Theo ngành nông nghiệp, hiện trong tỉnh đã thu hoạch gần dứt điểm vụ lúa Thu Đông, với hơn 90% diện tích xuống giống. Nhìn chung, vụ lúa này nông dân phấn khởi, thắng lợi, bởi giá bán càng về cuối vụ càng cao và tiếp tục đạt mức kỷ lục trong khi năng suất cũng ở mức tốt.
|
Giá lúa cao, năng suất tốt, nông dân phấn khởi vì vụ lúa thắng lợi. |
Theo ngành nông nghiệp, hiện trong tỉnh đã thu hoạch gần dứt điểm vụ lúa Thu Đông, với hơn 90% diện tích xuống giống. Nhìn chung, vụ lúa này nông dân phấn khởi, thắng lợi, bởi giá bán càng về cuối vụ càng cao và tiếp tục đạt mức kỷ lục trong khi năng suất cũng ở mức tốt.
Được mùa, giá cao
Nhiều nông dân cho hay, ngay từ khi mới gieo sạ vụ Thu Đông khoảng 1 tháng, nhiều thương lái đã tìm mua lúa của nông dân với giá dao động từ 150.000-160.000 đ/giạ, tương đương 7.500-8.000 đ/kg lúa. Càng về cuối vụ, giá lúa thương phẩm càng tăng cao, có nơi được thương lái thu mua với giá 8.800-9.000 đ/kg.
Trong khi đó, thời tiết thuận lợi, nông dân có kỹ thuật thâm canh tốt đồng thời ngành chuyên môn có giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ nông dân quản lý dịch hại nên năng suất lúa trung bình vụ này cao hơn 0,12 tấn/ha so với cùng vụ năm ngoái.
Là một trong những ruộng thu hoạch muộn nhất ở cánh đồng xã Tân Long (Mang Thít), chú Lê Văn Mười cho biết: “Tôi có 4 công lúa, đã lấy tiền cọc với giá 160.000 đ/giạ, đến lúc thu hoạch giá lúa cao hơn, nên được thương lái tăng thêm tiền do đó lợi nhuận cũng cao hơn. Vụ này lúa được 26-27 giạ/công, sau khi trừ chi phí còn lời khoảng 2-3 triệu đồng/công”.
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, vụ lúa Thu Đông toàn tỉnh đã xuống giống 33.837ha, đạt 112,8% so kế hoạch (30.000ha), tăng 44,7% (hay tăng 10.461ha) so cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân dẫn đến tăng diện tích sản xuất lúa trong vụ Thu Đông là do thị trường xuất khẩu gạo tăng mạnh, khiến nông dân mạnh dạn xuống giống.
Để đảm bảo năng suất lúa vụ Thu Đông, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tăng cường công tác thăm đồng, điều tra, bám sát từng địa bàn cụ thể, phát hiện sớm sâu bệnh hại trên lúa (đặc biệt lưu ý chuột, bệnh đạo ôn lá, cổ bông, vàng lá chín sớm, lem lép hạt,…) và hướng dẫn phòng trị kịp thời.
Bên cạnh đó, xây dựng quy trình phòng trừ dịch hại cụ thể, phù hợp với đặc điểm canh tác của bà con từng địa phương, kịp thời cung cấp thông tin hướng dẫn nông dân các giải pháp phòng trị hiệu quả, đảm bảo đạt năng suất và hiệu quả kinh tế.
Bên cạnh đó, thời gian qua, cũng có sự chuyển dịch tích cực là giảm tỷ lệ giống lúa chất lượng thấp sang sử dụng giống lúa chất lượng cao. Cụ thể, giống lúa chất lượng cao đạt 73,8%, tăng 4,93% so cùng kỳ năm trước; giống lúa chất lượng trung bình giảm 6,28% so cùng kỳ năm trước.
Ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Vũng Liêm cho biết: “Vụ lúa Thu Đông năm nay, năng suất lúa từ 5,8-6,2 tấn/ha, năng suất này cao hơn so với kế hoạch. Với giá lúa từ 8.600-8.800 đ/kg, chúng tôi nhận thấy khá cao, giá tốt, nông dân mừng vì lợi nhuận tăng”.
Doanh nghiệp chủ động nguồn hàng
Theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo, giá lúa khu vực ĐBSCL nói chung trong đó có tỉnh Vĩnh Long tăng cao thời điểm cuối vụ là do nguồn cung giảm trong khi nhu cầu gạo xuất khẩu vẫn còn. Mặt khác, các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua để có cơ sở đấu giá các gói thầu của đối tác.
Ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phước Thành IV (Long Hồ) cho hay: “Trong khoảng 2 tuần qua, giá lúa ở ĐBSCL đã đẩy lên hơn 1.000 đ/kg lúa. Thông tin Indonesia đấu thầu 500.000 tấn gạo hạt dài thì các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua để có chân hàng đấu thầu. Do đó, việc các hợp đồng đã ký trước đó tới ngày thu mua để giao cho kịp hợp đồng trong tháng 11 này”.
Theo các chuyên gia kinh tế, khi lệnh cấm của Ấn Độ chưa có tín hiệu bãi bỏ trong thời điểm đến đầu năm 2024 thì nguồn gạo của Việt Nam là nhà cung cấp lớn của thế giới. Do đó, các doanh nghiệp chủ động nguồn hàng để tìm các đối tác phù hợp cho hoạt động giao dịch của các doanh nghiệp.
|
Giá lúa cao do nguồn cung giảm trong khi các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua để có cơ sở đấu giá các gói thầu xuất khẩu. |
Để doanh nghiệp tận dụng cơ hội xuất khẩu gạo trong thời gian tới, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện nay đang đứng trước cơ hội lớn, nhưng cũng không ít rủi ro.
Nhất là đối với các doanh nghiệp không có vùng sản xuất nguyên liệu và không có lượng gạo dự trữ trong kho phục vụ xuất khẩu vì giá lúa gạo trong nước có thể biến động tăng cao theo cung- cầu của thế giới.
Do đó, doanh nghiệp cần chủ động về nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định với mức giá hợp lý, đảm bảo có lợi khi xuất khẩu, khi ký hợp đồng xuất khẩu phải lưu ý sự biến động của giá nguyên liệu đầu vào, tránh rủi ro khi ký xong hợp đồng, giá trong nước tăng đột biến và không có nguồn gạo để giao cho đối tác.
Theo ngành nông nghiệp, năm nay, diện tích sản xuất Thu Đông tăng bên cạnh giá trị lúa thương phẩm ở mức cao không chỉ góp phần tăng lợi nhuận cho người trồng lúa mà còn tác động rất lớn vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp giai đoạn cuối năm. Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, cho biết: Những năm trước, cây lúa là cây thường không đạt kế hoạch cũng như chỉ số lợi nhuận của nông dân ở mức thấp, nhưng năm nay đã đạt cả 2 về số lượng và giá bán cho nên là vừa tăng lợi nhuận cho nông dân vừa đảm bảo kế hoạch của ngành nông nghiệp. Đây là bước đà rất tốt cho thực hiện nhiệm vụ năm 2023 về chỉ số tăng trưởng, đồng thời cũng là cơ hội để phấn đấu tốt hơn nữa trong nửa nhiệm kỳ còn lại của giai đoạn 2021-2025.
|
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG