Trồng cây trái gì cũng cần tính đến nhu cầu thị trường

04:12, 01/12/2023

Ngành hàng sầu riêng Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ với kim ngạch xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt trên 1,5 tỷ USD, sau khi được thị trường Trung Quốc chính thức chấp thuận nhập khẩu chính ngạch.

Ngành hàng sầu riêng Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ với kim ngạch xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt trên 1,5 tỷ USD, sau khi được thị trường Trung Quốc chính thức chấp thuận nhập khẩu chính ngạch.

Điều này cũng dẫn đến nhiều như hiện tượng tranh mua, tranh bán; vi phạm các quy định của Nhà nước về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, an toàn thực phẩm cũng như tiêu chuẩn xuất khẩu.

Thực tế, từ cuối năm 2021 đến nay, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp-PTNT) liên tục cảnh báo việc người dân ồ ạt trồng cây sầu riêng tại các địa phương. Tuy nhiên, diện tích trồng sầu riêng không ngừng mở rộng. Người dân cũng sẵn sàng phá vườn cà phê, hồ tiêu, điều, hay trồng sầu riêng trên đất lúa...

Mặc dù, việc xuất khẩu sầu riêng còn phụ thuộc vào một vài thị trường nên tiềm ẩn nguy cơ “được mùa- mất giá”... Nếu nông dân sản xuất sầu riêng tự phát, không theo quy chuẩn xuất khẩu sẽ dẫn đến cung vượt cầu.

Còn nhớ, giai đoạn 2016-2019 là “thời hoàng kim” của cây mít Thái, có thời điểm giá lên đến 60.000 đ/kg. Nông dân các tỉnh ồ ạt trồng. Dẫn đến hệ quả là năm 2022, do ảnh hưởng dịch COVID-19, thị trường Trung Quốc hạn chế thu mua, giá mít Thái sụt giảm xuống chỉ còn 2.000-3.000 đ/kg khiến nhiều hộ chặt bỏ, chuyển sang cây trồng khác…

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp-PTNT, diện tích cây trồng chủ lực ở nhiều địa phương đang vượt quy hoạch. Thực tế, quy hoạch sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ là định hướng chiến lược của cơ quan quản lý, tuy nhiên việc “phá rào” trồng cây ăn trái tự phát khiến tình trạng “trồng- chặt, chặt- trồng” vẫn tái diễn.

Bởi đa số nông dân cứ chạy theo kiểu phong trào, khi thấy cây gì dễ trồng, được giá thì ồ ạt trồng mà không nắm chắc tình hình thị trường. Nên thường bị động, phụ thuộc, cuối cùng lại mắc vào vòng luẩn quẩn “trồng nhiều- sản lượng lớn- giá thấp”.

Thế nên, rất cần có vai trò “nhạc trưởng” trong điều phối, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa các địa phương; kết nối tiêu thụ, cung ứng sản phẩm giữa địa phương và các đô thị trung tâm; bảo đảm sự ổn định, cạnh tranh lành mạnh, giữ vững uy tín chất lượng trái cây khi xuất khẩu. Có như vậy, người nông dân mới có thể tránh điệp khúc “được mùa, mất giá- được giá, mất mùa”.

LÝ AN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh