Kỳ 2: Liên kết để "sống còn, phát triển"

05:11, 04/11/2023

Theo nhiều chuyên gia, nông sản (NS) Việt Nam trước hết phải đạt chất lượng, "nắm chắc" thị trường nội địa và từng bước chinh phục thị trường ngoài nước, vừa đảm bảo yếu tố tiêu thụ bền vững, vừa khẳng định cho thương hiệu NS Việt Nam.

 

Việc thực hiện liên kết góp phần thay đổi tư duy trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.
Việc thực hiện liên kết góp phần thay đổi tư duy trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.
Theo nhiều chuyên gia, nông sản (NS) Việt Nam trước hết phải đạt chất lượng, “nắm chắc” thị trường nội địa và từng bước chinh phục thị trường ngoài nước, vừa đảm bảo yếu tố tiêu thụ bền vững, vừa khẳng định cho thương hiệu NS Việt Nam.
 
Theo đó, từ nhiều năm qua, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ NS đã được bàn bạc và triển khai với mục tiêu cuối cùng vẫn là đầu ra và nâng cao giá trị NS. Nắm bắt được điều này, nhiều HTX, doanh nghiệp (DN) đã bắt tay vào thực hiện liên kết với nông dân tạo vùng nguyên liệu NS chất lượng.
 
Nâng cao hiệu quả liên kết
 
Để tồn tại và đứng vững trên thị trường, thời gian qua các HTX nông nghiệp (NN), DN đã từng bước chủ động mở rộng thêm dịch vụ để phục vụ thành viên, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, vận động thành viên tham gia để liên kết với các DN nhằm cung cấp vật tư NN “đầu vào” và tiêu thụ sản phẩm “đầu ra” cho thành viên HTX, nông dân…
 
Để giải quyết khó khăn về vùng nguyên liệu còn manh mún nhỏ lẻ, không ít DN đã bắt tay liên kết với nông dân để tạo vùng nguyên liệu sạch, an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Bởi DN hiểu rằng, việc xây dựng được vùng nguyên liệu sẽ là khâu đột phá, giải quyết được các khâu tiếp theo trong chuỗi giá trị, đồng thời minh bạch hóa quy trình sản xuất và chất lượng nguyên liệu đầu vào cho chế biến và tiêu thụ. Điều này không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho DN mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân. 
 
Bà Dương Thị Hồng Nga- quản lý chất lượng Công ty TNHH Quốc Thảo (xã Thanh Đức, huyện Long Hồ) cho biết: Với chủ trương muốn nâng tầm giá trị NS ĐBSCL, công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất trực tiếp, nghiên cứu và đóng lon các mặt hàng NS. Với doanh thu bình quân hàng năm trên dưới 200 tỷ đồng, công ty đã chứng minh được hướng đi đúng đắn và thế mạnh của mình, tự hào trở thành DN tiêu biểu của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, tạo uy tín cho hàng NS Việt Nam trên thị trường quốc tế. 
 
“Công ty đã không ngừng cải thiện chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng của FDA, HACCP, ISO 22000... Chất lượng và an toàn thực phẩm là yếu tố quan trọng không chỉ đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng mà còn giúp tạo niềm tin và thúc đẩy tiêu thụ NS trên thị trường quốc tế”- bà Dương Thị Hồng Nga nhấn mạnh.
 
Trong khi đó, ông Đoàn Văn Tài- Giám đốc HTX Sản xuất dịch vụ NN Tấn Đạt (Vũng Liêm) cho biết: “Tôi luôn định hướng HTX sản xuất theo nhu cầu của thị trường chứ không sản xuất rồi mới đi tìm thị trường.
 
Bản thân tôi xuất phát là một nhà nông nhưng cũng là cầu nối giữa bà con nông dân với thị trường nên tôi luôn tìm cách thắt chặt mối quan hệ giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà DN, nhà khoa học và nhà nông, trong đó tôi chú trọng việc cân bằng lợi ích của nhà nông và nhà DN, để nâng cao giá trị sản phẩm, giúp HTX phát triển bền vững”.
 
Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, việc đẩy mạnh liên kết tiêu thụ chế biến và xuất khẩu NS sẽ hướng đến hình thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thời gian gần đây có sự tham gia của nhiều DN xây dựng mã số đóng gói phục vụ xuất khẩu NS đã liên kết với HTX, DN, thương lái nhỏ lẻ để phát triển vùng nguyên liệu bảo đảm chất lượng an toàn theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Các DN này đã đầu tư hệ thống máy móc sơ chế, đóng gói ngay tại vùng trồng theo đúng quy định. 
Mô hình trồng khoai lang sạch theo hướng hữu cơ ở Bình Tân đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Mô hình trồng khoai lang sạch theo hướng hữu cơ ở Bình Tân đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
 
Theo ông Nguyễn Văn Liêm, cùng với việc đầu tư và liên kết với nông dân, HTX trong việc sản xuất, thu mua khoai lang xuất khẩu, hiện Công ty TNHH TMV Chế biến nông lâm thủy sản Việt Nam (TT Tân Quới) cũng đã có kế hoạch trong hỗ trợ người dân, HTX xây dựng vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm cho nông dân, HTX trồng khoai lang tại huyện Bình Tân. Điều này giúp người dân ổn định đầu ra, DN tiết kiệm chi phí vì không phải đi các địa phương khác thu mua nguyên liệu...
 
Vai trò cầu nối của hợp tác xã
 
Theo ngành NN, bên cạnh mối liên kết giữa DN- nông dân, đáng chú ý, có một số HTX tham gia vào các chương trình khuyến nông, khuyến công, đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đăng ký thương hiệu sản phẩm; nhiều mô hình HTX chủ động hoạt động theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao. Từ đó, hoạt động của HTX mang lại hiệu quả, làm tăng doanh thu, tạo được thu nhập ổn định cho nông dân.
 
Theo ông Nguyễn Văn Liêm, HTX chính là cầu nối quan trọng trong liên kết sản xuất- thu mua- chế biến và xuất khẩu NS. HTX sẽ giúp tăng quy mô sản xuất hàng hóa, thuận lợi trong áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến như cơ giới hóa đồng bộ để giảm chi phí, đảm bảo chất lượng và số lượng.
 
Đồng thời còn tạo ra khối lượng hàng hóa lớn theo chuỗi liên kết, thuận lợi trong việc xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu NS. Trên hết giúp nâng cao chuỗi giá trị NS và cuối cùng là nâng cao thu nhập cho nông dân. Vì vậy, việc thành lập các HTX là nhiệm vụ cấp thiết. Đến cuối năm 2022, tỉnh Vĩnh Long có 114 HTX NN- thủy sản.
 
“Cũng chính vì điều này, BCĐ Quốc gia về xây dựng NTM quyết định giữ tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất. Trong đó, phải thành lập các HTX để đứng ra giữ vai trò đầu mối liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng NS cho nông dân. Từ đó, mới có thể nâng cao được năng suất chất lượng và nâng cao thu nhập của người nông dân theo các tiêu chí NTM khác”- ông Nguyễn Văn Liêm khẳng định.
Nhiều doanh nghiệp liên kết, phát triển vùng nguyên liệu bảo đảm chất lượng an toàn theo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Nhiều doanh nghiệp liên kết, phát triển vùng nguyên liệu bảo đảm chất lượng an toàn theo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Có thể thấy, trong thời gian qua, phát triển HTX trở thành nhân tố kinh tế quan trọng trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, kết nối các thành phần kinh tế trong chuỗi giá trị nhất là với DN; xây dựng các liên hiệp HTX có cùng nhóm sản phẩm hoặc cùng tham gia chuỗi giá trị nhằm tăng quy mô, hiệu quả sản xuất.
 
Song song đó, việc thực hiện liên kết góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của DN và hộ nông dân trong sản xuất, kinh doanh NN. Từ đó, góp phần đảm bảo hình thành chuỗi giá trị hàng NS có chất lượng cao, giảm chi phí trung gian để tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, chất lượng và giá trị hàng NS được nâng lên, đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Đây là yếu tố quan trọng để nâng cao thương hiệu, giá trị hàng NS.
 
Dù vậy, theo các chuyên gia kinh tế, để nâng tầm giá trị NS thì chỉ thực hiện tăng cường liên kết là chưa đủ. Mà hơn hết là các nhà khoa học, nhà quản lý, DN phải cùng nhau đi tìm lời giải.  
PGS.TS Lưu Thanh Đức Hải- Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế (ĐH Cần Thơ), cho rằng nông dân cần hiểu rõ lợi ích liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm để tự nguyện hợp tác sản xuất quy mô lớn, cùng quy trình sản xuất, đồng chất lượng và giảm giá thành sản xuất, tham gia tập huấn về thị trường lúa gạo, chất lượng và quy trình sản xuất lúa chất lượng cao. PGS.TS Đức Hải đề nghị Nhà nước cần có chính sách khuyến khích nông dân trồng lúa chất lượng cao, trong liên kết sản xuất cánh đồng lớn, thích ứng với biến đổi khí hậu, ít tốn công và chống chịu sâu bệnh dịch hại, hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng trong mô hình sản xuất lúa chất lượng cao…
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG- CÔNG NGÔN
 
>> Kỳ cuối: Đa dạng hóa thị trường, tiến đến nền nông nghiệp bền vững
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh