Kỳ cuối: Đa dạng hóa thị trường, tiến đến nền nông nghiệp bền vững

03:11, 07/11/2023

Có thể thấy, năng lực sản xuất nông sản (NS) ở Vĩnh Long không thiếu cả về nguồn lực và tiềm lực. Tuy nhiên, hiện nay, cung chưa gặp cầu là do thiếu sự kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ, thị trường tiêu thụ chưa bền vững.

 
Nông sản Việt Nam ngày càng chiếm ưu thế trên “sân nhà”.
Nông sản Việt Nam ngày càng chiếm ưu thế trên “sân nhà”.
Có thể thấy, năng lực sản xuất nông sản (NS) ở Vĩnh Long không thiếu cả về nguồn lực và tiềm lực. Tuy nhiên, hiện nay, cung chưa gặp cầu là do thiếu sự kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ, thị trường tiêu thụ chưa bền vững. Để thúc đẩy tiêu thụ NS, nâng cao vị thế hàng NS cần phải “bắt đúng bệnh” và có nhiều giải pháp thiết thực trước mắt lẫn lâu dài.
 
Cần khẳng định từ thị trường nội địa
 
Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp (NN) luôn quan tâm đến các chủ trương, chính sách và các chương trình dự án liên quan đến hoạt động liên kết trong sản xuất- thu mua- chế biến và xuất khẩu NS.
 
Theo đó, Vĩnh Long đã có nhiều diện tích trồng, nuôi trồng thủy sản, trang trại và hộ chăn nuôi,… ứng dụng và đạt các chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, nhiều chuỗi cung ứng NS an toàn thực phẩm, các dự án liên kết tiêu thụ NS,… Đây là một trong những điều kiện để NS Vĩnh Long khẳng định uy tín, chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng trong nước, lấy niềm tin ngay ở thị trường nội địa.
 
Theo các chuyên gia kinh tế, với tiềm năng lớn về NN, Vĩnh Long có nhiều cơ hội để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu NS, nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, thời gian qua, tỷ trọng của ngành chế biến NS Vĩnh Long chưa cao so với mặt bằng chung. Vĩnh Long chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến NS, sản xuất NN còn manh mún, tự phát, nhiều nông dân (ND) vẫn áp dụng các cách thức chế biến, bảo quản thủ công, chi phí dịch vụ logistics cao...
 
Do vậy, để nâng tầm giá trị NS cần phải cho NS Vĩnh Long diện mạo mới, không thể chỉ dừng lại ở việc bán sản phẩm chính, sản phẩm thô. Thay vì chỉ bán tươi, cần có doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sau thu hoạch để chế biến NS thành những sản phẩm mới, thời gian bảo quản lâu hơn.
 
Ví dụ: Cây lúa để làm ra 1kg lúa còn có rơm rạ, trấu, cám- những thứ đó cũng có rất nhiều giá trị so với cây lúa. Bên cạnh đó, mẫu mã, bao bì cũng phải được đầu tư kỹ lưỡng. Đồng thời, doanh nghiệp, HTX, ND cũng nên tận dụng lợi thế sân nhà để bán hàng, phát triển và đa dạng hóa sản phẩm mới hy vọng cạnh tranh với các loại NS ngoại nhập. 
 
Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho rằng: Vĩnh Long có nhiều lợi thế về sản xuất NS nhưng không ít doanh nghiệp chú trọng thị trường nước ngoài, đáp ứng yêu cầu chất lượng của nhà nhập khẩu mà bỏ qua nhu cầu từ thị trường trong nước, chính tư duy sản xuất NN này làm giảm sức cạnh tranh của NS. Do đó, cần thiết phải có sự liên kết hình thành những vùng sản xuất tập trung dưới hình thức HTX hoặc trang trại, gia trại. Phải có sự đồng thuận của “bốn nhà”.
 
Trong đó, Nhà nước, nhà khoa học đóng vai trò quan trọng trong quy hoạch vùng chuyên canh, hướng dẫn kỹ thuật cho nhà nông sản xuất loại NS phù hợp, cách thức bảo quản NS đạt tiêu chuẩn tốt, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin, kinh phí trong việc xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu để phát huy hết thế mạnh sẵn có.
 
Bên cạnh sự hỗ trợ sản xuất thông qua các chính sách vĩ mô của Nhà nước, bản thân ND cũng phải thay đổi tư duy, bỏ “thói quen” sản xuất tự phát, thường xuyên phá vỡ quy hoạch…
 
Ông Nguyễn Văn Liệt- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết Vĩnh Long được biết đến là một trong những tỉnh có thế mạnh về NN và được khẳng định qua các sản phẩm NN chủ lực nổi tiếng, tạo nên vị thế thương hiệu riêng cho tỉnh như bưởi năm roi Bình Minh, cam sành Tam Bình, sầu riêng Ri6, chôm chôm Bình Hòa Phước, khoai lang Bình Tân…
 
Đến nay Vĩnh Long đã công nhận được 98 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3-4 sao; về sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu hiện tỉnh có 118 sản phẩm cấp tỉnh, 18 sản phẩm cấp khu vực và 5 sản phẩm cấp quốc gia đã được công nhận trong thời gian qua.
 
“Các sản phẩm này đã cho thấy chất lượng cũng như thương hiệu ngày càng đứng vững trên thị trường, qua đó góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm chủ lực của địa phương. Tỉnh Vĩnh Long xác định mục tiêu tập trung vào thị trường nội địa, đây là thị trường hết sức quan trọng với lợi thế gần 100 triệu dân sẽ là những người tiêu dùng thông thái, góp phần quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp, ND, đặc biệt là các mặt hàng NS, thủy sản chủ lực của tỉnh”- ông Nguyễn Văn Liệt nhấn mạnh. 
 
Từng bước chinh phục thị trường ngoài nước
 
Song song với phát triển thị trường trong nước, theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, xuất khẩu NS đóng góp quan trọng vào nền kinh tế quốc gia, tạo nguồn thu nhập cho ND và thúc đẩy phát triển NN. Đặc biệt, xuất khẩu NS mang lại cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế, nâng cao uy tín sản phẩm NN của đất nước.
 
Thực tế cho thấy, liên tiếp trong thời gian gần đây, các mặt hàng NS Việt Nam với quy trình sản xuất ngày càng nâng lên đã dần đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu.
 
Theo đó, cùng với sầu riêng, thanh long, nhãn, chôm chôm, mít,... đầu năm 2023 mặt hàng khoai lang cũng thành công thâm nhập thị trường Trung Quốc. Đây là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Vĩnh Long nói riêng phát triển ngành hàng này theo hướng hiện đại, bảo đảm chất lượng, an toàn, bền vững và liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ. Từ đó, nâng cao hiệu quả và nâng tầm giá trị NS trên trường quốc tế.
 
Tuy nhiên, để giữ vững thị trường, theo ngành chức năng, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, HTX cần nâng cao năng lực, nhận thức trong việc nắm bắt các quy định về kỹ thuật và yêu cầu tiêu chuẩn của thị trường, đảm bảo chất lượng toàn bộ chuỗi cung ứng; đầu tư thiết bị và nghiên cứu, sản xuất sản phẩm có chất lượng cao; đào tạo cán bộ kỹ thuật có kỹ năng quản lý và giám sát về an toàn thực phẩm cho quá trình sản xuất và chế biến...
 
Theo ông Hồ Trung Nghĩa- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương), các mặt hàng NS dần đáp ứng nhu cầu và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, thị trường một số nước rất ưa chuộng NS của Vĩnh Long, ví dụ như Campuchia rất chuộng cam sành và trái cây có múi của tỉnh.
 
Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đã nhận thấy được vai trò, tầm quan trọng của công tác xúc tiến thương mại nên tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến trong và ngoài nước. Qua đó, có khá nhiều doanh nghiệp đã và đang kết nối được với nhiều đối tác, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ.
 
Có thể thấy rằng, công tác xúc tiến thương mại thị trường nước ngoài trong thời gian qua đã cho thấy tiềm năng hàng NS Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, ý tưởng nâng cao giá trị NS bằng công nghệ, phát triển tối ưu nguồn nhân lực dồi dào chưa được quan tâm đúng mức. Và để giải quyết bài toán nâng tầm giá trị NS đòi hỏi rất nhiều giải pháp.
 
Bên cạnh sự vào cuộc của ngành chức năng, vai trò của doanh nghiệp, nhà khoa học, ND phải chú trọng nâng chất lượng, mẫu mã NS, chuyển đổi từ tư duy sản xuất tự phát sang sản xuất theo tín hiệu thị trường. Đồng thời, NN cần những chính sách mới hỗ trợ việc chuyển đổi để có thể chống chịu tốt hơn với các khó khăn, vượt qua các khủng hoảng nhanh hơn. Bên cạnh đó, thế giới có xu hướng ưa chuộng chất lượng. Do đó, cần phải khẳng định chỉ có chất lượng mới “cứu” và đưa NS Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu. 
 
Để nâng cao giá trị NS ĐBSCL nói chung và của tỉnh Vĩnh Long nói riêng, theo PGS.TS Võ Thành Danh- Trường Kinh tế (ĐH Cần Thơ), trong thời gian tới, cần phải có chiến lược về phát triển NN thích ứng với biến đổi khí hậu, hình thành các mô hình sản xuất theo chuỗi cung ứng với công ty là hạt nhân và ND là các “vệ tinh”. Ngoài ra, xúc tiến thị trường cho các thị trường bậc cao tiềm năng; củng cố liên kết ngang về phát triển hệ thống HTX, liên kết giữa các công ty. Đồng thời, cần có giải pháp tiêu chuẩn hóa, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển mạnh các ngành chế biến NS.
Bà Cao Xuân Thu Vân- Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội ND Việt Nam, cho rằng đã đến lúc ND không thể sản xuất tự phát, không thể sản xuất theo dạng có gì bán đó, mù mờ thông tin thị trường mà phải thay đổi, phải nắm bắt được thông tin thị trường cần gì. Để sản xuất thành công và mang lại lợi nhuận trong sản xuất NN, cách tốt nhất là ND phải tham gia tổ hợp tác, HTX. Mỗi ND cần có cách nhìn xa và mỗi người phải có trách nhiệm tham gia vào chuỗi giá trị NS. Bên cạnh đó, ND cần thay đổi nhận thức, hành động trong sản xuất, chế biến, có kế hoạch sản xuất, tiêu thụ phù hợp với nhu cầu thị trường. Song song đó, các địa phương cần có kế hoạch cụ thể trong quy hoạch phát triển vùng trồng, vùng nuôi, mở rộng không gian liên kết sản xuất, hỗ trợ ND chế biến sâu NS, nâng cao giá trị những NS thế mạnh của địa phương. Tiếp tục quan tâm cơ cấu lại ngành NN, quan tâm chính sách đầu tư hạ tầng hỗ trợ ND sản xuất hiệu quả.
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG- CÔNG NGÔN
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh