Áp dụng IPHM trên cây cam sành: Khỏe cây, giảm chi phí, thêm lợi nhuận

12:12, 12/12/2023

Áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây cam sành không chỉ giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng giá trị của cam sành mà còn tạo ra môi trường an toàn cho người trồng, cây cam có sức sống bền hơn. Từ những kết quả đạt được từ mô hình, đã tạo động lực để nhiều nông dân (ND) tiếp tục áp dụng, mở ra hướng đi mới cho ND trồng cam theo hướng bền vững.

 

Vườn cam sành áp dụng IPHM phát triển tốt, tăng năng suất, chất lượng.
Vườn cam sành áp dụng IPHM phát triển tốt, tăng năng suất, chất lượng.

Áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây cam sành không chỉ giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng giá trị của cam sành mà còn tạo ra môi trường an toàn cho người trồng, cây cam có sức sống bền hơn. Từ những kết quả đạt được từ mô hình, đã tạo động lực để nhiều nông dân (ND) tiếp tục áp dụng, mở ra hướng đi mới cho ND trồng cam theo hướng bền vững.

Theo ngành nông nghiệp, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều bất lợi, như: giá vật tư nông nghiệp tăng cao, giá cả nông sản bấp bênh nên ND không an tâm sản xuất. Trong khi đó, ND chủ yếu phòng trừ bằng biện pháp hóa học gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe.

Cụ thể, trong canh tác cây cam sành, ND vẫn còn lạm dụng hóa chất vật tư đầu vào (phân bón hóa học và thuốc BVTV), sử dụng cùng một giống trên diện rộng và liên tục nhiều năm là nguyên nhân cơ bản làm cho dịch hại dễ bùng phát và khó kiểm soát, đồng thời, ảnh hưởng đến sức khỏe người trồng, người tiêu dùng và môi trường, gây nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để giúp ND tìm ra giải pháp sản xuất an toàn và bền vững, góp phần thay đổi tập quán canh tác truyền thống, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh việc ứng dụng biện pháp canh tác IPM, IPHM, từ đó, xây dựng mô hình sản xuất bền vững theo hướng an toàn, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng.

Cụ thể, vừa qua, mô hình áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) được thực hiện từ tháng 6/2023 tại huyện Trà Ôn, trên vườn cam sành vừa thu hoạch trái lứa đầu tiên đã mang lại nhiều kết quả.

Theo đó, ND được ngành chuyên môn hướng dẫn nâng độ pH đất, tăng cường bón phân hữu cơ, nấm vi sinh có lợi để cải tạo đất nhằm giúp bộ rễ phát triển tốt. Mặt khác, chú trọng sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh có nguồn gốc sinh học và phun khi thật cần thiết chứ không phun định kỳ, nhân nuôi các loài thiên địch trong vườn.

Kết quả cho thấy, vườn cam trong mô hình pH đất cải thiện rõ rệt so với vườn đối chứng, rễ cây phát triển mạnh, ND giảm được chi phí nhờ giảm lần phun thuốc trừ sâu, giảm phun xử lý ra hoa, giảm sử dụng phân hóa học, tăng sử dụng phân hữu cơ.

Kết quả ước tính chi phí sản xuất cam sành trong mô hình khoảng 2.900 đ/kg, thấp hơn 900 đ/kg so với vườn đối chứng. Ước tính được năng suất của mô hình là 95 tấn/ha và năng suất ngoài mô hình ước đạt 90 tấn/ha.

Có 5 công trồng cam sành tham gia mô hình, chú Nguyễn Thanh Bình (xã Hựu Thành, huyện Trà Ôn) cho biết: Trước kia, do trồng theo kinh nghiệm nên vườn cam thường xuyên phát sinh sâu bệnh. Cùng với đó do sử dụng thuốc BVTV chưa đúng quy trình, lạm dụng phân bón hóa học trong thời gian dài để bón cho cây đã làm đất suy thoái.

Từ khi áp dụng IPHM, quá trình trồng và chăm sóc được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật rất bài bản. Qua 6 tháng cho thấy, cam sành sinh trưởng và phát triển tốt, đất được cải tạo trở nên tơi xốp, mật độ thiên địch tăng lên, tỷ lệ sâu bệnh hại thấp. Đặc biệt là cây cam khỏe, sống tốt hơn so với cách trồng truyền thống trước kia.

Trong thời gian thực hiện mô hình, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cũng đã đào tạo được 25 ND nắm vững quy trình về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp. Qua đó, góp phần giúp ND nâng cao kiến thức và ý thức trong việc sản xuất cam sành an toàn và hiệu quả.

Tham gia lớp tập huấn, chú Phan Văn Bảy (xã Hựu Thành, huyện Trà Ôn) cho hay: “Thông qua mô hình giúp tôi thay đổi cách chăm sóc cam theo hướng tiết kiệm an toàn hơn. Trước đây, tôi trồng cam theo cảm tính, thấy cam bệnh là xịt thuốc mà nhiều khi không trúng bệnh, tốn chi phí. Giờ được hướng dẫn kỹ thuật trồng, biết cam cần gì để bón phân hữu cơ đúng lúc, trị bệnh kịp thời. Nhờ đó, giảm được chi phí, cây tăng tuổi thọ”.

Theo ngành nông nghiệp, việc áp dụng IPHM rất cần thiết, góp phần bảo vệ sản xuất, kiểm soát mức độ suy thoái đất, sức khỏe con người, môi trường, phù hợp với những định hướng, mục tiêu mà ngành nông nghiệp hướng tới là phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, ND thông minh.

Ông Trần Duy Thinh- Trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Trà Ôn, cho hay: Toàn huyện có khoảng 10.500ha trồng cam. Trong đó, đa số ND thuê đất để trồng cam sành, canh tác theo hướng hóa học. Cây cam mau cho trái nhưng tuổi thọ không bền, chỉ từ 3-5 năm là cây suy.

Do đó, việc triển khai mô hình IPHM giúp ND thay đổi cách canh tác theo hướng sinh học, giúp cây khỏe, đất khỏe, bảo vệ các loài thiên địch như kiến vàng, bọ rùa, nấm ký sinh rệp sáp… Từ đó, giúp ND giảm chi phí phân thuốc hóa học, nâng tuổi thọ cho cây cam, đảm bảo năng suất từ 9-10 tấn/công, đồng thời nâng chất lượng trái cam sành.

“Thời gian tới, trạm sẽ tiếp tục phối hợp với các xã tăng cường hướng dẫn cho ND các kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, đồng thời, vận động ND tiếp tục duy trì và mở rộng mô hình IPHM, không chỉ trên cây cam sành mà trên các loại cây trồng khác”- ông Thinh cho biết thêm.

Theo ngành chức năng, trước thực trạng giá cam sành không ổn định xảy ra trong những năm gần đây, thì việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật, thay đổi tập quán canh tác để giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm, là một trong những biện pháp để trồng cam sành mang lại hiệu quả bền vững, tránh tình trạng được mùa mất giá, cung vượt cầu như trong thời gian qua.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh