Kỳ 4: Nâng chất lượng, hướng đến mục tiêu giá trị

01:11, 01/11/2023

Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát và tư duy ngắn hạn là những yếu kém của nền nông nghiệp. Song, với những chủ trương, chính sách đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp- nông dân- nông thôn thời gian qua, người nông dân đã có nhiều sự tiến bộ, đổi mới trong việc không ngại thử nghiệm, quan tâm đầu tư sản xuất sạch, hướng đến mục tiêu giá trị sản phẩm và cùng nông dân tổ chức lại sản xuất, đưa nhau vào làm kinh tế tập thể. 
 

 

Hiện nay, nhiều nông dân đón đầu xu hướng làm nông mới và chú trọng sản xuất sản phẩm chất lượng.
Hiện nay, nhiều nông dân đón đầu xu hướng làm nông mới và chú trọng sản xuất sản phẩm chất lượng.
Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát và tư duy ngắn hạn là những yếu kém của nền nông nghiệp. Song, với những chủ trương, chính sách đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp- nông dân- nông thôn thời gian qua, người nông dân đã có nhiều sự tiến bộ, đổi mới trong việc không ngại thử nghiệm, quan tâm đầu tư sản xuất sạch, hướng đến mục tiêu giá trị sản phẩm và cùng nông dân tổ chức lại sản xuất, đưa nhau vào làm kinh tế tập thể. 
 
Phát triển nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao 
 
Là một trong những nông dân có tinh thần đổi mới, sáng tạo, ông Nguyễn Văn Phúc (xã Bình Phước, huyện Mang Thít) tiên phong trồng sầu riêng Ri 6 và bưởi da xanh trên đất quê. Đặc biệt, để nâng chất lượng sản phẩm, đảm bảo sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng, ông là người đi đầu trong sử dụng phân, thuốc hữu cơ để nâng chất lượng sản phẩm, đảm bảo sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng.
 
Trăn trở trước thói quen làm nông sử dụng phân thuốc hóa học gây nhiều hệ lụy, 8 năm trước, ông Phúc lặn lội đi Ba Tri, Bình Đại (tỉnh Bến Tre) tìm hiểu cách xài phân hữu cơ của các nhà vườn. Ông cho biết, ở xứ biển, bà con nông dân chủ yếu tận dụng cá biển hư, rẻ để ủ, rồi lấy nước bón cho cây. Về nhà, ông dùng ốc bươu vàng để ủ phân hữu cơ. 
 
Dẫn chúng tôi tham quan vườn bưởi da xanh trĩu quả nhờ tưới phân tự ủ, ông Phúc cho biết: “Tuy ủ phân khá cực nhưng sản phẩm được bà con tin dùng, giá cao hơn 5.000-10.000 đ/kg so giá bán trên thị trường”.
 
Ông Phúc còn “làm đẹp” cho trái bưởi như vẽ thư pháp, gắn nơ, tô màu để bán vào các dịp lễ, Tết với giá từ 200.000 đ/cặp. Thấy ông trồng bưởi theo hướng an toàn lại khéo tay, nhiều người đặt mua hàng trăm cặp để làm quà biếu. Nhờ đó, càng giúp nâng cao giá trị trái bưởi quê.
Ông Nguyễn Văn Phúc chú trọng sản xuất hữu cơ để nâng chất lượng sản phẩm, đảm bảo sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Phúc chú trọng sản xuất hữu cơ để nâng chất lượng sản phẩm, đảm bảo sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng.
Hiện, ông Phúc có trong tay 17 công vườn trồng bưởi da xanh, sầu riêng Ri 6, vú sữa hoàng kim. Ông Phúc đúc kết: “Làm nông bây giờ phải không ngưng cập nhật kiến thức, xu hướng mới, sản xuất ra sản phẩm sao cho chất lượng, an toàn và luôn nghĩ cách để ngày càng nâng cao giá trị”. 
 
Cũng bắt nhịp, đón đầu xu hướng làm nông mới, năm 2017, khu vườn công nghệ cao 2.000m2 của ông Huỳnh Phú Lộc “mọc” lên giữa… nội ô Phường 5, TP Vĩnh Long. Lúc đầu, ông Lộc trồng xà lách, rồi nghiên cứu kỹ thuật trồng cà chua và một số loại rau. Để tránh rủi ro, ông dành 1.000m² trồng các giống cà chua cherry, socola, beef… sản xuất 1 vụ/năm.
 
Song song đó, thử nghiệm trồng dưa lưới trên 500m2. Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm, vụ đầu tiên chỉ thu hồi vốn. Từ vụ thứ 2 bắt đầu có lợi nhuận, ông mạnh dạn trồng dưa lưới tất cả diện tích. Đến nay, ông đã mở rộng vườn dưa lên 4.000m2 tại các tỉnh: Vĩnh Long, An Giang. 
 
Theo ông Lộc, nhu cầu thực phẩm sạch, an toàn ngày càng cao. Do đó, nông dân cần thay đổi dần cách làm truyền thống, chuyển sang làm nông hữu cơ, công nghệ cao. Trong đó, muốn xóa bỏ tình trạng “giải cứu nông sản”, trước tiên người sản xuất phải đảm bảo sản phẩm có chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường. 
 
Hướng đến mục tiêu giá trị
 
Là người con xứ bưởi Mỹ Hòa (TX Bình Minh), vốn thấm thía những bấp bênh của nghề nông một phần là do nông dân thiếu liên kết. Đặc biệt, sau thời gian đổ vốn đầu tư hàng tỷ đồng vào vườn dưa lưới thủy canh công nghệ cao, ông Nguyễn Trọng Nghĩa càng thấm thía “cần diện tích sản xuất, sản lượng lớn, sản phẩm đảm bảo chất lượng, quy chuẩn mới vào được các kênh tiêu thụ lớn.
 
Để làm được điều này, phải kết nối bà con”. Đó là lý do HTX Mekong Green ra đời. Sản phẩm chính của HTX là dưa lưới, dưa lê với sản lượng 45 tấn/năm; canh tác theo quy trình VietGAP, ứng dụng khoa học trong hệ thống nhà kín và hệ thống tưới thông minh. Giám đốc Nguyễn Trọng Nghĩa tuyên bố chắc nịch: “Thành lập HTX để cùng làm ăn lớn cũng là bước đi căn cơ để giải quyết các khó khăn cơ bản mà nhà nông đang gặp phải”.
 
Xuất thân nhà nông, khi lập gia đình ra riêng, vợ chồng ông Đoàn Văn Tài và bà Lê Thị Nga (ấp Kinh, xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm) được cha mẹ cho 3 công ruộng. Chí thú làm ăn, luôn đứng “tốp đầu” trong phong trào thi đua nông dân sản xuất giỏi của tỉnh. Năm 2011, ông bà tìm tòi trồng lúa hữu cơ.
 
Theo ông Tài, lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn vì trong nước chưa có mô hình sản xuất hữu cơ, phải mày mò tìm hiểu qua sách báo những mô hình bên Nhật Bản. Vừa làm, vừa nghiên cứu mãi đến 2014 mới thành công. Dần dần, ông vận động mọi người cùng tham gia thành lập tổ sản xuất với diện tích 6ha. 
 
Năm 2017, HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt được thành lập do ông Đoàn Văn Tài làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc. Bước đầu, HTX có 15 thành viên, vốn điều lệ 400 triệu đồng, diện tích sản xuất 11,5ha.
 
Những năm 2018-2019, HTX thu hút thêm 50 thành viên, nâng tổng số lên 65 thành viên và tổng diện tích sản xuất lên 100ha. Cũng trong thời gian này, ông Tài vận động và thành lập liên hiệp HTX với 5 thành viên là 5 HTX trong tỉnh, lấy tên là HTX lúa gạo với tổng diện tích trên 400ha. “Các thành viên trong HTX đã cải tạo đất để đưa vào sản xuất theo hướng hữu cơ”- ông Tài cho biết. 
 
Theo ông Tài, trong sản xuất HTX luôn lấy tiêu chuẩn, chất lượng làm mục tiêu, sản xuất ra hàng hóa thị trường cần, chính vì thế sản phẩm của HTX sản xuất đều được doanh nghiệp đặt trước và giá cao hơn thị trường 1,5-2 lần đối với sản phẩm chưa qua chế biến (lúa), đối với sản phẩm qua chế biến như gạo thì giá sẽ cao hơn 3-4 lần. Hiện, HTX đang đàm phán với đối tác xuất sang thị trường Nhật Bản khoảng 20 tấn bột/tháng với giá 200.000 đ/kg sẽ mang lại lợi nhuận cho nông dân rất cao.
 
Nhiều năm liền, HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt đi đầu trong việc tạo ra sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh, đạt danh hiệu nông sản chất lượng cao, có bình quân thu nhập lao động cao nhất trong tỉnh, lợi nhuận của thành viên cao rất nhiều lần so với lao động bình quân tại địa phương.
 
Tập thể HTX nhận được nhiều bằng khen và giấy khen các cấp, được bình chọn 1 trong 6 HTX điển hình của tỉnh Vĩnh Long và là 1 trong 66 HTX điển hình trên cả nước. Hiện HTX tạo việc làm thường xuyên cho 35 lao động và hơn 40 lao động thời vụ với thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng. HTX còn tư vấn cho hộ nghèo, hộ thành viên HTX về kinh nghiệm sản xuất- kinh doanh, hỗ trợ về vốn, vật tư với tổng trị giá trên 100 triệu đồng/năm. 
 
Ông Tài cho biết, HTX có 30ha được chứng nhận hữu cơ theo 4 tiêu chuẩn hàng đầu của quốc tế là USDA (Mỹ), EU (châu Âu), JAS (Nhật Bản) và COR (Canada) và là HTX đầu tiên của cả nước đạt được 4 tiêu chuẩn trên.
 
“Hiện nay khi đã sở hữu vùng nguyên liệu hữu cơ sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế thì các doanh nghiệp tranh nhau đặt hàng không đủ để bán”- ông Tài nói và cho biết: “Theo nhu cầu của bà con nông dân xung quanh, dự kiến giai đoạn 2023-2028 HTX sẽ mở rộng diện tích sản xuất lên khoảng 300ha”.
 
Với những kết quả HTX đã đạt được, ông Đoàn Văn Tài đúc kết bài học kinh nghiệm: Vùng nguyên liệu sản xuất hữu cơ phải được khép kín, chủ động nước tưới tiêu; trong vùng nguyên liệu 100% hộ nông dân tham gia; thành viên của HTX ngoài góp vốn theo luật định buộc phải giao đất cho HTX sản xuất cùng một quy trình: người đứng đầu HTX phải nhạy bén nắm bắt nhu cầu thị trường, phải phát huy hết nội lực, đồng thời tranh thủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và nhất là phải đặt lợi ích của thành viên lên trên hết.
 
4 nội dung trên tuy đơn giản nhưng riêng nội lực của HTX không thể làm được mà cần liên kết mật thiết 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông). Ông Tài diễn giải, Nhà nước cần có chính sách phù hợp, kịp thời nhằm hỗ trợ HTX. Nhà khoa học hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất.
 
Ông Tài cũng cho rằng, nhà doanh nghiệp và nhà nông là mấu chốt nhưng do chưa có tiếng nói chung dẫn đến sự phá vỡ chuỗi liên kết do doanh nghiệp muốn lợi nhuận cao, không ít nông dân thường “bẻ kèo” và sản phẩm làm ra không đảm bảo chất lượng.
 
Do đó, vai trò của HTX là làm cầu nối cho doanh nghiệp, nhà nông gần lại với nhau, cùng chia sẻ lợi nhuận và có tiếng nói chung. Có vậy, liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị hàng hóa một cách bền vững. Theo đó, cần có những cơ chế chính sách hỗ trợ để thắt chặt mối liên kết này.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Lê Minh Hoan, việc chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp đã bắt đầu bén rễ vào nhận thức xã hội, vào người nông dân, doanh nghiệp. Chúng ta thấy rằng không thể quay lại con đường sản xuất nông nghiệp lấy tiêu chí sản lượng để làm mục tiêu phấn đấu nữa. 
Cái được của ngành nông nghiệp thời gian qua là đang dần thoát “lời nguyền” nông dân thì tư duy mùa vụ, doanh nghiệp thì tư duy thương vụ. Bắt đầu đã có nhiều nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học và nhiều hành động của các hiệp hội, ngành hàng, tổ chức nông dân có tư duy tạo ra giá trị gia tăng theo xu thế kinh tế nông nghiệp.
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI-
TUYẾT HIỀN
>> Kỳ cuối: Nông dân tự làm chủ vận mệnh
 
 
 
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh