Theo GS.TS Sử Đình Thành- Giám đốc ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh (UEH): "Hiện nay, khi sự toàn cầu hóa và sự kết nối ngày càng mạnh mẽ, chính sách thuế đã trở thành một công cụ quan trọng để điều chỉnh và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia.
Chính sách thuế cần linh hoạt đáp ứng tình hình thực tiễn đề ra. |
Theo GS.TS Sử Đình Thành- Giám đốc ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh (UEH): “Hiện nay, khi sự toàn cầu hóa và sự kết nối ngày càng mạnh mẽ, chính sách thuế đã trở thành một công cụ quan trọng để điều chỉnh và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Các yếu tố như sự biến đổi công nghệ, thay đổi trong cách thức sản xuất và tiêu thụ, tình hình thương mại quốc tế không ngừng thay đổi đã tác động mạnh mẽ đến hệ thống thuế hiện tại”.
Hội thảo với chủ đề “Chính sách thuế trong bối cảnh biến động kinh tế toàn cầu” do ĐH UEH phối hợp Cục Thuế tỉnh Vĩnh Long vừa tổ chức, là diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức thực tế về chính sách thuế trong hoàn cảnh nền kinh tế thế giới liên tục thay đổi, biến động như hiện nay. Đây được xem là vấn đề đã và đang mang đến những cơ hội cũng như thách thức rất lớn đối với ngành thuế cả nước và ngành thuế tỉnh nói riêng.
Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử
Nhóm tác giả Lê Tuấn Mãnh, Nguyễn Quốc Bình, Nguyễn Thị Ánh Ngọc- Khoa Tài chính- Ngân hàng, UEH phân hiệu Vĩnh Long cho biết:
Dựa trên số liệu thu thập được từ một số tổ chức uy tín trên thế giới và kết quả điều tra từ khoảng 11.000 cá nhân người tiêu dùng và gần 10.000 doanh nghiệp, báo cáo thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2023 vừa được Cục TMĐT và Kinh tế số công bố cho thấy, TMĐT Việt Nam trong những năm qua ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Cụ thể, quy mô nền kinh tế internet của Việt Nam năm 2022 đạt 23 tỷ USD và dự báo năm 2025 sẽ đạt 49 tỷ USD. Doanh thu bán lẻ hàng hóa trực tuyến của Việt Nam năm 2022 đạt 14 tỷ USD nhưng con số này sẽ tăng lên 32 tỷ USD vào năm 2025.
Vì thế, theo nhóm tác giả, với bản chất của TMĐT là không có trụ sở giao dịch, không thực hiện giao dịch trên giấy và một số hàng hóa thực hiện trao đổi trong giao dịch là các hàng hóa vô hình (như các sản phẩm số), nên các giao dịch trong TMĐT là rất khó kiểm soát, vì vậy, các hành vi trốn thuế xảy ra thường xuyên và phổ biến hơn.
Có hai nhóm hành vi trốn thuế TMĐT phổ biến là: Không đăng ký kinh doanh/đăng ký nộp thuế và không kê khai hoặc kê khai thấp giá trị giao dịch/thu nhập để trốn thuế.
Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ lĩnh vực còn tương đối mới mẻ này. Để đáp ứng các yêu cầu về hội nhập kinh tế quốc tế, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến TMĐT cũng bước đầu được hình thành và bổ sung ở Việt Nam. Đó là, Luật Giao dịch điện tử, Luật Thương mại và Luật Quản lý thuế.
Trong đó, Luật Quản lý thuế năm 2019 đã bổ sung những quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT theo hướng xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hóa đơn điện tử, nộp thuế online.
Trong công tác khai thuế, tính thuế, Luật Quản lý thuế 2019 đã quy định nguyên tắc khai thuế, tính thuế riêng đối với hoạt động kinh doanh TMĐT. Cùng với đó, Luật Hải quan là một văn bản pháp luật có đóng góp tích cực vào việc triển khai chính phủ điện tử và TMĐT trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, nhóm tác giả nhận định, việc TMĐT phát triển nhanh chóng tại Việt Nam đã đặt ra những thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý thuế.
Đối với đặc trưng nền kinh tế số và TMĐT, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới, ngành thuế gặp không ít khó khăn. Do đó, “cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để quản lý thuế đối với hoạt động này, bao gồm hoàn thiện cơ sở pháp lý; tăng cường chia sẻ, kết nối thông tin với các cơ quan liên quan.
Ngành thuế cần đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; hiện đại hóa công tác quản lý thuế; xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro đối chiếu thông tin đối với hoạt động TMĐT, đặc biệt là hoạt động TMĐT xuyên biên giới; tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với cá nhân, tổ chức có hoạt động kinh doanh TMĐT”- nhóm tác giả đề xuất.
Chính sách thuế cần phải được bổ sung, hoàn thiện, linh hoạt
Các tham luận tại hội thảo cũng cho rằng, thuế đang dần trở thành nguồn thu chủ yếu của nền kinh tế. Và nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là nuôi dưỡng nguồn thu, đồng thời việc quản lý, điều hành công tác thuế phải linh hoạt đáp ứng tình hình thực tiễn đề ra.
GS.TS Sử Đình Thành cho rằng: “Dưới tác động của hội nhập kinh tế quốc tế và sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các nước trở nên phụ thuộc lẫn nhau ở mức độ sâu, rộng hơn.
Trên hầu hết phạm vi quốc gia, đối với hệ thống thuế hầu hết các nước phải điều chỉnh chính sách thuế và pháp luật thuế cho phù hợp với quy định quốc tế. Điều này làm nảy sinh những vấn đề như đánh thuế trùng giữa các nước hoặc cạnh tranh thuế giữa các nước để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Vì vậy, xuất hiện nhu cầu phải thương lượng, hợp tác nhiều hơn trong việc thúc đẩy và hợp tác quản lý thuế. Đáng lưu ý là hàng rào bảo hộ truyền thống như thuế quan, liên minh thuế quan đang dần được dỡ bỏ, song những biện pháp phi thuế quan mà bản chất là gây trở ngại cho thương mại quốc tế lại ngày càng trở nên đa dạng và được sử dụng nhiều hơn”.
Bà Lê Thị Hồng Lĩnh- Phó Cục trưởng Cục Thuế Vĩnh Long, cho biết: Thời gian qua, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí.
Các giải pháp chính sách tài chính- ngân sách nhà nước đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, góp phần giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được phục hồi và ngày càng được củng cố, phát triển tích cực.
Theo bà Hồng Lĩnh, từ thông báo nhanh kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa qua, Quốc hội cũng đã thông qua nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, tạo điều kiện cho việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.
Đây là điều cần thiết và có ý nghĩa tích cực về nhiều mặt, là một bước quan trọng đánh dấu sự chủ động của Việt Nam trong việc tuân thủ và áp dụng những quy định quốc tế về thuế.
Trong điều kiện kinh tế thế giới có nhiều biến động, thì đây cũng là một chính sách được ban hành kịp thời, vì các nước có vốn đầu tư ra nước ngoài về cơ bản sẽ áp dụng quy định này vào năm 2024 để thu thuế bổ sung, trong đó có nhiều nước đang có vốn đầu tư vào Việt Nam rất lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore…
Bà Hồng Lĩnh mong muốn: “Được lĩnh hội những thông tin bổ ích từ quý đại biểu để làm rõ hơn những vấn đề lý luận về thuế, sự cần thiết, cơ sở pháp lý, mục tiêu, yêu cầu hoàn thiện chính sách thuế trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực, chủ động hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng. Để chúng tôi sẽ có những đề xuất, kiến nghị và tham gia góp ý dự thảo luật sửa đổi, bổ sung, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thuế”.
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC