Thời gian qua, TX Bình Minh đã định hướng sản xuất nông nghiệp (NN) theo hướng ứng dụng công nghệ cao (CNC), sản xuất an toàn, hữu cơ, VietGAP... Đồng thời, chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình ứng dụng CNC vào trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ đó, kinh tế NN tại địa phương đã chuyển biến rõ nét và đạt nhiều kết quả tích cực.
Mô hình trồng mít ruột đỏ Indo của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đồng Xanh. |
Thời gian qua, TX Bình Minh đã định hướng sản xuất nông nghiệp (NN) theo hướng ứng dụng công nghệ cao (CNC), sản xuất an toàn, hữu cơ, VietGAP... Đồng thời, chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình ứng dụng CNC vào trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ đó, kinh tế NN tại địa phương đã chuyển biến rõ nét và đạt nhiều kết quả tích cực.
Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đúng hướng
Năm 2023, TX Bình Minh đã thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng, NN ứng dụng CNC được quan tâm thực hiện, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, an toàn thực phẩm ngày càng được mở rộng, xây dựng được nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.
Cụ thể, tiếp thu quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy về việc điều chỉnh, bổ sung một số chỉ tiêu thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành NN theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Nghị quyết số 03-NQ/TU, về phát triển NN ứng dụng CNC giai đoạn 2021-2030, Thị ủy Bình Minh đã tập trung lãnh chỉ đạo công tác phát triển sản xuất theo định hướng NN chất lượng cao, NN sạch, có giá trị gia tăng cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Từng bước gắn phát triển sản xuất với du lịch, sản xuất phải được đầu tư hạ tầng đồng bộ, có nhãn hiệu, có liên kết, có mã số vùng trồng, chứng nhận OCOP; trong đó tập trung ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho các cây trồng chủ lực của thị xã theo định hướng của tỉnh là bưởi năm roi, xà lách xoong, cây đặc sản thanh trà.
Đồng thời, khuyến khích chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại có giá trị kinh tế cao, góp phần hình thành các vùng chuyên canh lớn như: bưởi năm roi 1.198ha, xà lách xoong 100ha, mít 530ha, chanh không hạt 289ha.
Năm 2023, thị xã đã đầu tư hoàn thành xây dựng vùng nguyên liệu xà lách xoong ấp Thuận Thành (xã Thuận An) với 23,55ha của 50 hộ sản xuất đạt chứng nhận VietGAP, đạt OCOP 3 sao.
Đầu tư hạ tầng điện, đường giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất tương đối đồng bộ, sản phẩm có nhãn hiệu hàng hóa, được kết nối vào hệ thống siêu thị, triển khai thí điểm thành công 4 điểm mô hình ứng dụng tự động hóa tưới qua smartphone, 6 điểm mô hình ứng dụng phân hữu cơ khắc phục chết cây vào mùa khô.
Trong năm, thị xã đã chủ động phối hợp các nhà khoa học nghiên cứu, triển khai thí điểm thành công 6 điểm mô hình khắc phục hiện tượng vàng lá trên bưởi năm roi. Từ kết quả đó, đã hỗ trợ nhân rộng mô hình đạt 17ha với 23 hộ tham gia.
Công tác hỗ trợ liên kết, tìm thị trường tiêu thụ nông sản trong năm cũng đạt một số kết quả. Đã hỗ trợ kết nối 3 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất liên kết đưa hàng hóa vào siêu thị Sài Gòn Coop với 5 chủng loại sản phẩm, thực hiện liên kết 34 hộ trồng chanh không hạt với Công ty The Fruit Republic để xuất khẩu sang châu Âu với diện tích 22ha.
Nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả cao
Thị xã đã xây dựng và duy trì, phát triển nhiều mô hình sản xuất NN mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, có một số mô hình có tác động lan tỏa, nhân rộng trong cộng đồng.
Điển hình như mô hình sản xuất các sản phẩm chế biến chuyên sâu từ nguyên liệu thiên nhiên của Công ty Nguyên liệu xanh Thủy Tùng với trên 20 loại sản phẩm. Mô hình có khả năng kết nối với các cơ sở sản xuất nhỏ, nông dân trong liên kết công nghệ, dây chuyền máy móc, cung ứng nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp.
Mô hình trồng nấm mối đen của Công ty Nấm Bình Minh tại xã Mỹ Hòa, có khả năng hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật với nông dân có nhu cầu. Mô hình trồng mít ruột đỏ xuất khẩu của HTX NN CNC Đồng Xanh của xã Đông Thạnh với 30ha, có khả năng liên kết, mở rộng vùng trồng với nông dân.
Là một trong những mô hình được đánh giá hiệu quả và có khả năng nhân rộng, anh Hồ Văn Sáu- Giám đốc HTX NN CNC Đồng Xanh, cho biết: Thành lập từ tháng 7/2023, HTX có 12 thành viên với diện tích sản xuất 15ha vốn điều lệ 3,9 tỷ đồng. HTX sẽ thực hiện các dịch vụ cơ bản cho thành viên như: cung cấp giống cây trồng, phân thuốc, kỹ thuật trồng trọt, làm đất; bơm tát, thu hoạch; bảo quản và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên.
“HTX được thành lập với mục tiêu hỗ trợ thành viên tổ chức sản xuất hiệu quả, tạo việc làm cho các lao động là thành viên HTX; chủ động liên kết sản xuất với công ty, doanh nghiệp, để tổ chức tốt việc cung ứng dịch vụ, sản phẩm của HTX; góp phần tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, hạn chế rủi ro, nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất của thành viên và các hộ dân trong khu vực; làm gia tăng giá trị và thu nhập trên đơn vị diện tích; thúc đẩy kinh tế thành viên và các hộ dân phát triển; xây dựng HTX hoạt động hiệu quả.
Hiện HTX đang trồng các loại nông sản chủ yếu như mít ruột đỏ, chanh không hạt. Trong đó, giống mít ruột đỏ Indo lá bầu cho hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định”- anh Sáu cho biết thêm.
Tuy nhiên, ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế trong nước, trong tỉnh; doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay, thiếu đơn hàng, nguyên liệu đầu vào đã ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp và người dân. Tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai sạt lở bờ sông diễn ra ngày càng phức tạp, kinh phí khắc phục sạt lở lớn, cần sự hỗ trợ của tỉnh.
Ông Nguyễn Thanh Cần- Chủ tịch UBND TX Bình Minh, cho biết: Thời gian tới, thị xã sẽ tiếp tục cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 1/12/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển NN ứng dụng CNC giai đoạn 2021-2030; nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả, các mô hình thực nghiệm sản xuất theo hướng hữu cơ, phát triển làng nghề, sản phẩm OCOP…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- Nguyễn Thành Thế đánh giá cao những kết quả đạt được của TX Bình Minh; nhất là những mô hình NN ứng dụng CNC cho năng suất và chất lượng cao, tăng nguồn thu nhập cho nông dân.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu thị ủy tiếp tục tăng cường quan tâm hỗ trợ tốt cho các mô hình NN mới, có triển vọng; lựa chọn thế mạnh đặc trưng của địa phương để đầu tư phát triển. Đồng thời, đẩy mạnh tiến độ thực hiện các công trình đầu tư công; hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất NN.
Bài, ảnh: YẾN- LY