tuy giá lươn thời điểm này xuống còn khoảng 90.000 đ/kg nhưng vẫn còn lời. Công việc nuôi lươn khá nhẹ nhàng và diện tích nuôi lươn không cần nhiều, chỉ khoảng 7 m2/bể (nuôi 2.500-3.200 con/bể), nên khá phù hợp với người lớn tuổi và có ít đất”- ông Khanh nói.
Hiện ông Khanh đang nuôi tổng đàn 11.100 con lươn, trong 3 bể lớn và 1 bể nhỏ. Ông dự kiến sắp tới sẽ xây thêm 3-4 bể để nâng đàn lươn lên 20.000-30.000 con, để tăng thu nhập trên mỗi ngày công. “Tôi mong sau này Nhà nước sẽ có thêm nhiều dự án, mô hình hay như thế này để có thêm nhiều người được tiếp cận và vươn lên phát triển kinh tế”- ông Khanh cho biết thêm.
Theo BCĐ Chương trình xây dựng NTM xã Tân An Hội, toàn xã hiện có 1.027,41ha đất nông nghiệp. Đến nay, 100% diện tích đất nông nghiệp được đầu tư hệ thống thủy lợi khép kín, giúp nông dân chủ động tưới tiêu, đảm bảo sản xuất và phục vụ đời sống. Trong đó, 30,45% diện tích cây trồng chủ lực của xã được đầu tư hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Để giúp người dân nâng cao thu nhập, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến cáo người dân thực hiện tốt việc chuyển đổi đất lúa lên vườn theo đúng quy hoạch. Đồng thời, duy trì các mô hình có hiệu quả để góp phần tăng thu nhập như: mô hình nuôi bò sinh sản, nuôi dê Boer, nuôi lươn không bùn…
Cùng với đó, thông qua chương trình hỗ trợ, đã giúp người dân đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác... Qua thống kê, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 68,05 triệu đồng/năm (quy định 68 triệu đồng), xã được Cục Thống kê công nhận đạt tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM nâng cao năm 2023.
Giúp người dân nâng thu nhập
Năm 2023, xã Mỹ An tiếp tục thực hiện tốt đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với liên kết tiêu thụ nông sản; thực hiện các mô hình giảm nghèo bền vững; xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài và đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động trong độ tuổi tham gia làm việc ở các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Nhờ sự quan tâm và hỗ trợ tích cực của các ngành chuyên môn, xã đã xây dựng được nhiều mô hình nổi bật như: nuôi vịt thương phẩm sản xuất trứng, trồng hành lá trên giá thể vi sinh, cải tạo vườn tạp kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, trồng màu xen vườn, màu chuyên canh...
Với tổng kinh phí thực hiện gần 77 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh gần 37 tỷ đồng, ngân sách huyện gần 32 tỷ đồng, vốn dân hơn 6,7 tỷ đồng, còn lại là vốn tài trợ, đã giúp người dân xã Mỹ An đầu tư phát triển sản xuất hiệu quả.
Qua thống kê, thu nhập bình quân của xã đạt 56,48 triệu đồng/năm, vượt 480.000đ so quy định, xã được Cục Thống kê công nhận đạt tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM năm 2023.
Theo ông Nguyễn Chí Quyết- Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Thít, trong thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, huyện triển khai, giới thiệu cho bà con nông dân đi tham quan học hỏi các mô hình mới có hiệu quả. Đồng thời, triển khai nhiều mô hình mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau khi triển khai thì tổ chức phối hợp với các đoàn thể cùng chính quyền nhân rộng các mô hình.
“Bên cạnh chúng tôi thường xuyên rà soát, kiểm tra, đối chiếu quy hoạch với kế hoạch để chỉ đạo, định hướng cho địa phương và người dân thực hiện, đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả của mô hình sản xuất nông nghiệp”- ông Nguyễn Chí Quyết cho hay.
Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước đã giúp cho người dân có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế. |
Ông Lê Văn Dũng- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh, nhận định:
“Tiêu chí thu nhập là mục đích của việc xây dựng NTM, khi xây dựng NTM thì đời sống vật chất và tinh thần của người dân phải được nâng lên. Do đó, khi khảo sát kết quả xây dựng NTM, NTM nâng cao; chúng tôi ưu tiên khảo sát các mô hình kinh tế, trao đổi trực tiếp với nông dân thay vì ngồi nghe báo cáo. Qua khảo sát cho thấy nông dân rất hài lòng với cuộc sống.
Đồng thời, các địa phương đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế hay để giúp người dân phát triển sản xuất. Đặc biệt, chúng tôi nhận thấy sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất lúa được các địa phương thực hiện rất tốt. Qua đó, đã góp phần giúp nguời dân nâng cao thu nhập.
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI