Theo ngành nông nghiệp, tuy tình trạng thoái hóa đất của tỉnh chưa phải ở mức độ nghiêm trọng, nhưng là vấn đề cần phải thực sự quan tâm trong quản lý, sử dụng đất hợp lý nhằm bảo tồn tài nguyên đất bền vững.
Cần vừa che phủ bảo vệ tầng đất mặt, vừa cải tạo đất trong các vườn cây ăn trái. |
Theo ngành nông nghiệp, tuy tình trạng thoái hóa đất của tỉnh chưa phải ở mức độ nghiêm trọng, nhưng là vấn đề cần phải thực sự quan tâm trong quản lý, sử dụng đất hợp lý nhằm bảo tồn tài nguyên đất bền vững.
Do đó, cần có các giải pháp quản lý, sử dụng đất thích hợp và hỗ trợ các kỹ thuật canh tác để đầu tư đúng mức, kịp thời nhằm hạn chế, giảm thiểu tình trạng thoái hóa đất của tỉnh trong thời gian tới.
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, qua đánh giá thoái hóa đất cho thấy toàn tỉnh có 97,32% diện tích điều tra diện tích bị thoái hóa (tương ứng 76,47% diện tích tự nhiên). Trong đó, tập trung chủ yếu đất bị thoái hóa ở mức trung bình và nhẹ (trên 110.000ha) chiếm 93,29% diện tích điều tra (tương ứng 74,88% diện tích tự nhiên), chỉ có 2,03% diện tích điều tra bị thoái nặng (tương ứng 1,59% diện tích tự nhiên).
Thoái hóa đất nặng chủ yếu phân bố ở huyện Mang Thít, huyện Vũng Liêm, ít nhất là TX Bình Minh, riêng TP Vĩnh Long, Long Hồ và Bình Tân không có diện tích bị thoái hóa nặng. Điều này cho thấy những vùng đất chuyên canh 3 vụ lúa/năm cao thường bị suy thoái đất nhiều hơn vùng luân canh với cây màu do suy giảm độ phì của đất, kế đến là do phèn hóa và kết von.
Nguyên nhân gây thoái hóa đất chủ yếu là do sự tác động của điều kiện tự nhiên và con người, trong đó nguyên nhân chính gây thoái hóa đất là do hoạt động kinh tế- xã hội của con người. Thể hiện rõ nét nhất là tình trạng bao đê ngăn lũ triệt để kết hợp tình trạng chuyên canh 3 vụ lúa/năm liên tục trong thời gian dài chính là nguyên nhân chủ yếu gây thoái hóa đất, vừa mang tính diện rộng, vừa gây tác động lâu dài đối với đất ở tỉnh.
Song song đó, một số tập quán canh tác chưa tốt (lạm dụng phân bón hóa học, không hoặc ít sử dụng phân hữu cơ trong canh tác lúa và cây ăn trái, đốt đồng, làm đất chưa đúng kỹ thuật), tình trạng khai thác đất quá mức để thâm canh, tăng vụ nên đất không có thời gian nghỉ để phục hồi độ phì tự nhiên.
Bên cạnh đó, nhu cầu chuyển mục đích đất nông nghiệp sang mục đích phi nông nghiệp ngày càng tăng đã tạo áp lực rất lớn lên sử dụng tài nguyên đất của tỉnh trong thời gian qua, góp phần làm cho đất bị suy thoái nhiều hơn.
Theo ngành chức năng, tình trạng thoái hóa đất sẽ không có lợi cho sự sinh trưởng và phát triển các loại cây trồng, từ đó làm giảm sức sản xuất của đất, đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh dần có tính trở ngại lớn hơn, chi phí đầu tư của nông dân tăng dần do phải duy trì năng suất cây trồng dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao. Đồng thời Nhà nước phải đầu tư nhằm cải thiện độ phì đất, giảm thiểu tình trạng thoái hóa đất.
Mặt khác, trong thời gian tới nếu không có giải pháp đồng bộ, có hiệu quả và sự đầu tư của xã hội cho mục đích giảm thiểu thoái hóa đất, thì nguy cơ sẽ thu hẹp diện tích canh tác nông nghiệp, giảm sút thu nhập của nông dân.
Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, đất trồng là một yếu tố quan trọng, cần được ưu tiên chăm sóc và bảo vệ trong nông nghiệp. Bởi không có một mảnh đất nào là có thể tươi tốt mãi với thời gian.
Sau những chuỗi ngày canh tác kéo dài thì đất sẽ bị thoái hóa và trở nên xuống cấp. Lúc này, nông dân không thể khai thác và phát triển một cách tối đa tiềm năng đất trồng được nữa. Và việc, cần phải hướng đến các biện pháp cải tạo đất trồng.
Do đó, theo ông Nguyên Văn Liêm, để ngăn ngừa xảy ra tình trạng thoái hóa đất, nông dân cần kết hợp nhiều yếu tố trong kỹ thuật canh tác và tránh ảnh hưởng từ những tác động của môi trường. Cụ thể, bảo vệ và trồng thêm cây xanh, cây che phủ đất để giúp hạn chế sự bốc thoát hơi nước, giữ độ ẩm cho đất, làm tăng nguồn nước ngầm, chống xói mòn.
Trong các vườn cây ăn trái, cây công nghiệp cần để cỏ và trồng xen canh các loại cây họ đậu để vừa che phủ bảo vệ tầng đất mặt, vừa cải tạo đất. Vùng trồng cây ngắn ngày như bắp, đậu,... có thể xen canh các loại cây rau màu. Cần quản lý, điều tiết nguồn nước tưới một cách hợp lý.
Luân canh các loại cây trồng khác nhau trên một diện tích đất cũng sẽ hạn chế việc cạn kiệt chất dinh dưỡng trong đất. Bằng việc trong luân canh với các loại cây có khả năng cung cấp lại dinh dưỡng cho đất sẽ giúp bảo vệ đất trồng khỏi bị thoái hóa và bổ sung lại các dinh dưỡng trong đất bị mất đi do cây trồng hấp thu qua quá trình canh tác.
Bổ sung chất hữu cơ cho đất trồng để một phần giúp cung cấp dinh dưỡng lại cho đất, một phần cải thiện cấu trúc đất, làm cho môi trường đất trở nên khỏe mạnh, giúp bổ sung các vi sinh vật cho đất, làm cho cây trồng có thể phát triển tốt…
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG