Kỳ 2: "Vé thông hành" cho nông dân ra biển lớn

11:11, 30/11/2023

Nhiều quốc gia trên thế giới đã có quy định bắt buộc nông sản (rau, củ, quả) từ các nước khác muốn xuất khẩu vào nước họ phải được cấp mã số vùng trồng (MSVT) nhằm truy xuất nguồn gốc. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều tổ chức, cá nhân đã xây dựng MSVT và đạt được kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
 

 

Mã số vùng trồng giúp truy xuất nguồn gốc, sản xuất theo quy trình đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, nâng cao ý thức sản xuất an toàn, chất lượng.
Mã số vùng trồng giúp truy xuất nguồn gốc, sản xuất theo quy trình đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, nâng cao ý thức sản xuất an toàn, chất lượng.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã có quy định bắt buộc nông sản (rau, củ, quả) từ các nước khác muốn xuất khẩu vào nước họ phải được cấp mã số vùng trồng (MSVT) nhằm truy xuất nguồn gốc. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều tổ chức, cá nhân đã xây dựng MSVT và đạt được kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
 
Tại tỉnh Vĩnh Long, công tác thiết lập và cấp MSVT, cơ sở đóng gói (CSĐG) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao uy tín của nông sản trên thị trường, góp phần định hướng cho nông dân, HTX thay đổi tư duy sản xuất theo hướng chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn và thị hiếu của thị trường.
 
Tăng uy tín, mở rộng thị trường
 
Nhiều HTX cho hay, việc được cấp MSVT không chỉ giúp tiêu thụ hàng hóa nông sản ổn định hơn, mà còn từng bước chuẩn hóa trong quá trình sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường. 
 
Là một trong những HTX cây ăn trái đầu tiên được cấp MSVT trên địa bàn tỉnh từ năm 2015, đến nay HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước (Long Hồ) đã có 36/42ha trồng chôm chôm được cấp MSVT xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, New Zealand…
 
Ông Nguyễn Ngọc Nhân- Giám đốc HTX, cho biết: Hiện có gần 80 nông dân tham gia HTX đều thực hiện canh tác chôm chôm theo chuẩn GlobalGAP. HTX đã quản lý MSVT bằng cách theo dõi nhật ký ghi chép của thành viên tham gia, sử dụng phân, thuốc BVTV đúng quy định. Từ khi có MSVT, thị trường xuất khẩu của HTX đa dạng hơn, uy tín của HTX được nâng cao, khách hàng của HTX ngày càng nhiều, giúp thành viên của HTX ổn định sản xuất và nâng cao thu nhập. 
 
Tháng 4/2023, tỉnh Vĩnh Long tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô khoai lang đầu tiên sang Trung Quốc. Qua đó, chứng minh chất lượng sản phẩm khoai lang của tỉnh đã được nâng lên đạt theo yêu cầu của phía hải quan Trung Quốc. Đây là cơ hội để tổ chức phát triển ngành hàng khoai lang của Việt Nam theo hướng hiện đại, chất lượng, an toàn, bền vững và liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ. 
 
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, để có được nguồn khoai lang nguyên liệu cũng như CSĐG đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, ngành nông nghiệp tỉnh, lãnh đạo huyện Bình Tân, nông dân và doanh nghiệp đã rất nỗ lực trong việc xây dựng MSVT, mã số CSĐG đạt tiêu chuẩn theo quy định.
 
Là đơn vị cung cấp khoai lang để xuất khẩu chuyến hàng chính ngạch đầu tiên vào Trung Quốc, ông Sơn Văn Luận- Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Khoai lang Thanh Ngọc (Bình Tân) cho biết: Khoai lang được cấp MSVT có lợi thế rất nhiều, không chỉ nâng cao độ uy tín với khách hàng, mở rộng thị trường, giúp quảng bá sản phẩm tốt hơn mà còn hạn chế nhiều rủi ro về giá cả, thị  trường tiêu thụ. 
 
“MSVT chứng minh cho sự quản lý chặt chẽ từ khâu tổ chức sản xuất, chứng nhận an toàn thực phẩm, đến khâu thu hoạch, sơ chế và đóng gói sản phẩm của HTX, phù hợp với xu thế phát triển trong tương lai, khi quá trình hội nhập, cạnh tranh ngày càng sâu rộng”- ông Luận cho  biết thêm.
 
Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, MSVT được xem là “tấm vé thông hành” cho nông sản xuất khẩu, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng.
 
Cụ thể, việc mã hóa vùng trồng mang lại nhiều ích lợi thiết thực cho nông dân như: chuẩn hóa quá trình chăm sóc, quản lý cây trồng, vật nuôi, quản lý được diện tích trồng, đưa ra quy trình chuẩn trong chăm sóc; cảnh báo tình hình dịch bệnh, lên kế hoạch chăm sóc, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng và ước lượng năng suất…
 
Từ đó, cây trồng cho năng suất, chất lượng cao, đồng đều, đáp ứng tiêu chuẩn của những thị trường khó tính nhất. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để sản phẩm nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch.
 
Không chỉ vậy, việc xây dựng MSVT giúp thay đổi nhận thức, hành động của người dân, doanh nghiệp và cán bộ quản lý tại địa phương về sản xuất nông nghiệp, hướng đến mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, góp phần xây dựng nền kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững.
 
Chuyển biến tích cực, thuận lợi tiêu thụ
 
Xác định rõ tầm quan trọng và những lợi ích của MSVT mang lại cho người sản xuất và người tiêu dùng, thời gian qua, ngành chức năng đã tăng cường tuyên truyền, triển khai cho các địa phương, đặc biệt là các vùng trồng có đủ điều kiện và tiêu chuẩn cấp MSVT. 
 
Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 119 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 3355 ngày 3/7/2023, theo đó đã triển khai nghị quyết của HĐND tỉnh đến các ngành, các địa phương có liên quan triển khai thực hiện. Các sở, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện tại cơ quan, đơn vị, địa phương.
 
Trong đó, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn triển khai và quản lý chặt chẽ công tác cấp MSVT, mã số CSĐG bằng nhiều hình thức như: Tập huấn, tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa của việc cấp mã số phục vụ xuất khẩu; chấp hành các quy định của nước nhập khẩu, sản xuất theo hướng an toàn; cách thiết lập MSVT, mã số CSĐG, thành phần hồ sơ minh bạch đầy đủ; kiểm tra giám sát định kỳ... 
 
Cụ thể, tại huyện Tam Bình, thời gian qua, địa phương đã phối hợp triển khai sổ tay hướng dẫn sản xuất tại MSVT; về thiết lập, quản lý vùng trồng, CSĐG cho cán bộ chuyên môn địa phương và các vùng trồng có đủ điều kiện, tiêu chuẩn; tuyên truyền các quy định về sản xuất cho cán bộ nông nghiệp, cộng tác viên nông nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu cấp MSVT, mã số CSĐG phục vụ xuất khẩu…
 
Ông Lê Ngọc Đức- Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Bình, cho biết: Diện tích vườn cây ăn trái trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng quy mô, điều kiện, tiêu chuẩn thiết lập MSVT. HTX, tổ hợp tác và nông dân dần hiểu được và áp dụng có hiệu quả quy trình sản xuất, kiểm soát dịch hại để đáp ứng nhu cầu thị trường các nước nhập khẩu. 
 
Còn tại huyện Vũng Liêm, theo ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện, bên cạnh tuyên truyền, tập huấn về MSVT, mã số CSĐG, phòng phối hợp cùng UBND các xã, thị trấn khảo sát, đánh giá quy mô, diện tích, chủng loại cây trồng để tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch xây dựng MSVT trên địa bàn huyện trong năm 2023.
 
Đồng thời, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có nhu cầu, đủ điều kiện tham gia xây dựng MSVT hoàn thành thủ tục hồ sơ gửi Chi cục Trồng trọt-BVTV xem xét, thực hiện kiểm tra, giám sát theo đúng thủ tục cấp MSVT. Đối với vùng trồng đã được cấp MSVT, phòng cũng phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng MSVT theo quy định.
 
Có thể thấy, việc thiết lập và cấp MSVT, mã số CSĐG nông sản phục vụ xuất khẩu là yêu cầu bắt buộc của nhiều thị trường nhập khẩu và thông lệ quốc tế nhằm đảm bảo tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
 
Theo đó, thời gian qua, nhiều HTX trong tỉnh đã được cấp mã số để dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Qua đó, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng xuất khẩu, vừa hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững.
 
Một số quốc gia yêu cầu trái cây phải có mã số vùng trồng mới được xuất sang các nước này
Một số quốc gia yêu cầu trái cây phải có mã số vùng trồng mới được xuất sang các nước này
Ông Nguyễn Văn Liệt- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá: Thời gian qua, công tác xây dựng MSVT trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, được các ngành, các địa phương quan tâm, phối hợp. Số lượng MSVT tăng thêm gần 50% so năm 2022.
 
Đặc biệt là nâng cao được ý thức của người dân trong công tác xây dựng, bảo vệ MSVT; cơ bản phòng ngừa các gian lận về MSVT; tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ trong và ngoài nước.
Ngày 15/6/2023, tại Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa X đã biểu quyết thông qua nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực nông nghiệp tại Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa X. Theo đó, HĐND tỉnh ghi nhận các giải pháp, cam kết do UBND tỉnh và lãnh đạo các cơ quan chuyên môn đã đề ra tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến nội dung “Công tác quy hoạch vùng trồng, quá trình thực hiện quy hoạch, hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật canh tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; việc cấp MSVT, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, các tiêu chuẩn chất lượng (VietGAP, theo quy trình VietGAP, theo tiêu chuẩn EU và các nước); việc xây dựng nhãn hiệu thương hiệu nông sản, liên kết sản xuất tiêu thụ, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đóng gói nông sản chủ lực phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu” và đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các giải pháp đã cam kết với HĐND tỉnh.
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- THẢO LY
(Còn tiếp) 
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh