Thuận An vui mùa rẫy mới

06:11, 29/11/2023

Trong tiết trời se lạnh cuối năm, người dân vùng rau xã Thuận An (TX Bình Minh) hân hoan với vụ thu hoạch mới được mùa, được giá... Niềm vui như được nhân lên khi Thuận An tiến gần đến xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh.

 

 

Ông Tư Xệ phấn khởi vì trồng xà lách xoong có giá.
Ông Tư Xệ phấn khởi vì trồng xà lách xoong có giá.

Trong tiết trời se lạnh cuối năm, người dân vùng rau xã Thuận An (TX Bình Minh) hân hoan với vụ thu hoạch mới được mùa, được giá... Niềm vui như được nhân lên khi Thuận An tiến gần đến xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh.

Và mới đây, Cục Thống kê đã xác nhận thu nhập bình quân đầu người của xã Thuận An đạt 75,3 triệu đồng/năm, đạt tiêu chí thu nhập của xã NTM kiểu mẫu năm 2023. Với kết quả này, Thuận An tiếp tục dẫn đầu về thu nhập bình quân đầu người.

Vui mùa rẫy mới

Đang thu hoạch 7 công xà lách xoong ở ấp Thuận Thành, ông Tư Xệ cho biết, năng suất 700-800 kg/công, giá 47.000 đ/kg, “vụ này tui lời trên 200 triệu đồng, nên ăn Tết ấm”- ông Tư khoe.

Theo ông Tư, năm nay thời tiết nắng mưa thất thường, rau dễ bệnh nên chăm sóc nhiều hơn, nhưng giá đa phần ở mức cao. Thời điểm tháng 5-6 vừa qua, giá lên tột đỉnh (75.000 đ/kg). Cứ 50-60 ngày thì thu hoạch, nên trồng được 6-8 vụ/năm, vụ thuận năng suất hơn 1 tấn/công.

Gắn bó với cây xà lách xoong 7 năm, ông Tư chia sẻ: “Nhờ trồng rau này mà khấm khá hơn”. Ông đã đầu tư nửa tỷ đồng để hoàn thiện khu vực trồng, đầu tư hệ thống tưới phun 70 triệu đồng “sử dụng lâu dài”. Khoảng 1 năm nay, ông trồng xà lách xoong theo chuẩn VietGAP. “Nhờ ít phân thuốc cộng với cải, ngò… người ta mua nhiều, tiêu thụ mạnh nên đời sống bà con ổn định hơn”- ông Tư nói.

Sau 4 năm chuyển từ đất lúa sang trồng xà lách xoong, ông Lại Văn Phương- ấp Thuận Thành, cho biết: Chủ yếu “sống nhờ xà lách xoong”, thu nhập “êm hơn làm ruộng”. Bà con nơi đây thường hỏi thăm, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau, nên trồng rất đạt. “Đầu năm đến nay, giá xà lách xoong luôn ở mức cao, nên ai cũng rất phấn khởi. Có thời điểm tôi bán được giá 70.000 đ/kg, tuy năng suất không bằng vụ này, nhưng... sống khỏe”- ông Phương hồ hởi nói.

Ông Phan Văn Tư- Bí thư kiêm Trưởng ấp Thuận Thành, cho biết khu vực này được quy hoạch làm vùng nguyên liệu chuyên canh xà lách xoong. Toàn ấp có 47,5ha trồng, trong đó có khoảng 25ha theo chuẩn VietGAP với 50 người tham gia. Trồng xà lách xoong đem lại hiệu quả kinh tế cao nên được người dân duy trì 50-60 năm nay.

Trước đây, chủ yếu tưới tay. Sau này được Sở KH-CN hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới phun tự động (500 m2/hộ). Lúc trước, mỗi béc phun cách nhau khá thưa nên người dân rút kinh nghiệm chia khoảng cách ngắn hơn và duy trì nhân rộng tới ngày nay. Ngành BVTV thường xuyên tổ chức tập huấn để nâng cao kỹ năng, kiến thức cho người dân.

Thu nhập nâng cao

Ông Lâm Văn Thuận- Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận An, cho hay người dân ấp Thuận Thành trước đây chủ yếu trồng lúa, sau này chuyển sang trồng xà lách xoong nên đời sống khấm khá hơn. Năm nay, giá thấp nhất cũng 10.000 đ/kg, khác hẳn những năm trước có thời điểm chỉ 2.000-3.000 đ/kg.

Để giúp nông dân nâng cao hiệu quả trên cùng diện tích canh tác, hội vận động hội viên, nông dân trồng tận dụng các mương tưới trồng rau nhút, tận dụng bờ ranh, bờ đê trồng hoa mười giờ, rau húng quế, cải trời, cây lùn (loại lấy lá)... vừa giúp bảo vệ đất và cỏ không tấn lên, lại làm đẹp cảnh quan, hạn chế dịch hại và có thêm nguồn thu từ việc bán rau.

Ông Bùi Văn Hiếu- Chủ tịch UBND xã Thuận An, cho biết toàn xã có khoảng 130ha trồng xà lách xoong, tăng khoảng 20ha so năm rồi. Thổ nhưỡng thích hợp và có điều kiện chuyển đổi thuận lợi cộng với giá bán ổn định, đảm bảo có lời, nên diện tích tăng.

Hiện, đã thành lập tổ hợp tác trồng xà lách xoong, sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao và trồng theo chuẩn VietGAP. Cùng với xà lách xoong, xã Thuận An còn có khoảng 100ha trồng rau diếp cá. Đây là 2 sản phẩm chủ lực của xã. Hiện rau diếp cá có giá 17.000-18.000 đ/kg. Với giá bán này nông dân rất phấn khởi vì đem lại lợi nhuận khá cho nông hộ.

Ông Lại Văn Phương đã chuyển đổi đất lúa sang trồng xà lách xoong, đem lại lợi nhuận cao trên cùng diện tích canh tác.
Ông Lại Văn Phương đã chuyển đổi đất lúa sang trồng xà lách xoong, đem lại lợi nhuận cao trên cùng diện tích canh tác.

Chủ tịch UBND xã Thuận An cho biết thêm, nhờ được mùa và giá cả ổn định ở mức cao, đã giúp nông dân tăng thu nhập, góp phần thực hiện tốt tiêu chí thu nhập trong xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Hiện, xã tiếp tục vận động người dân mở rộng sản xuất- kinh doanh, chuyển ruộng sang trồng xà lách xoong và rau diếp cá để nâng chất tiêu chí thu nhập.

Ông Lê Văn Dũng- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh, cho biết đến nay xã Thuận An giữ vững 19/19 xã NTM nâng cao theo bộ tiêu chí mới và đạt 5/5 tiêu chí xã NTM kiểu mẫu.

Sau 4 năm về đích NTM nâng cao, đến nay bộ mặt nông thôn của xã Thuận An tiếp tục thay đổi tích cực, đời sống người dân được nâng cao. Hiện, mô hình trồng xà lách xoong, rau diếp cá, kết hợp trồng rau nhút ở mương tưới mang lại hiệu quả và thu nhập rất tốt cho người dân.

Cùng với đó, xã Thuận An thực hiện rất tốt chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp thông qua những mô hình tưới phun tự động giúp tiết kiệm nước, công lao động... kết hợp với các mô hình trồng rau theo chuẩn VietGAP. Đặc biệt, nổi trội nhất là trong thực hiện tiêu chí môi trường, xã đã bố trí đầy đủ các thùng rác, hố rác để thu gom bao bì thuốc BVTV và rác thải sinh hoạt.

Ông Lâm Văn Thuận- Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận An: Qua tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất- kinh doanh nông sản an toàn, đến nay ý thức người dân ngày càng được nâng lên. Nông dân rất hạn chế sử dụng phân thuốc và khi sử dụng xong thì bỏ vào bể chứa bao bì thuốc BVTV để hạn chế ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là qua thời gian trồng, nông dân có nhiều kinh nghiệm nên không cần phải xài nhiều phân thuốc, sản phẩm làm ra chất lượng và an toàn hơn.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- TUYẾT HIỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh