Cam sành lại rớt giá

05:12, 05/12/2023

Thời gian gần đây, tại các vùng trồng cam sành, nông dân đứng ngồi không yên bởi giá cam giảm sâu, khiến nông dân thua lỗ nặng.

 

 

Mùa thuận, lượng cam sành tăng nhiều trong khi sức mua chậm.
Mùa thuận, lượng cam sành tăng nhiều trong khi sức mua chậm.

Thời gian gần đây, tại các vùng trồng cam sành, nông dân đứng ngồi không yên bởi giá cam giảm sâu, khiến nông dân thua lỗ nặng.

Mùa thuận: Cam sành rớt giá

Có 6 công cam sành đã quá lứa thu hoạch nhưng chú Nguyễn Thanh Kỳ (xã Trà Côn, huyện Trà Ôn) vẫn chưa bán được dù đã liên hệ với thương lái nhiều lần. Chú Kỳ cho hay: “Thương lái kỳ kèo, cam đẹp thì mua giá 2.500 đ/kg, nhưng cam của tôi lỡ vụ, chín vàng như quýt tiều nên thương lái trả còn 2.000 đ/kg. Vậy mà còn chưa bán được”.

Tương tự như vườn của chú Kỳ, không ít vườn cam tới lứa thu hoạch đều khó tiêu thụ. Nếu tiêu thụ được thì ở giá rất thấp. Thậm chí có nơi thương lái không còn mua cam theo ký mà mua mão theo vườn với giá rẻ bèo.

Chú Nguyễn Văn Thanh (xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm) bày tỏ: “Đợt này vườn cam sành của tôi ước thu hoạch chừng 40 tấn. Mới đây, thương lái vào tận vườn thu mua với giá chỉ được 2.500 đ/kg.

Với giá này thì cầm chắc lỗ từ 40-50 triệu đồng/công. Nhưng cây đã đến thời gian thu hoạch nên buộc phải bán vì nếu không bán, neo trái chờ giữ giá thì cũng chỉ được thêm ít ngày, có khi neo lâu quá cây sẽ bị còi cọc, giảm sản lượng cho vụ tiếp theo, thậm chí dẫn đến chết cây”.

Ông Nguyễn Văn Tám- Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Trà Ôn, cho biết: Đây là mùa thuận, giá cam bấp bênh, những hộ trồng cam sành có liên kết bán được giá 6.000-7.000 đ/kg. Còn những hộ trồng bên ngoài bán khó hơn, có lúc bán 3.000-4.000 đ/kg, thấp hơn so với giá đầu tư ban đầu.

Theo nhiều tiểu thương, giá cam sành đến tay người tiêu dùng ở mức thấp như hiện nay là do cam đang vào vụ thuận. Trong khi loại trái cây chỉ dùng tiêu thụ nội địa nên nguồn cung đang vượt xa nhu cầu. Một số thương lái dự đoán, từ nay đến cuối năm giá cam sành khó cải thiện khi mà thị trường các tỉnh phía Bắc đang dần hẹp lại do bước vào mùa lạnh, nhu cầu tiêu thụ cam giảm mạnh.

Trong khi đó, tại TP Vĩnh Long cũng đã có nhiều điểm bán cam sành với giá từ 4.000-7.000 đ/kg, tuy nhiên sức mua cũng không cao. Chị Phan Thị Thảo- tiểu thương chợ Phường 4 (TP Vĩnh Long) cho biết: “Tôi nhập cam cũng cầm chừng, bán tới đâu lấy tới đó vì bán chậm quá, cam chín quá lại mau hư. Bình thường có giao cho mối nhưng giờ mối cũng không lấy nữa”.

Cần giải pháp lâu dài

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, diện tích trồng cam sành đã liên tục tăng theo tốc độ rất nhanh trong vòng 5 năm trở lại đây, đến nay đã tăng gấp đôi so với quy hoạch đến năm 2020.

Nguyên nhân là do lợi nhuận mang lại từ cây trồng này quá hấp dẫn, giá cam những năm 2015-2020 luôn ở mức cao, đặc biệt trong mùa nghịch giá cam có thể đạt mức 13.000-18.000 đ/kg. Trong khi đó, nông dân đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật canh tác nên năng suất cam sành không ngừng cải thiện, tăng từ 36,6 tấn/ha (2019) lên 44,1 tấn/ha (2023), cá biệt có nhiều vườn cho năng suất gần 100 tấn/ha.

Do đó, sản lượng cam sành đã vượt 900.000 tấn/năm. Với quy mô canh tác như hiện nay (18.000ha, năng suất bình quân 70 tấn/ha) thì nếu sản xuất rải vụ quanh năm, trung bình nông dân trong tỉnh sẽ bán ra thị trường khoảng 3.000 tấn cam/ngày, rất khó cho khâu tiêu thụ.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, hiện nay, chi phí đầu tư cho sản xuất cam sành cũng tăng theo tỷ lệ thuận với sản lượng có được.

Nguyên nhân là do giá phân bón, thuốc BVTV, các vật liệu dùng để bơm tát, công lao động, giống, cùng với dây cột để chống đỡ khi cây cam mang trái cũng tăng rất cao. Bình quân giá thành sản xuất gần 8.000 đ/kg, quy ra giá trị đầu tư trên 350 triệu đồng/ha. Đó là chưa kể một số trường hợp nông dân thuê đất trồng cam với chi phí từ 50-80 triệu đồng/ha/năm.

“Những năm gần đây nông dân liên tục mở rộng diện tích khiến sản lượng tăng mạnh. Sức mua yếu nhưng lượng cung quá ồ ạt dẫn đến tình trạng “cung vượt cầu”. Bên cạnh đó, cam là loại nông sản chưa thể chế biến, đóng gói để bảo quản lâu nên việc xuất khẩu còn nhiều hạn chế”- ông Nguyễn Văn Liêm cho biết thêm.

Để hạn chế tình trạng cam sành tăng trưởng nóng, cung vượt cầu, theo ông Nguyễn Văn Liêm, cần phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cây cam, sản xuất theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, tiến tới áp dụng đồng bộ các quy trình sản xuất tiên tiến, an toàn, có công nghệ bảo quản sau thu hoạch, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu sau này.

Bên cạnh đó, khi nông dân muốn chuyển đổi sang trồng cam phải nghiên cứu kỹ điều kiện nông hộ của mình. Khi muốn trồng cam trên đất ruộng phải tập trung theo vùng có điều kiện, tránh tràn lan, da beo, khó quản lý nước và các điều kiện khác.

Giá cam rẻ, nhiều vườn cam chín quá lứa.
Giá cam rẻ, nhiều vườn cam chín quá lứa.

“Bên cạnh đó, kiến nghị cần nghiên cứu, đầu tư dự án khoa học công nghệ về chế biến các sản phẩm từ cam sành, nhằm chuyển giao công nghệ chế biến, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cho các địa phương.

Trước mắt, cần hỗ trợ cho các địa phương xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho sản phẩm cam sành tại thị trường miền Trung, phía Bắc và những nước lân cận. Về lâu dài, đề nghị Bộ Nông nghiệp-PTNT đàm phán xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc”- ông Nguyễn Văn Liêm kiến nghị.

Cam giá rẻ, tồn đọng, nông dân bán lỗ vốn, nhiều nông dân không còn muốn chăm sóc vườn cam của mình. Thực trạng này đang rất đáng lo ngại bởi sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống của người nông dân, đồng thời cũng tác động xấu đến việc phát triển về kinh tế, xã hội của địa phương.

Một số nông dân trồng cam bày tỏ, tình trạng giá cam hiện nay đang có phần giống như năm trước. Thời điểm này năm ngoái, giá cam giảm thấp, nhiều nông dân neo trái đến qua Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, sau Tết giá cam còn rẻ hơn, ở mức thấp kỷ lục, nông dân cũng không thể tiêu thụ được. Nông dân mong rằng, các địa phương và ngành chức năng sẽ có giải pháp cụ thể để vụ cam năm nay không tái diễn tình trạng “giải cứu” cam sành như năm trước.

Bài, ảnh: TRÀ MY

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh