Quyết sách tạo bứt phá cho "hộ chiếu nông sản"

06:11, 29/11/2023

Sau hơn 30 năm đổi mới, sản xuất trồng trọt đã có những bước phát triển quan trọng, góp phần đưa Việt Nam từ nhập khẩu lương thực trở thành quốc gia xuất khẩu lương thực có vị thế cao trên trường quốc tế. 

Sau hơn 30 năm đổi mới, sản xuất trồng trọt đã có những bước phát triển quan trọng, góp phần đưa Việt Nam từ nhập khẩu lương thực trở thành quốc gia xuất khẩu lương thực có vị thế cao trên trường quốc tế.
 
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Trồng trọt, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020 với nhiều điểm mới nhằm đảm bảo phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân và hội nhập quốc tế...
 
Để luật sớm đi vào cuộc sống, Bộ Nông nghiệp-PTNT đã triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Trong đó, có Chỉ thị số 1838 về “tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng (MSVT) và cơ sở đóng gói (CSĐG) nông sản phục vụ xuất khẩu”.
 
Việc thiết lập và cấp MSVT, CSĐG nông sản là yêu cầu bắt buộc của các thị trường, nhằm tuân thủ quy định của các nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện cũng còn gặp nhiều khó khăn. Điều này đặt ra cần có các giải pháp để thiết lập và cấp MSVT, CSĐG đem lại hiệu quả thiết thực.
Kỳ 1: Xây dựng mã số vùng trồng- yêu cầu
bức thiết
Hiện, ĐBSCL là vùng dẫn đầu về số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Hiện, ĐBSCL là vùng dẫn đầu về số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
 
MSVT được xem là “tấm vé thông hành” quan trọng để nông sản xuất khẩu. Do đó, việc xây dựng MSVT đang là việc làm rất cần thiết nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng với những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo phục vụ nhu cầu thị trường, từ đó góp phần đưa nông sản vươn tầm thế giới. 
 
“Chìa khóa” xây dựng lòng tin
 
Những năm qua, công tác thiết lập và cấp MSVT, CSĐG đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế và tăng kim ngạch xuất khẩu. 
 
Hiện nay, diện tích vùng trồng nông sản của tỉnh Vĩnh Long được cấp MSVT đang ngày càng nhiều, không chỉ đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng cho xuất khẩu, mà còn hướng đến nền nông nghiệp bền vững.
 
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, việc thiết lập và cấp MSVT, CSĐG nông sản phục vụ xuất khẩu đóng vai trò quan trọng đối với xuất khẩu nông sản, do đây là yêu cầu bắt buộc của nước nhập khẩu nhằm đảm bảo tuân thủ quy định về kiểm dịch, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
 
Qua đó, góp phần thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi tư duy, định hướng nông dân sản xuất chuyên nghiệp hơn, minh bạch, bền vững và có trách nhiệm theo các tiêu chuẩn sản xuất và thị hiếu của thị trường.
 
Ông Nguyễn Vĩnh Phúc- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt-BVTV, cho biết: MSVT là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm thuận lợi cho việc theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng. Theo đó, để được cấp MSVT, nông dân phải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn; ghi sổ tay canh tác hoặc nhật ký đồng ruộng...
 
Việc xây dựng, thiết lập mã số vùng trồng sẽ là “hộ chiếu” để nông sản xuất khẩu theo con đường chính ngạch.
Việc xây dựng, thiết lập mã số vùng trồng sẽ là “hộ chiếu” để nông sản xuất khẩu theo con đường chính ngạch.
Các vùng trồng đủ điều kiện sẽ được cấp mã số và được giám sát, kiểm tra định kỳ; nếu không đáp ứng được các yêu cầu sẽ bị loại khỏi danh sách các vùng trồng được phép xuất khẩu và thu hồi mã số đã cấp.
 
“Việc cấp MSVT không chỉ giúp người tiêu dùng và cơ quan chức năng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu thông qua việc sản xuất theo quy trình nhất định có kiểm soát dịch hại, đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm, mà còn giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm.
 
Có thể xem đây là “chìa khóa” trong việc xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín nông sản tỉnh Vĩnh Long nói riêng và Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế cũng như lợi ích kinh tế của người nông dân”- ông Phúc cho biết thêm. 
 
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cho rằng, hiện nay điều kiện tiên quyết khi xuất khẩu nông sản ra thế giới là phải thiết lập và được cấp mã số, quản lý vùng trồng và mã số CSĐG nông sản.
 
Theo đó, các thị trường đều đòi hỏi sản phẩm xuất khẩu phải bảo đảm truy xuất nguồn gốc bằng cách tham gia chương trình kiểm soát, hồ sơ ghi chép phải đảm bảo các yêu cầu ghi chép lại các khâu trong toàn chuỗi sản xuất; đảm  bảo truy xuất nguồn gốc khi có vi phạm; mỗi vùng trồng, CSĐG phải có một mã số riêng. 
 
Do vậy, lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp và nông dân đều đã rất nỗ lực trong việc đàm phán, tìm kiếm hướng xuất khẩu nông sản sang các thị trường nước ngoài. Đây là quá trình lâu dài, không hề dễ dàng và đòi hỏi đầu tư khá nhiều tiền bạc, thời gian, công sức và con người.
Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, cho biết:
 
Ngành nông nghiệp đã triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư theo Nghị quyết số 01 ngày 23/3/2023 của HĐND tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ đầu tư của tỉnh Vĩnh Long. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã thành lập 2 tổ công tác đặc biệt và thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư; các cấp, các ngành chủ động tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh để tiếp nhận, tổng hợp và kịp thời tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền và kiến nghị cấp trên đối với các vấn đề vượt thẩm quyền. Qua đó, góp phần thu hút đầu tư nói chung, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh nói riêng. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1607 ngày 10/7/2023 về việc ban hành Kế hoạch sản xuất cây trồng chủ lực và tiềm năng đến năm 2030. Đây là cơ sở cho các địa phương định hướng và tổ chức sản xuất, xây dựng các vùng trồng chủ lực trên địa bàn.

Quyết sách đưa nông sản vươn xa

Để tăng cường công tác thiết lập MSVT, Sở Nông nghiệp-PTNT đã ban hành công văn về việc thực hiện cấp và quản lý MSVT, CSĐG trên địa bàn tỉnh phục vụ xuất khẩu nông sản theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp-PTNT.
 
Năm 2023, sở phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện MSVT, CSĐG; hướng dẫn các doanh nghiệp, CSĐG hoàn thiện các quy định, đăng ký trực tuyến xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; kiểm tra dư lượng kim loại nặng có trong mẫu đất, nước…
 
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát các MSVT đã cấp trong tỉnh và có báo cáo kết quả giám sát gửi Cục BVTV hủy mã số đối với vùng trồng đã chuyển sang cây trồng khác hoặc các mã số không còn hoạt động; thu hồi mã số đối với vùng trồng không tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu về yêu cầu  cấp MSVT.
 
Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, cho biết: Công tác thiết lập MSVT được một số địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện xây dựng vùng trồng, hồ sơ đúng quy định, đáp ứng tốt cho việc đề nghị cấp MSVT. Các MSVT đã được cấp duy trì thực hiện ghi sổ tay nhật ký canh tác và được Chi cục Trồng trọt-BVTV hỗ trợ cập nhật sổ tay điện tử theo quy định, công khai minh bạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm… 
 
Ông Nguyễn Mạnh Hùng- Trưởng Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh, nhấn mạnh, nông nghiệp đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện nay đang thuộc diện ưu tiên của tỉnh. Hiện, tỉnh Vĩnh Long có 14 sản phẩm được ưu tiên phát triển như: lúa, cam sành, cam xoàn, sầu riêng, khoai lang...
 
Nhà nước khuyến khích và hỗ trợ cấp mã số vùng trồng để quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm, kích thích nền nông nghiệp phát triển.
Nhà nước khuyến khích và hỗ trợ cấp mã số vùng trồng để quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm, kích thích nền nông nghiệp phát triển.

Tỉnh cũng quan tâm xây dựng “hộ chiếu nông sản” để đưa nông sản vươn ra thị trường quốc tế. Về phía HĐND tỉnh, đã ban hành 8 nghị quyết liên quan đến các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, như: đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm; hỗ trợ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; phát triển sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp... “Việc xây dựng MSVT nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng nông nghiệp, nâng cao thu nhập người dân”- ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Đến tháng 10/2023, toàn tỉnh có 117 vùng trồng được cấp MSVT xuất khẩu trên các chủng loại trái cây (nhãn, chôm chôm, xoài, thanh long, bưởi, mít, khoai lang, sầu riêng); 26 CSĐG nông sản xuất khẩu. 
Trong năm 2023, đã nhận đơn đề nghị mã số mới với 120 hồ sơ. Chi cục Trồng trọt-BVTV đã gửi báo cáo về Cục BVTV đề nghị xin cấp 114 mã số. Đến nay, đã cấp 56 hồ sơ, diện tích 1.212ha với 1.380 hộ. Trong đó, khoai lang 42 mã số (906,18ha); sầu riêng 6 mã số (192,38ha); bưởi 6 mã số (82,48ha); chanh 2 mã số (20,4ha). MSVT phục vụ nội địa đã cấp được 41 mã số nội địa với diện tích 530,71ha.
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI-  THẢO LY 
(Còn tiếp)
 
 
 
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh