Hướng tới tăng trưởng xanh

11:12, 08/12/2023

Tại COP28 diễn ra tại Dubai (UAE) vừa qua, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh Việt Nam sẽ đạt phát thải ròng bằng 0% vào năm 2050. Qua đó, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Tại COP28 diễn ra tại Dubai (UAE) vừa qua, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh Việt Nam sẽ đạt phát thải ròng bằng 0% vào năm 2050. Qua đó, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Tại hội thảo “Thu hút đầu tư xanh: Lọc ngành hay giảm phát thải?” do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 5/12, ông Đỗ Văn Sử- Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho biết: Trong quá trình thực hiện hướng tới tăng trưởng xanh, có hai chủ thể chính là Nhà nước và các tổ chức, các doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất.

Việt Nam đã đưa ra bộ chỉ tiêu về đánh giá của tăng trưởng xanh khiến các đối tác quốc tế khá ngạc nhiên do không phải là quốc gia đi đầu nhưng rất tích cực trong quá trình triển khai. Trong kế hoạch quốc gia về hành động hướng tới tăng trưởng xanh mà Chính phủ đã công bố đưa ra 4 nhóm mục tiêu. Thứ nhất là giảm phát thải của toàn bộ nền kinh tế; thứ hai là xanh hóa các ngành; thứ ba là xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; thứ tư là xanh hóa quá trình chuyển đổi.

Thời gian tới, Việt Nam sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường tài chính xanh và thị trường carbon là những ưu tiên cần thực hiện. Hiện, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ TN-MT cùng các cơ quan liên quan xây dựng quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục phân loại xanh theo nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, làm căn cứ để các chủ thể phát hành lựa chọn dự án xanh để sử dụng vốn từ trái phiếu xanh.

Ông Vũ Tiến Lộc- Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng: Việt Nam cần xây dựng chiến lược quốc gia phù hợp cho từng ngành, từng lĩnh vực và có sự phối hợp liên ngành. Các bộ, ngành phối hợp xây dựng bộ chỉ tiêu phát triển xanh phù hợp, phân loại xanh, tiêu chuẩn định mức đi theo là gì để các địa phương ghi nhận đầu tư.

Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng theo chuẩn quốc gia đó để thúc đẩy và giám sát đầu tư. Cần phải có những dự án tiên phong bứt phá vươn lên, tạo đột phá trong chuyển đổi xanh của nền kinh tế; chọn một số địa phương làm thí điểm. Đặc biệt, phải quan tâm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ để có chính sách phù hợp, hỗ trợ về nhận thức, quản trị để thực hiện chuyển đổi xanh.

LÝ AN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh