Với nhiều nhà vườn trồng dừa hiện nay, sâu đầu đen (SĐĐ) là nỗi ám ảnh vì những thiệt hại mà chúng gây ra không hề nhỏ. Hiện đối tượng gây hại này đã xuất hiện trở lại trên địa bàn tỉnh với đặc tính lây lan nhanh.
|
Sâu đầu đen là đối tượng dịch hại mới xuất hiện trên cây dừa, đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho các vườn dừa. |
Với nhiều nhà vườn trồng dừa hiện nay, sâu đầu đen (SĐĐ) là nỗi ám ảnh vì những thiệt hại mà chúng gây ra không hề nhỏ. Hiện đối tượng gây hại này đã xuất hiện trở lại trên địa bàn tỉnh với đặc tính lây lan nhanh. Để phòng trừ SĐĐ hiệu quả, ngành chức năng khuyến cáo bà con nông dân cần sớm ngăn chặn ngay từ đầu và đồng loạt, trong đó chú trọng sử dụng các biện pháp sinh học để bảo vệ môi trường.
Phát hiện sớm để có biện pháp phòng trị kịp thời
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp-PTNT), SĐĐ là đối tượng dịch hại mới xuất hiện trên cây dừa, đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho các vườn dừa của tỉnh Bến Tre. Tại Vĩnh Long, đã xuất hiện đối tượng này ở các huyện Vũng Liêm, Long Hồ… Trung tuần tháng 10/2023, đã ghi nhận SĐĐ gây hại trên vườn dừa tại các xã Trung Thành Tây và Quới An (Vũng Liêm) với diện tích nhiễm gần 4ha (tỷ lệ nhiễm nặng 70% là 0,2ha, còn lại là nhiễm nhẹ đến dưới 20%).
Theo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Vũng Liêm, tính đến đầu tháng 11/2023, diện tích trồng dừa trên toàn huyện là 5.134ha. Phần lớn trong số này là nhóm dừa công nghiệp (khai thác cơm dừa khô lấy dầu) và hiện cho thu nhập khoảng từ 60-70 triệu đồng/ha/năm. Từ năm 2020, SĐĐ gây thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều vườn dừa của tỉnh Bến Tre.
Do có vị trí địa lý giáp ranh tỉnh này, xã Thanh Bình (Vũng Liêm) cũng chịu thiệt hại bởi SĐĐ từ giữa năm 2022 với diện tích khoảng 1ha. Nhưng sau đó, ngành chức năng đã phát động phòng trừ và từ đó đến nay SĐĐ được khống chế trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, một vài năm gần đây, việc nhà vườn thiếu sự quan tâm chăm sóc vườn dừa do giá dừa khô giảm thấp kết hợp với nhiều yếu tố bất lợi khác khiến SĐĐ lây lan nhanh.
Theo đó, vào cuối tháng 10/2023, Trạm Trồng trọt và BVTV huyện đã ghi nhận có sự xuất hiện của SĐĐ trên vườn dừa của một số hộ dân ở ấp Tân Trung (xã Trung Thành Tây, huyện Vũng Liêm). Trong số này, hộ ông Cao Văn Năm chịu thiệt hại nặng nhất với diện tích khoảng 0,2ha. Nếu không quan tâm phòng trừ SĐĐ từ đầu thì thiệt hại để lại là rất lớn (có thể lên đến 60-70%).
Có 3 công trồng dừa trên 10 năm, chú Đặng Văn Xưa (ấp Tân Trung, xã Trung Thành Tây, huyện Vũng Liêm) cho biết: “Loại sâu này lây lan nhanh và gây thiệt hại nặng nếu không phòng trị kịp thời. Vườn dừa của tôi cũng vừa chớm bệnh, nên tôi báo ngành nông nghiệp địa phương ngay để có biện pháp phòng trừ kịp thời”.
Không lơ là, chủ quan với sâu đầu đen
Theo ngành nông nghiệp, giải pháp phòng trừ SĐĐ hại dừa đòi hỏi nhiều công sức nhưng hiệu quả chưa cao, vườn nhiễm nặng chậm phục hồi. Trong khi đó, giải pháp phòng trừ tổng hợp, ngăn chặn từ đầu được xem là tối ưu nhất hiện nay, cùng với việc kết hợp các giải pháp phòng trừ sinh học, sử dụng thiên địch, trồng đa dạng các loài cây (nhất là cây có hoa) trong vườn dừa.
Theo đó, những năm qua, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã triển khai thực hiện các mô hình nhân nuôi, phóng thích các loài thiên địch này ra vườn dừa tại các huyện có diện tích trồng dừa lớn của tỉnh. Đồng thời, phối hợp với các địa phương phát động và tổ chức phòng trừ SĐĐ hại dừa bằng nhiều giải pháp tổng hợp như: nhân thả bọ đuôi kìm, ong ký sinh, sử dụng thuốc gốc sinh học, vệ sinh vườn,...
Theo ngành nông nghiệp, hiện tại việc quản lý SĐĐ đang được thử nghiệm với rất nhiều biện pháp nhằm đảm bảo vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân, vừa đảm bảo an toàn cho môi trường, vật nuôi và người sử dụng cũng như đảm bảo mục tiêu an toàn thực phẩm và bảo vệ hệ sinh thái vườn dừa.
Theo ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Vũng Liêm, để phòng trị SĐĐ hại dừa, cần kết hợp nhiều biện pháp như thăm vườn thường xuyên, phát hiện sớm đối tượng này để có biện pháp phòng trị kịp thời. Cắt bỏ, tiêu hủy những tàu dừa bị gây hại (đốt hoặc ngâm trong nước) để diệt ấu trùng, nhộng, trứng sâu.
Bên cạnh đó, áp dụng các biện pháp sinh học và bón phân đầy đủ, cân đối dinh dưỡng cho các vườn dừa đã bị SĐĐ gây hại. Đối với biện pháp hóa học, chú ý đến các loại thuốc gốc hoạt chất ít ảnh hưởng đến môi trường và chỉ sử dụng khi thật sự cần thiết.
|
Để phòng trị sâu đầu đen hại dừa, cần kết hợp nhiều biện pháp canh tác. |
Ông Nguyễn Vĩnh Phúc- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV, cho biết: Để quản lý tốt SĐĐ hại dừa, ngành nông nghiệp cần sự chung tay của nhà vườn. Bà con nhà vườn cần quan tâm chăm sóc vườn và áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật canh tác thân thiện với môi trường.
Khi phát hiện SĐĐ phải báo ngay đến ngành chuyên môn, chính quyền địa phương. Tuyệt đối không được lơ là chủ quan, cần luôn đề cao ý thức cảnh giác với SĐĐ và chủ động trong phòng trị đối tượng dịch hại này.
SĐĐ có tên khoa học là Opisina arenosella, thuộc họ bướm đêm (Oecophoridae), loại cây sâu thường ký chủ là dừa, dầu cọ, dừa kiểng… Trứng SĐĐ có hình cầu, màu trắng đục, sắp nở chuyển màu hồng. Trứng được đẻ rải rác ở mặt dưới lá. Giai đoạn trứng kéo dài từ 4-5 ngày. Sau khi trứng nở ấu trùng thường trải qua 8 giai đoạn phát triển trong vòng 46 ngày. Ấu trùng hóa nhộng ngay trên lá chét của tàu dừa, chúng nhả tơ kết lại từ các mảnh vụn (chất thải của ấu trùng) thành kén và hóa nhộng bên trong, nhộng có màu nâu nhạt và chuyển sang màu nâu sẫm lúc sắp nở. Giai đoạn nhộng có thể kéo dài từ 9-11 ngày ở nhiệt độ phòng. Thành trùng SĐĐ thuộc họ ngài đêm, cánh trước màu trắng xám với những chấm màu nâu rải rác trên cánh. Ban ngày, chúng thường ẩn náu ở mặt dưới lá chét và những bụi rậm bên dưới tán lá dừa. Thành trùng cái đẻ trứng thành từng nhóm trên đường đục của những lá bị ấu trùng phá hại. Một con cái trưởng thành có thể đẻ khoảng 49-490 trứng.
|
Bài, ảnh: PHI LONG