Từ đầu năm đến nay, với những khó khăn khách quan lẫn chủ quan đã ảnh hưởng đến tình hình phục hồi kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao, Vĩnh Long cũng đạt được nhiều kết quả trong việc thu hút đầu tư, cũng như tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thu hút doanh nghiệp (DN) trong thời gian tới.
|
Nguồn nhân lực và lao động của tỉnh từng bước đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong ảnh: Một lớp học nâng cao trình độ ở một doanh nghiệp FDI. |
Từ đầu năm đến nay, với những khó khăn khách quan lẫn chủ quan đã ảnh hưởng đến tình hình phục hồi kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao, Vĩnh Long cũng đạt được nhiều kết quả trong việc thu hút đầu tư, cũng như tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thu hút doanh nghiệp (DN) trong thời gian tới.
Vượt khó thu hút đầu tư
Theo UBND tỉnh, năm 2023, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong năm 2022 với sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành đúng hướng, linh hoạt của Chính phủ và việc tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả của UBND tỉnh, các cấp, các ngành về các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, tình hình thế giới trong năm 2023 tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế phục hồi chậm, tăng trưởng thấp, lạm phát ở mức cao, nhiều quốc gia duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, giá dầu tăng cao,... đã tác động mạnh mẽ đến chuỗi cung ứng hàng hóa, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, ảnh hưởng lớn đến tình hình cả nước nói chung và của tỉnh Vĩnh Long nói riêng.
Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, từ đầu năm đến nay, nhiều hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư được tỉnh tích cực triển khai đẩy mạnh, nổi bật là các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và một số lĩnh vực khác với các đối tác Nhật Bản và Ấn Độ.
Việc thu hút vốn đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành phát triển kinh tế- xã hội, luôn được lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long quan tâm chỉ đạo quyết liệt, nhất quán và xuyên suốt.
Theo Sở KH-ĐT, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tiếp xúc và làm việc với 37 lượt nhà đầu tư, trong đó có 15 lượt nhà đầu tư nước ngoài đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh.
Qua đó, đã cấp mới chủ trương đầu tư, chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án (trong đó có 2 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký tương đương trên 3.152 tỷ đồng và 15,81 triệu USD, có 6 dự án đầu tư mở rộng (trong đó có 5 dự án FDI) với số vốn đăng ký tăng thêm 23,9 tỷ đồng và 31 triệu USD.
Nhiều giải pháp thu hút đầu tư
Cũng theo UBND tỉnh, bên cạnh kết quả đạt được, thời gian qua, việc thu hút vốn đầu tư vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, do vẫn còn một số khó khăn hạn chế như: kết cấu hạ tầng kỹ thuật của tỉnh và của vùng chưa đồng bộ để đáp ứng nhu cầu của DN, nhà đầu tư;
chưa có giải pháp hiệu quả để thu hút vốn đầu tư về vùng nông thôn; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án; lãi suất tín dụng còn cao, DN khó tiếp cận vốn vay,… chưa đáp ứng được yêu cầu của các DN, nhà đầu tư. Qua đó, so với cùng kỳ năm 2022, số dự án FDI được cấp mới chứng nhận đăng ký đầu tư giảm 3 dự án và 86,37 triệu USD.
Do đó, nhằm đẩy mạnh và phát huy hiệu quả hơn nữa các nguồn vốn đầu tư trong thời gian tới, UBND tỉnh cho biết sẽ cần tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch phục vụ cho công tác thu hút đầu tư; nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển theo quy hoạch, bảo đảm tính liên ngành, liên vùng.
Chú trọng công bố rộng rãi quy hoạch đã được phê duyệt, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư. Huy động mọi nguồn lực để nhanh chóng triển khai, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch để tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư phát triển...
Trong khi đó theo Sở KH-ĐT, thời gian tới sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả đầu tư công để tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển, theo đó ưu tiên phân bổ vốn cho các công trình cấp bách, trọng điểm của tỉnh.
Điều chỉnh cơ cấu đầu tư công theo hướng giảm dần tỷ trọng và nâng cao hiệu quả. Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, đặc biệt là giao thông, thủy lợi theo hướng lồng ghép đa mục tiêu, tăng khả năng chống chịu với thiên tai, biến đổi khí hậu.
Nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng y tế, giáo dục và thông tin truyền thông hướng đến chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đầu tư các khu tái định cư phục vụ người dân bị ảnh hưởng bởi việc thi công các dự án, công trình hạ tầng, bị ảnh hưởng bởi thiên tai,…
|
Tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút doanh nghiệp đến tìm hiểu và đầu tư. Ảnh minh họa |
Đồng thời tăng cường thu hút đầu tư từ các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước nhằm duy trì các động lực tăng trưởng hiện tại và tạo ra các động lực tăng trưởng mới.
Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư trong việc cung cấp thông tin về dự án cần thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ nhà đầu tư sau cấp phép và đẩy mạnh xây dựng các thương hiệu địa phương…
“Sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư. Tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, nhà đầu tư, HTX phát triển sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường.
Thường xuyên rà soát, đơn giản hóa các thủ tục, thời gian cấp phép, các chi phí,... cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN, nhà đầu tư sớm triển khai thực hiện dự án, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh”- Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời cho biết.
Theo UBND tỉnh, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải cách chế độ công vụ. Tổ chức triển khai thực hiện tốt chỉ thị của tỉnh về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh. Đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Long đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số và chuyển đổi số, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh trên địa bàn tỉnh.
|
Bài, ảnh: CÔNG NGÔN